Đồng bằng sông Cửu Long: Sản xuất lúa gạo - cơ hội và thách thức

Năm 2010, sản lượng lúa cả nước đạt 39,8 triệu tấn, cao nhất từ trước tới nay và tăng hơn 1 triệu tấn so năm 2009. Riêng ĐBSCL diện tích lúa đạt 3,939.799 ha, tăng 104.808 ha so năm 2009; năng suất bình quân 5,47 tấn/ha, tăng 1,28 tạ/ha; sản lượng đạt 21.557,936 tấn, tăng 1.064.957 tấn. Nông dân đã chuyển biến nhận thức và hành động trong sản xuất lúa, biết thích nghi, thay đổi tập quán sản xuất ngày càng tốt hơn; định hướng sản xuất lúa theo VietGAP nên ngày càng có nhiều mô hình sản xuất lúa theo GAP đạt chứng nhận.

Sản xuất lúa gạo ĐBSCL đang hướng tới hiện đại hóa Sản xuất lúa theo hướng hiện đại Mới đây, tại hội nghị giao ban sản xuất lúa 2010 và sơ kết vụ lúa Đông Xuân (ĐX) 2010-2011 các tỉnh, thành phía Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Bùi Bá Bổng cho biết: Mục tiêu sản xuất lúa năm 2011 là sẽ tiếp tục giữ ổn định diện tích các vụ ĐX và HT; tăng diện tích sản xuất lúa TĐ, lúa trên đất nuôi tôm; tăng năng suất lúa bình quân trong toàn vùng và tăng sản lượng cả năm và gia tăng chất lượng lúa gạo xuất khẩu. Bộ NN-PTNT sẽ kiến nghị với Chính phủ quy hoạch tổng thể diện tích lúa và quản lý đất lúa trên toàn quốc. Từ vụ HT tới, vùng ĐBSCL cần xây dựng và nhân rộng phong trào thực hiện cánh đồng mẫu theo hướng hiện đại, ứng dụng các giải pháp tiến bộ kỹ thuật mới để hướng đến hiện đại hóa sản xuất lúa. Cách làm này ở Sóc Trăng năm qua đã thành công với cánh đồng mẫu 50 ha vụ HT, đạt năng suất 7 tấn/ha. Mô hình cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hiện đại qua 2 năm triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi: Diện tích và số hộ tham gia tăng lên theo từng năm, trình độ nhận thức và kỹ thuật sản xuất, năng suất và chất lượng lúa gạo ngày càng được nâng lên. Đến nay toàn tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng được 8 cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hiện đại ở 6 huyện/thị, với tổng diện tích 1.111 ha với sự tham gia của 823 hộ nông dân, trong đó có 4 cánh đồng do tỉnh xây dựng và 4 cánh đồng do huyện xây dựng. Thực hiện mô hình cánh đồng hiện đại ở HTX Tân Cường đã giảm chi phí về giống, phân, thuốc bình quân 1,37 tỷ đồng/năm và lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình 2,3 tỷ đồng/năm. HTX Thắng Lợi giảm chi phí bình quân 650 triệu đồng/năm và lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình 711 triệu đồng/năm. Trên cánh đồng mẫu này 4 nhà bắt tay liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ lúa rất tốt. Nhờ các biện pháp kỹ thuật được áp dụng đồng loạt, mô hình đã giúp nông dân tiết kiệm được 289 đồng/kg lúa thương phẩm so với nông dân ngoài mô hình và chênh lệch lợi nhuận vào khoảng 3.500.000 đồng/ha. Thời cơ và thách thức Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết: Tháng 1-2011, cả nước đã xuất khẩu được hơn 480.000 tấn gạo, trong khi kế hoạch đưa ra là 350-400.000 tấn. VFA nhận định, đây là tháng đầu năm đạt lượng gạo xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay bởi việc đẩy nhanh giao hàng tập trung, chủ yếu cho Indonesia và Bangladesh đã được ký trong tháng 12-2010. VFA dự kiến, trong quý I có thể xuất khẩu khoảng 1,6 triệu tấn, sang tháng 2 lượng xuất khẩu có thể đạt 2,24 triệu tấn gạo. Theo nhận định từ phía VFA, nhu cầu lương thực vẫn tăng cao từ các nước, bởi vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không nên nôn nóng, ký hợp đồng giá thấp. Trong vụ ĐX này, VFA sẽ thu mua dự trữ 1 triệu tấn gạo, thời gian bắt đầu thu mua từ ngày 1-3 kéo dài hết 15-4. Việc thu mua sẽ được phân bổ cho 65 doanh nghiệp, nhiều hơn 10 doanh nghiệp so với năm 2010. Giá thu mua sẽ được cân nhắc theo giá thị trường tại thời điểm đó. Hiện nay, Chính phủ đã có chủ trương xây dựng hệ thống kho chứa nhằm tăng năng lực dự trữ và bảo quản lúa gạo của Việt Nam. Nhận định về thị trường xuất khẩu gạo năm 2011, ông Trịnh Văn Tiến, Viện Chính sách và chiến lược phát triển NNNT (IPSARD) cho rằng: Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo trong nước cần thực hiện được chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và thị trường, tìm đến các thị trường gạo cao cấp như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)...; thứ hai, hầu hết các doanh nghiệp trong nước chỉ thực hiện chức năng thu mua xuất khẩu và bình ổn thị trường, rất ít trường hợp tự tổ chức vùng sản xuất hay tạo ra các mối quan hệ, liên kết giữa các nhà để có gạo chất lượng cao và có thương hiệu. Nếu không sớm khắc phục những tồn tại này thì cơ hội xuất khẩu gạo sẽ rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài; thứ ba, doanh nghiệp trong nước chưa có tiềm lực tài chính đủ mạnh để cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại. Mặc dù số lượng doanh nghiệp tham gia kinh doanh xuất khẩu gạo khá hùng hậu với hơn 200 đơn vị song rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn hạn chế và sức cạnh tranh yếu. Năm 2011, toàn vùng ĐBSCL phấn đấu sản xuất 3.982.191 ha lúa, tăng 42.392 ha với năng suất đạt 55,03 tạ/ha, tăng 0,32 tạ/ha, đạt sản lượng 21.915.845 tấn, trong đó diện tích xuống giống lúa ĐX 2010-2011 là 1.503.194 ha đạt 100,23% so kế hoạch. PGS TS Phạm Văn Dư, Cục Trồng trọt nhận định: Với tình hình khống chế tốt dịch bệnh và những biện pháp canh tác, chăm sóc tốt của nông dân, giảm thiểu dịch hại trên đồng, dự báo vụ lúa ĐX 2010-2011 sẽ tiếp tục thắng lợi, đạt khoảng 10 triệu tấn lúa hàng hóa chất lượng tốt và chắc chắc sẽ có 3 triệu tấn gạo. Vấn đề hiện nay là làm sao giữ giá lúa lúc vào vụ thu hoạch không bị sụt giảm để nông dân sản xuất lúa có lãi. Lê Quốc Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=23711&menu=1368&style=1