Đột kích làng bánh kẹo La Phù (Hoài Đức - Hà Nội) trước mùa trung thu

Trong thời điểm cận kề trung thu, La Phù giống như một công trường sản xuất tấp nập, khẩn trương. Những chiếc xe tải, xe ba gác rầm rập ra vào bốc dỡ hàng chở đi phân phối. Bánh trung thu La Phù xưa nay vẫn được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường nông thôn do lợi thế giá rẻ. Tuy nhiên, xung quanh những chiếc bánh giá 3.000-5.000đ, câu chuyện VSATTP lại một lần nữa được cảnh báo…

Công nghệ làm bánh "siêu rẻ" Nằm cách trung tâm Hà Nội 12km, từ bao đời nay, La Phù vẫn được coi là làng nghề sản xuất bánh kẹo lớn nhất của Hà Tây (cũ). Các chủng loại hàng phong phú, đa dạng, số lượng lớn, giá cả bình dân… Thời điểm này, để chuẩn bị cho mùa trung thu, các cơ sở đã tạm ngừng sản xuất các mặt hàng quen thuộc để tập trung cho các loại bánh trung thu. Chúng tôi đã ghé thăm được một cơ sở sản xuất bánh trung thu ở xóm Thống Nhất. Trong căn nhà cấp 4 ẩm thấp, hàng chục tấn hàng đã đóng chặt trong các thùng carton chất cao tới nóc nhà. Rất nhiều bánh chưa kịp đóng thùng đang nằm lăn lóc trên sàn nhà. Những người công nhân vẫn dùng tay trần để bốc bánh ra đóng gói. Khi được hỏi, không một ai nắm được những qui định về VSATTP. Chỉ quan sát thông thường đã thấy những tiêu chuẩn về vệ sinh quang cảnh, trang phục người công nhân ở đây đều không đạt yêu cầu. Nườm nượp cảnh mua bán bánh trung thu "siêu rẻ" ở La Phù Dù vậy, chủ hàng (không nói tên - PV) vẫn luôn miệng khẳng định: "Em khỏi lo về chất lượng, gia đình chị làm bánh tới cả 3 đời rồi, có uy tín ở đây lắm". Chúng tôi có ý muốn thăm khu sản xuất nhưng chủ hàng nhất định từ chối với lí do "mua hàng thì chỉ được xem hàng thôi". Cuộc thương lượng giá cả diễn ra nhanh chóng do các mặt hàng ở đây đều thuộc dạng "siêu rẻ". Những chiếc bánh nướng, bánh dẻo làm thủ công chỉ có giá trung bình từ 3-5 ngàn/chiếc, nếu có thêm họa tiết trang trí bắt mắt thì giá cũng chỉ dao động từ 10-15 ngàn/chiếc... Sở dĩ bánh trung thu La Phù có giá "siêu rẻ" là bởi công nghệ làm bánh rất thủ công, chưa tuân thủ nghiêm những qui định về VSATTP. Một công nhân ở xưởng tiết lộ, để giảm giá thành, chủ hàng thường mua các loại nguyên liệu giá rẻ nhập từ Trung Quốc. Các loại bột nếp, bột mì… thoáng nhìn qua đã có thể đoán biết được chất lượng của nó đến đâu. Các hộp đựng phẩm màu, chất phụ gia đã cáu bẩn, xếp gọn trong góc nhà vẫn được lôi ra sử dụng. Kiểm soát VSATTP là bảo đảm nguồn sống Khi chúng tôi vào Trạm Y tế xã La Phù, một cán bộ y tế (đề nghị xin được giấu tên) cho biết: "Qua những đợt kiểm tra, hầu hết các cơ sở sản xuất bánh kẹo ở La Phù đều vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn về VSATTP. Cảnh quan, nhà xưởng ẩm thấp, trang phục công nhân không đảm bảo sạch sẽ… Nhiều cơ sở không có đăng kí chứng nhận sản xuất kinh doanh, khi kiểm tra không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, ghi thiếu hoặc "khai khống" những thông tin về sản phẩm… Trong đợt kiểm tra cuối tháng 8, Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức đã quyết định đình chỉ sản xuất hai cơ sở sản xuất bánh trung thu là Thanh Vân, Bảo Châu". Tuy nhiên, khi trao đổi về vấn đề đảm bảo VSATTP ở các cơ sở sản xuất bánh trung thu, ông Phó Chủ tịch UBND xã La Phù, chỉ xưng tên là Luận lại làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên. Trước câu hỏi, trên địa bàn có bao nhiêu cơ sở hiện đang sản xuất bánh trung thu, chính quyền quản lí những cơ sở ấy ra sao, ông Luận đều trả lời "không rõ lắm". Kì lạ hơn, ông Luận còn khẳng định thêm: "Bây giờ La Phù không còn hộ nào làm bánh nữa". Phải tới khi chúng tôi liệt kê ra một loạt tên những cơ sở lớn (Đông Nam Á, Tân Hoàng Gia…) cùng một loạt hình ảnh chụp việc tập kết bánh ở dọc đường, ông Luận mới ngớ người bảo: "Vấn đề này tôi không quản lí nên không biết. Muốn hỏi gì thì cứ tìm gặp Chủ tịch xã". Tuy nhiên, chúng tôi đã không thể nào liên lạc được với ông Tạ Công Thanh, Chủ tịch UBND xã La Phù vì lí do ông Thanh còn bận đi họp. Bánh trung thu La Phù rất được ưa chuộng ở thị trường nông thôn do có lợi thế giá rẻ. Tuy nhiên, bên cạnh việc bảo đảm sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm cho người dân La Phù, vấn đề quan trọng hơn là bảo đảm VSATTP cho người tiêu dùng. Trách nhiệm đó thuộc về chính quyền cơ sở và các cơ quan chức năng của huyện Hoài Đức. Nếu như ở Xuân Đỉnh (Từ Liêm - Hà Nội), các cơ sở đã đầu tư mua máy móc về làm bánh thì ở La Phù, hầu hết các hộ đều làm rất thủ công. Bánh được nướng bằng bếp than, khói bụi mù mịt. Những người công nhân ở đây cũng cho biết, từ ngày về xưởng làm việc, họ chưa được kiểm tra sức khỏe, vệ sinh lần nào Có một thực tế là, vẫn còn nhiều cơ sở làm bánh trung thu ở La Phù ghi thiếu những thông tin về sản phẩm: ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần nguyên liệu, cách bảo quản… Nhiều cơ sở ghi hạn sử dụng tới cả 3 tháng, trong khi ngành Y tế luôn khuyến cáo bánh trung thu là mặt hàng thời vụ, chỉ nên sử dụng trong vòng 1 tháng.

Nguồn CAND: http://ca.cand.com.vn/vi-vn/anninhkinhte/phongsudieutra/2009/9/151974.cand