Động vật quý hiếm ở VQG Cát Bà trước nạn săn bắn

Nằm trong quần thể Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Vườn Quốc gia Cát Bà (Hải Phòng) có hệ động, thực vật phong phú, đa dạng. Trong đó, có những loài động vật đặc biệt quí hiếm, trên thế giới chỉ còn duy nhất ở đây, như loài voọc Cát Bà. Đáng tiếc, do nạn săn bắt ngày một gia tăng, đã làm suy giảm đáng kể số lượng động vật trong Vườn, đe dọa tới sự tồn vong của cả những loài động vật quí hiếm này.

Theo số liệu khảo sát của cơ quan chức năng, Vườn Quốc gia Cát Bà hiện có 282 loài động vật, trong đó có 32 loài thú, 48 loài chim, 20 loài bò sát và lưỡng ngư, 11 loài ếch nhái… Đặc biệt, tại Vườn có loài voọc Cát Bà. Đây là một trong những loài linh trưởng quí hiếm (trên thế giới chỉ còn duy nhất ở Cát Bà). Đầu những năm 1990, tại Việt Nam vẫn còn vài trăm voọc Cát Bà. Nhưng những năm kế tiếp, việc săn bắt phổ biến khiến số lượng loài này nhanh chóng suy giảm, chỉ còn khoảng 60 cá thể. Tiếp đến là loài sơn dương cũng vậy, hiện còn rất ít, chỉ khoảng hơn 20 cá thể. Ông Hoàng Văn Thập, GĐ Vườn Quốc gia Cát Bà cho biết, số vụ vi phạm lâm luật ở đây đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm của Vườn đã phát hiện và xử lý gần 40 vụ liên quan đển khai thác gỗ và săn bắt động vật trái phép (tăng 4 vụ so cùng kỳ năm 2009). Mặc dù công tác quản lý Vườn được thực hiện khá chặt chẽ, với sự "mạnh tay" của lực lượng kiểm lâm trong việc xử lý các đối tượng vi phạm lâm luật. Song, tình trạng săn bắt động vật vẫn diễn ra phổ biến, với hành vi tinh quái hơn. Bằng chứng, chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2010, ngoài nhắc nhở, "trục xuất" 408 đối tượng lợi dụng việc vào rừng lấy củi khô, lấy cây dược liệu, cây cảnh để bắt ong, bắt tắc kè, đánh bắt hải sản trong khu vực cấm, lực lượng Kiểm lâm của Vườn còn phát hiện, phá 740 bẫy thú rừng các loại. Thực trạng này cho thấy, việc săn bẫy động vật hoang dã ở Vườn Quốc gia Cát Bà đã trở thành vấn nạn, đe dọa sự an toàn, thậm chí có thể xóa sổ một số loại động vật quí hiếm, trong đó có loài voọc Cát Bà. Bởi lẽ, nếu những bẫy này không được phát hiện, thu phá kịp thời, nguy cơ hàng trăm động vật bị sa bẫy là điều có thể. Cũng theo ông Thập cho biết, hồi đầu năm nay, lực lượng Kiểm lâm do tuần tra đã phát hiện, gỡ bẫy kịp thời, cứu sống một con sơn dương. Dư luận lo ngại rằng, sau sơn dương rất có thể sẽ là voọc, đối tượng đang trong "tầm ngắm" của không ít lâm tặc tại đây. Voọc cư trú trên vách núi ở Vườn Quốc gia Cát Bà. Cùng với Chương trình bảo vệ động, thực vật ở Khu dự trữ sinh quyển Thế giới tại Cát Bà nói chung, từ năm 2000, Chương trình bảo tồn voọc Cát Bà đã được triển khai, với việc giáo dục ý thức và ký các hợp đồng cam kết bảo vệ đàn voọc với người dân địa phương. Nhờ đó, tình trạng săn bắt voọc đã được kiểm soát, đà suy giảm của loài voọc Cát Bà cũng đã được ngăn chặn. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian, sau đó tình trạng săn bắt động vật ở Vườn Quốc gia Cát Bà lại tái diễn, thậm chí mức độ và hành vi còn nghiêm trọng và tinh quái hơn. Như vậy để khẳng định, vẫn còn rất xa mới đạt tới mức an toàn cho các loài động vật, trong đó có loài voọc tại đây. Bà Daniela Schrudde, Giám đốc Dự án Bảo tồn voọc Cát Bà đã thẳng thắn nêu ra những thách thức đối với việc bảo tồn loài voọc, trong đó có vấn đề nhận thức của người dân về bảo vệ thiên nhiên ở đảo Cát Bà còn thấp; nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã diễn biến phức tạp; công tác tuyên truyền để người dân tham gia bảo vệ động vật hoang dã, quí hiếm còn hạn chế; chưa có giải pháp triệt để ngăn chặn việc săn bắt, khai thác rừng trái phép… Đó cũng chính là những mối hiểm họa đối với các loài động vật nói chung, loài voọc nói riêng. Mặt khác, chế tài xử phạt, theo các cán bộ Vườn Quốc gia Cát Bà, hiện còn quá nhẹ, thậm chí chung chung, chủ yếu hình thức xử phạt hành chính là chính, không có tác dụng răn đe, phòng ngừa, đã gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ Vườn. Ngoài ra, một bộ phận cư dân địa phương, thậm chí cả người ở xa tới, do không có việc làm ổn định, đời sống khó khăn, trong khi việc mua bán động vật hoang dã, quí hiếm lại lợi nhuận cao, diễn ra công khai ngay tại địa bàn mà không gặp bất cứ trở ngại nào, vô hình trung đã "tiếp tay" cho lâm tặc hoành hành… Tất cả những căn nguyên nêu trên, theo các cán bộ kiểm lâm, chỉ khi nào giải quyết được một cách đồng bộ, tận gốc, mới mong khắc phục được triệt để vấn nạn săn bắt động vật hoang dã, quí hiếm hiện nay ở Vườn Quốc gia Cát Bà.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2010/11/139714.cand