Đồng bào Khmer tỉnh Bạc Liêu vui đón Lễ Sel Đolta

Năm nay, Lễ Sel Đolta diễn ra vào các ngày 7 và 8/10 (tức ngày 30/8 và 1/9 Âm lịch) trong hào khí của Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và niềm hân hoan “lúa trúng mùa, trúng giá”, hứa hẹn một cuộc sống ấm no, phấn khởi của đồng bào Khmer trong tỉnh Bạc Liêu.

Lễ Sel Đolta là một trong ba lễ lớn theo phong tục cổ truyền của đồng bào Khmer. Lễ Sel Đolta với mục đích báo hiếu, tạ ơn, nhớ đến công lao sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ. Trong những ngày lễ này, đồng bào Khmer cúng tổ tiên và ân nhân quá cố. Đặc biệt, người Khmer Nam bộ tổ chức lễ Sen-Đôl-Ta gắn với nghi thức tôn giáo. Đến dịp lễ, đồng bào vào chùa lễ Phật và cúng giỗ tập trung, nhờ sư sãi tụng kinh cầu phước cho vong linh họ tộc sớm siêu thoát, qua kiếp lai sinh hạnh phúc hơn. Trong dịp lễ Sel Đolta năm nay, Ủy ban MTTQ tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp với Ban Dân tộc, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch và Đài Phát thanh – Truyền hình Bạc Liêu có kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các vị sư sãi và đồng bào Khmer tổ chức các hoạt động văn hóa lễ hội, tăng thời lượng phát sóng chương trình văn nghệ Khmer trên Đài Phát thanh – Truyền hình trước và trong các ngày lễ Sel Đolta. Ban thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã phối hợp với Công an tỉnh và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh bảo vệ an ninh trật tự cho đồng bào Khmer vui lễ; đồng thời tổ chức đi thăm và tặng quà lễ Sel Đolta cho một số chùa Khmer trong tỉnh như: Chùa Cù Lao (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi), Chùa Đìa Muồng (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long), Chùa Khmer mới Hòa Bình (thị trấn Hòa Bình), Chùa Khmer mới Giá Rai (thị trấn Giá Rai). Ở Bạc Liêu, người dân Khmer sinh sống tập trung ở thành phố Bạc Liêu (vùng ven biển) và các huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi với 13.600 người, chiếm gần 8% dân số của tỉnh. Việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn liền tự do tín ngưỡng của đồng bào luôn được tỉnh Bạc Liêu đặc biệt quan tâm. Từ các nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, Chương trình 134, Chương trình 135, các hộ người dân tộc Khrmer đã được hỗ trợ vốn, giống cây, tổ chức lại sản xuất từng bước vươn lên thoát nghèo. Hiện nay đã có trên 10 ngàn hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ người khrme nghèo từ 40% năm 2009 xuống còn 20% năm 2010. /.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=427705&co_id=30071