Đột phá Trung Quốc: Nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ IMF

IMF tuyên bố đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đủ điều kiện vào giỏ tiền tệ quốc tế, còn gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR).

Với quyết định ngày 30/11 của Quỹ Tiền tệ Quốc tệ (IMF), đồng nhân dân tệ đã được vào nhóm các đồng tiền dự trữ chính thức của IMF, hiện gồm USD, euro, đồng bảng Anh và yen Nhật.

Thông cáo báo chí của IMF cho hay, quyết định có hiệu lực từ 1/10/2016. Theo nhận định của Bloomberg, đây sẽ là đồng tiền có sức ảnh hưởng lớn thứ 3 trong rổ, với quyền số là 10,92%, đứng sau USD (41,73%) và euro (30,93%). Tỷ lệ tương ứng với yen Nhật và bảng Anh là 8,33% và 8,09%. Tỷ lệ phân bổ này sẽ ảnh hưởng đến lãi suất mà các nước thành viên phải trả khi vay mượn các đồng tiền khác nhau từ IMF cũng như tác động đến dòng chảy vốn trên thế giới.

Đồng nhân dân tệ Trung Quốc đạt mốc phát triển quan trọng trong lộ trình trở thành đồng tiền quốc tế

Đây sẽ là bước đột phá đối với Trung Quốc trong hệ thống tài chính toàn cầu, trong khi vị thế của nước này trên các thị trường tài chính sẽ được củng cố và có uy tín hơn. Nó cũng đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình quốc tế hóa nhân dân tệ - đồng tiền ra đời sau Thế chiến II và chỉ được giao dịch nội địa suốt nhiều năm.

Theo quy định của mình, IMF xem xét lại cơ cấu rổ tiền tệ 5 năm một lần và tổ chức này từng từ chối việc đưa nhân dân tệ vào SDR trong lần đánh giá năm 2010, với lý do đồng tiền của Trung Quốc chưa đáp ứng được những điều kiện cần thiết.

Mỹ - cổ đông lớn nhất của IMF, cùng các nước phương Tây khác đã chỉ trích Trung Quốc kìm giữ tỷ giá đồng nhân dân tệ ở mức thấp.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc kiên trì xây dựng chiến lược tạo sức cạnh tranh với đồng USD như một đồng tiền dự trữ quốc tế.

Quyết định của IMF được đưa ra chỉ 3 ngày sau khi Ngân hàng Trung ương Nga cũng đưa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vào giỏ ngoại tệ dự trữ của mình. Động thái của Nga giúp các giao dịch thanh toán bằng đồng nội tệ giữa Nga và Trung Quốc dự kiến tăng lên tăng.

Thành công lớn nhất của Bắc Kinh tới nay là lôi léo được các đồng minh của Mỹ và thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), được coi là một đối trọng với Ngân hàng Thế giới (WB) do Mỹ chi phối.

An Nhiên(Tổng hợp VnExpress/TTXVN)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/dot-pha-trung-quoc-nhan-dan-te-vao-gio-tien-te-imf-3293747/