Đốt khói thành... gas!

www.SAGA.vn - Bất chợt tôi nhận được điện thoại của GS.TS Trần Bình, ông “vua cầu” ở ĐBSCL - tác giả những chiếc cầu không chân triển khai khắp vùng sông nước này hơn 10 năm trước.

Ông nói như reo: “Thành công rồi! Bếp gas đun bằng trấu, mùn cưa, rác thải và than đá thay cho khí hóa lỏng!”. Nghe hơi lạ, tôi tức tốc chạy đến chỗ ông. Tại xưởng thực nghiệm của Công ty cổ phần Vina Silic (TP Vũng Tàu), các kỹ sư bày loại bếp hình trụ, bên trong có những ống thép chịu nhiệt đặt thẳng đứng song song với vỏ bếp. Khoảng trống giữa ống thép với vỏ bếp là nơi chứa trấu. Có cả một bếp nhỏ bằng bếp nấu lẩu dùng trong các nhà hàng. Ngoài ra còn có một loại bếp hình nón lá lật ngửa, kiểu bếp dưới quê nông dân dùng nấu bằng trấu. GS Bình giải thích: “Có tất cả bốn loại bếp: bếp gas ba tầng khí đun bằng trấu, bếp gas trấu đun liên tục, bếp gas đun bằng nhiên liệu sinh khối (rơm rạ, mùn cưa, củi, gỗ vụn, cành, lá, gốc cây vụn xay nhuyễn nén thành viên) và bếp gas đun bằng than đá. Các loại bếp này đều cháy bằng gas do nhiên liệu tạo ra trong thân bếp và không có khói, đặc biệt “ăn tiền” nhất là không thải khí CO ra ngoài”. Tạo gas từ trấu Bắt đầu “buổi biểu diễn”, GS Bình yêu cầu các cộng sự cho các viên than sinh khối, than đá và trấu vào các bếp, mồi lửa cho cháy và mở quạt ở chế độ 12 volt. Sau 15 giây, các bếp bắt đầu cháy lửa có màu đỏ bình thường, độ chừng năm phút sau lửa cháy to, đạt tới nhiệt độ 600-700OC thì chuyển dần sang màu xanh, ngọn lửa cháy thẳng đứng và có hơi gas trong đó. Cứ vậy, các bếp cháy liên tục trong thời gian 1-2 giờ tùy thuộc lượng than cho vào bếp và kích cỡ của bếp. Trong lúc bếp cháy chỉ thấy ngọn lửa như lửa từ gas hóa lỏng và không hề thấy khói thải ra. Mọi người thản nhiên ngồi quanh bếp, không bị nóng, không sợ... phát nổ. Tôi thắc mắc, GS Bình cười ha hả: “Các bếp đều đã được cách nhiệt hoàn toàn, có thể đưa tay sờ vào bình thường. Còn nổ gas thì không bao giờ xảy ra vì đâu có chứa gas dự trữ mà sợ nổ. Gas sinh ra ở đây là từ quá trình đốt cháy (trấu, sinh khối hoặc than đá sạch). Quá trình đốt sinh ra nhiệt lượng và khói (khí CO). Bằng thiết kế đặc biệt của bếp, khói được ém lại không cho thoát ra ngoài, quay ngược trở lại làm “mồi” cho lửa (nhiệt độ cao) và bốc cháy thành ngọn lửa gas”. Để chứng minh việc “đốt khói thành gas”, GS Bình quay sang một dàn bếp lớn đặt ở góc xưởng, cho thợ đổ trấu vào ống hình trụ và đốt lửa bên dưới, đồng thời mở quạt công suất 25 volt thổi một lượng gió (oxy) vừa đủ vào lò. Khoảng hai phút sau có một ít khói thoát ra trên ống thép. Các kỹ sư được yêu cầu đóng chốt ống này cho khói quay trở lại buồng đốt. Chừng mười phút sau, khi nhiệt độ lên tới 700OC, khói được cho thoát ra chỗ miệng bếp. Quan sát nơi này thấy có khói thoát ra chút ít, kèm theo đó là một lượng gió nhỏ đủ để khói “khè” hơi nhè nhẹ. Lúc này, các kỹ sư châm mồi lửa vào chỗ khói “khè”, ngọn lửa vụt bốc cháy như có hơi gas. Theo GS Bình, chính việc “đốt khói” thành gas đó mới là thành công của sáng chế này, làm giảm được rất lớn lượng khí độc thải ra môi trường hằng ngày do đun nấu. Với công nghệ này, nếu áp dụng thì trái đất đỡ gánh chịu một lượng khí độc khổng lồ thải ra mỗi ngày. Bếp sạch không khói cho người nghèo Kỹ sư Bùi Đình Hải, giám đốc Công ty cổ phần Vina Silic, cho biết từ thử nghiệm với kết quả ban đầu nêu trên, công ty đã nghiên cứu sản xuất thành công nhiều loại bếp gas đun bằng trấu, sinh khối và than đá cho người nghèo, đặc biệt là vùng nông thôn ĐBSCL, nơi có 5 triệu tấn trấu thải ra mỗi năm. Theo kỹ sư Hải, bếp gas Vina Silic có thể chưa thay thế được bếp gas khí hóa lỏng trong các gia đình ở thành thị hiện nay, nhưng ở vùng nông thôn nước ta còn khoảng 65% dân số vẫn đang dùng bếp củi, than, đun nấu bằng rơm rạ hoặc cành khô có hiệu suất thấp (8-9%), còn ở các đô thị đun bằng than đá vừa độc hại, chậm chạp, lại tốn nhiều tiền. Vì vậy nếu đưa được bếp gas này vào nông thôn và các vùng đô thị, dân nghèo sẽ tận dụng được nguồn chất đốt tại chỗ là trấu, rơm rạ, mùn cưa,than đá... Đối với các cơ sở sản xuất như lò gạch, lò gốm, lò bánh, lò đường, lò bánh mì hoặc bất cứ lò đun nào cũng đều có thể áp dụng công nghệ tạo gas từ trấu, sinh khối và than đá của Vina Silic này. Ngay tại khu vực thành phố, hằng ngày vẫn có nhiều nhà hàng, quán ăn uống phải dùng bếp than tổ ong, bếp gas khí hóa lỏng... nhưng không ai nghĩ nó thải ra quá nhiều khí độc, thậm chí nguy cơ cháy nổ rất cao. Cũng theo kỹ sư Hải, trong khoảng 3-5 năm tới Công ty Vina Silic sẽ đưa ra mô hình bếp gas đun bằng sinh khối thay cho khí hóa lỏng phục vụ tầng lớp trung lưu thành thị. Vấn đề còn lại là thiết kế buồng đốt sao cho gọn nhẹ, tiện lợi, giống như bình gas khí hóa lỏng, chỉ cần người dân bật nút cái “tách” là có lửa gas cháy ngay. Với các loại bếp này, thay vì phải mua gas với giá 180.000đ/bình, người dân chỉ mua than Vina Silic làm từ sinh khối và than đá sạch theo công nghệ của Vina Silic với giá rẻ hơn rất nhiều mà vẫn được đun gas tương đương việc dùng bình gas hóa lỏng. Ngoài việc tiết kiệm cho từng gia đình, Nhà nước cũng không phải tốn nguồn ngoại tệ hàng triệu USD/năm để nhập gas từ nước ngoài. Từ việc nghiên cứu cải tiến thành công loại bếp gas sinh khối nêu trên, GS.TS Trần Bình đang thai nghén một dự án “Xây dựng nền kinh tế cacbon thấp” nhằm phủ xanh mặt đất, sản xuất than sạch phục vụ dân nghèo hướng tới xuất khẩu. Ông nói hiện nay tại các nước nghèo và các nước đang phát triển, đa số người dân vẫn đang đun nấu hằng ngày bằng than đá,than củi và củi... thải ra rất nhiều khí độc. Số dân này chiếm tỉ lệ 75% dân số trên thế giới. Ở VN con số đó là 65%. Như vậy, mỗi ngày bầu khí quyển phải gánh chịu một lượng khí độc thải vô cùng lớn. Đó là điều đi ngược phương châm của nền kinh tế cacbon thấp mà cả thế giới đang triển khai. Đó là chưa kể việc khai thác bừa bãi nguồn nguyên liệu thực vật hiện nay đang làm cạn kiệt rừng và ảnh hưởng đến môi trường xanh của trái đất.

Nguồn Saga.vn: http://saga.vn/phatminhsangche/20398.saga