Đồng Tháp: Bí thư huyện tiếp tục khai thác cát bừa bãi

Khai thác cát trên sông

* Trước việc khai thác cát ồ ạt, huyện Hồng Ngự có nguy cơ xóa sổ

* Cát tặc thuê xã hội đen hù dọa, tấn công người dân

Làm giàu từ cát

Đi sâu tìm hiểu việc kinh doanh khai thác cát trên địa bàn huyện Hồng Ngự, chúng tôi được biết một số chủ dự án phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” ký hợp đồng mua bán giá cao để được lòng chủ đầu tư, trong khi các doanh nghiệp khai thác thu về tiền tỷ từ việc đục khoét lòng sông. Người dân gởi đơn kiến nghị nhưng chỉ nhận được sự im lặng đáng ngờ của chính quyền địa phương. Do đó, doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn huyện Hồng Ngự phải chấp nhận quy luật bất thành văn là chịu sự điều hành của Bí thư Huyện ủy Hồng Ngự - Nguyễn Hồng Lâm.

Trong lúc một số doanh nghiệp hoạt động hết sức khó khăn nhưng Công ty TNHH một thành viên xây lắp và kinh doanh vật liệu xây dựng Đồng Tháp, vốn điều lệ gần 300 tỷ đồng, chuyên kinh doanh khai thác cát, bất động sản, lại trang bị 14 xáng hoạt động trên địa bàn. Theo phản ánh của người dân, những tháng vào vụ trúng thầu san lấp công trình, công ty phải thuê thêm bốn chiếc xáng ở TPHCM để thực hiện. Nhắc đến doanh nghiệp trở thành đại gia trong giới khai thác cát ở Hồng Ngự phải kể đến Công ty TNHH một thành viên Ngự Bình (gọi tắt là Công ty Ngự Bình) do ông Dương Tấn Quốc làm giám đốc, được xem như “công ty quyền lực”. T., một doanh nghiệp khai thác cát, cho biết giám đốc Quốc đi lên từ tay trắng. Do không trình độ lẫn nghề nghiệp nhưng bù lại, Quốc giỏi giao thiệp nên chẳng bao lâu sau đã thành lập được công ty khép kín. Những công trình xây dựng mới được mời thầu, Quốc đều tìm đến chào mua bán cát. Công ty có ngành nghề khai thác cát, san lấp mặt bằng, xây dựng công trình dân dụng giao thông... nhưng chỉ có hai chiếc xáng, những khi “vào vụ”, phải thuê phương tiện khác. Tối 18-10, cơ quan chức năng kiểm tra ba sà lan đang khai thác cát trái phép trên sông Tiền thuộc khu vực ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự. Phạm Đức Khang (SN 1988, ngụ TPHCM) điều khiển phương tiện SG 3121 do Phạm Văn Nhẫn làm chủ, thừa nhận khai thác theo hợp đồng với Công ty Ngự Bình. Tương tự, hai sà lan SG 5121 do Trịnh Tiến Hùng (SN 1988, ngụ Quảng Ngãi) thuê của Công ty Đại Gia Điền, TPHCM và sà lan cẩu cạp cát số hiệu LA 05555 do Nguyễn An Bình (SN 1987, ngụ Long An) điều khiển cũng được công ty thuê “móc ruột” lòng sông.

Thao túng thị trường

Theo báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh, tính đến tháng 10-2012 chỉ có 9 đơn vị với 16 giấy phép còn hiệu lực được cấp để khai thác cát cho khoảng 60 phương tiện đăng ký. Tuy nhiên qua kiểm tra, gần 200 phương tiện khai thác hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm trên sông Tiền, mà nơi dẫn đầu việc khai thác chui là huyện Hồng Ngự.

Do quan hệ khá thân thiết với nhiều doanh nghiệp và cá nhân khai thác cát, ông Sáu Lâm trở thành đầu nậu thao túng thị trường này. Vì vậy, ai muốn mở doanh nghiệp hoặc cho thuê sà lan trên địa bàn huyện Hồng Ngự đều phải nằm trong danh sách người của ông này. Thời gian đầu, Nguyễn Văn Hải (ngụ phường An Thạnh, thị xã Hồng Ngự) có hai chiếc xáng bơm hút cát nhưng hoạt động không hiệu quả. Nhờ những lần lui tới nhà và chấp nhận sự điều hành của ông Bí thư huyện ủy, Hải trở thành đại gia trong việc mua bán cát khi sở hữu nhiều phương tiện. Ông Trần Văn Liệt (ngụ cùng địa phương) có của ăn của để nhờ hai chiếc xáng cày xới cả ngày lẫn đêm trên sông Tiền.

Mặt khác, ông Nguyễn Hồng Lâm còn mở rộng địa bàn thao túng thị trường mua bán cát. Đoạn sông Tiền chảy qua huyện Hồng Ngự khá dài, là món mồi béo bở cho các doanh nghiệp khai thác cát và ông bí thư đã chớp lấy thời cơ. Nhiều doanh nghiệp tìm đến huyện Hồng Ngự làm ăn đều phải chấp nhận sự điều hành của ông.

Anh K., một doanh nghiệp san lấp mặt bằng ở Đồng Tháp, khẳng định: “Kinh doanh cát không cần vốn, chỉ cần có mối quan hệ tốt. Khai thác xong, việc mua bán cũng gây thất thoát cho ngân sách. Các phương tiện khai thác trái phép mua lại hóa đơn của những đơn vị có phép khi khách hàng không cần. Số đối tượng bán cát cho các vựa ở TPHCM và Cần Thơ không cần xuất hóa đơn nhưng cũng vận chuyển được an toàn. Thế là Nhà nước thất thu do đối tượng trốn thuế, trong lúc tài nguyên bị thất thoát”.

Nông dân truy bắt cát tặc

Nhiều lần gởi đơn cầu cứu đến chính quyền địa phương nhờ truy bắt cát tặc không hiệu quả, người dân xã Long Thuận đành lên kế hoạch thực hiện. Một cán bộ xã cho biết, hàng ngày sông Tiền như một “đại công trường”, những chiếc xáng khai thác gần như triệt để cát sông. Chính quyền xã biết, còn huyện lơ mơ. Nhiều địa phương thuộc huyện Hồng Ngự bị sạt lở bờ hơn 4km, đình làng biến mất. Một số đoạn gần bờ sâu đến 26m, gấp đôi mức vốn có của lòng sông. Thời gian qua, nhiều nhà dân bị “bà thủy” nuốt trôi mà nguyên nhân chính là nạn khai thác cát bừa bãi.

Rạng sáng 2-8, người dân ấp Long Thạnh, xã Long Thuận tổ chức cuộc họp khẩn, phân công người có ghe xuồng phục kích các ngã đường để bắt cát tặc. Kế hoạch được triển khai, phương tiện của dân đồng loạt hướng về những chiếc xáng khai thác trái phép. Lập tức các đối tượng trên chống trả, truy đuổi, tấn công họ. Người dân gọi điện cho lực lượng công an xã hỗ trợ, thu giữ phương tiện.

Tối 19-9, thấy nhóm khai thác cát tiếp tục “móc ruột” lòng sông, hàng chục người dân xã Phú Thuận B bức xúc đổ ra vây bắt, được công an xã hỗ trợ, tạm giữ sà lan 300 tấn không có giấy phép. Anh Phan Thanh Đức, người địa phương, cho biết: “Chiếc phà sắt của bà con vừa cặp sà lan thì bị tàu của cát tặc đâm vào. Công an xã phải bắn chỉ thiên giải vây. Vậy mà bọn chúng vẫn khai thác suốt đêm”.

Một cán bộ tham gia truy bắt cát tặc lắc đầu ngao ngán: “Mỗi lần kiểm tra là phát hiện vi phạm. Nộp phạt rồi, các đối tượng lại tiếp tục khai thác. Do đó, việc truy bắt cát tặc chỉ như bắt cóc bỏ dĩa. Từ ngày
5 đến 18-10, sau hai tuần ra quân, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp đã bắt giữ ba vụ gồm 13 phương tiện, 30 đối tượng khai thác cát trái phép”.

Có “tay trong”?

Trước phản ánh của báo chí và sự phản đối kịch liệt của người dân, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức cuộc họp. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, tình trạng khai thác cát lậu diễn ra nhiều nhất thuộc địa bàn huyện và thị xã Hồng Ngự, huyện Thanh Bình. Tại cuộc họp nhiều đại biểu phân vân có hay không “tay trong” khi các cơ quan chức năng kiểm tra phương tiện khai thác cát rất ít trường hợp bắt được quả tang đối tượng vi phạm.

Điển hình tại huyện Hồng Ngự, đoàn tăng cường kiểm tra theo phản ánh của người dân nhưng cát tặc vẫn không thuyên giảm. Ông Nguyễn Văn Dương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, chỉ đạo: “Địa phương nào có cán bộ bao che và làm lộ thông tin khi phối hợp truy bắt đối tượng khai thác cát lậu thì UBND tỉnh sẽ có hình thức kỷ luật”.

Nhưng điều khiến dư luận bức xúc là trong khi các cơ quan chức năng lên kế hoạch truy bắt cát tặc thì Bí thư huyện ủy Hồng Ngự lại điều hành 10 doanh nghiệp và cá nhân chuyên khai thác cát trên địa bàn do mình quản lý. Trao đổi với chúng tôi, một số người dân địa phương đề nghị để giảm bớt tình trạng sạt lở đất bờ sông, chấn chỉnh việc khai thác cát bừa bãi, tỉnh Đồng Tháp cần xử lý nghiêm cán bộ bao che cho việc khai thác cát trái phép, cụ thể là ông Bí thư huyện ủy huyện Hồng Ngự, nếu không thì chẳng bao lâu nữa huyện này sẽ bị xóa sổ vì tình trạng khai thác cát bừa bãi để làm giàu cho một số cá nhân.

Cần phạt nặng phương tiện vi phạm, xử lý cán bộ bảo kê

Trước thực trạng khai thác cát lậu diễn ra ngày càng phức tạp trên tuyến sông Tiền, sông Hậu, một số ý kiến đề nghị phải tăng hình phạt phương tiện vi phạm, trong khi hiện nay việc xử lý chưa nghiêm. Thông thường, mỗi chiếc xáng gàu khai thác một đêm hàng ngàn mét khối cát, thu lợi hơn 70 triệu đồng, nhưng chỉ bị phạt 15 triệu đồng chưa đủ sức răn đe.

Bên cạnh đó, tại một số nơi dọc sông Tiền, sông Hậu, cát tặc hoạt động có sự bảo kê của cán bộ địa phương, một số vị còn giới thiệu người thân điều hành mỏ cát bất chấp sự phản đối của dư luận và ảnh hưởng đến tính mạng của hàng ngàn hộ dân, cũng cần phải điều tra, xử lý nghiêm.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=703&id=483581&mod=detnews&p=