Động Cao huyền bí

Tương truyền, chúa Nguyễn Ánh trên đường bôn ba được người Duyên Hải mời cơm với canh chua cá ngát nấu bần chua, chấm nước mắm rươi. Khi chúa lên ngôi vua, nước mắm rươi tiến vua được gọi là nước mắm ngự...

Một hướng dẫn viên du lịch nếm thử nước chấm làm từ mắm rươi tiên đoán khi làn sóng doanh nhân Hàn Quốc, Nhật Bản tràn vào Cần Thơ, thích khẩu vị biển cả thế nào họ cũng sẽ tìm tới đây để nếm món ngon này.

* * *

Có người sành món rươi đối chiếu rươi Duyên Hải với rươi Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, chả rươi: Nam Ô (Đà Nẵng), Lăng Cô (Huế) hoặc kề bên là nước mắm rươi Thạnh Phú (Bến Tre)… Chủ nhân thương hiệu nước mắm rươi nổi tiếng “Long Vinh” ở Trà Vinh là ông Ngô Văn Phương. Vợ ông Phương khéo nấu nướng, mời món rươi nhồi bột chiên với rau sống và nước mắm rươi, giòn khứu, cảm nhận được món ăn giàu đạm. Một Việt kiều từ Mỹ, dùng bữa ăn vùng biển này nói với tố chất sẵn có, nước mắm rươi có thể là câu chuyện của tương lai nếu được đầu tư hệ thống kiểm soát chặt chẽ như công nghiệp.

Vợ chồng ông Phương tự lượng sức do vốn liếng “chưa tới đâu” và mùa rươi hằng năm vẫn đầy huyền bí nên dù muốn nhưng chưa thể làm gì hơn. Từ tháng 10 đến tháng Giêng, rươi xuất hiện, rộ vào tháng Chạp (âm lịch), con nước rong, lúc trời lạnh, gió nhiều rươi hiện lên vớt không kịp sẽ biến mất. Vài năm trở lại đây, không hiểu sao rươi ít lại. “Nghi phạm" có thể do việc đào vuông nuôi tôm và nạn ô nhiễm nguồn nước đã ảnh hưởng đến sự sinh sôi của rươi vốn âm ỉ trong lòng đất.

Lần đầu tiên tôi biết nước mắm “ngự” không phải trong cung đình mà từ bữa ăn ở nhà ông Dương Tiến Hải, chủ một lò làm tôm khô ở Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Ông Hải nói loại này chỉ làm để trong nhà ăn và dành đãi khách.

Nước mắm có màu cánh gián và còn lẫn khuất đâu đó màu xanh phớt của rong biển, có một chút khác biệt với loại nước mắm rươi của Ngô Văn Phương ở ngoài thị trấn, được khử bằng tia cực tím.

Sản vật vùng biển, so nước mắm ngự, mắm tép 87 (một loại đặc sản mới nổi) với tôm khô của ông Dương Tiến Hải, lợi nhuận “đánh nhanh, cầm chắc” thuộc về tôm khô. Vợ chồng Ngô Văn Phương phải đầu tư và chờ đợi trên 6 tháng mới xuất bán nước mắm ủ theo phương pháp truyền thống và xử lý theo chuẩn công nghiệp để đưa ra thị trường. Trong khi tôm khô từ xóm đáy chỉ cần luộc chín, sấy là có thành phẩm. Tôm khô Duyên Hải thuộc vào loại có tiếng ở Big C, ở những chợ bán đặc sản. Cả hai món ngon này đã vào siêu thị với tư cách đặc sản Trà Vinh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Ngày xưa vào mùa này, cái xóm nhỏ ẩn nhẫn nép mình sau những động cát có cái tên nhiều tham vọng: Động Cao; đỏ màu tôm luộc. Bây giờ thì tất cả được sấy từ nồi hơi.

Ông Hải lập một dự án mức đầu tư 1,5 tỷ đồng, tập trung làm nồi hơi luộc tôm - sấy, kho lạnh, máy đóng gói, được Trung tâm khuyến công hỗ trợ 380 triệu đồng. Còn vợ chồng ông Phương nhờ vào CLB đặc sản Trà Vinh do Trung tâm khuyến công đỡ đầu.

* * *

Ông Hải nói dân Động Cao đặt đức tin của họ vào lời khấn nguyện Bà chúa xứ Nguyên Nhung, Thủy thần và bà Thượng Động- trước khi ra khơi; khác với Mỹ Long - thờ Ông Nam Hải (Cá Ông). Còn ông đặt đức tin vào cả hai.

Tôm đất chạy vô đáy hàng khơi ở Mỹ Long, Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh từng làm cho Vĩnh Kim nổi tiếng với mặt hàng tôm khô danh giá. Nhưng khi dân Mỹ Long lo nuôi tôm sú công nghiệp, đáy hàng khơi thưa dần. Động Cao, Duyên Hải may mắn còn sót lại, bù vào chỗ trống, mùa này trúng đậm tôm đất. Điểm luộc tôm duy nhất ở Động Cao, có 7 lò, là nhà ông Hải.

Ghé thăm nhà, bữa cơm với những món “tối giản”: Tôm khô - dưa món, mực tươi luộc giấm gừng, chấm nước mắm rươi và hắc cáy - cái món nếu sắp chết mà chưa nếm qua thì đừng chết.

Không phải ai cũng từng nếm qua hắc cáy để nhận biết món “đế vương” của loài cá đuối biển đông. "Hiếm lắm, nói nghe hơi quá, nhưng thực tình thì đôi lúc có tiền cũng không mua được hắc cáy”, ông Hải nói tiếp: “Vùng này có mấy trăm chiếc ghe ra biển nhưng cả năm rồi chỉ bắt chừng 40-50 con. Ít quá nên ngư phủ xẻ khô để trên tàu lai rai với bạn có đâu tới đất liền!

Ông Dương Tiến Hải nói chuyện hắc cáy

Hắc cáy là món đưa cay của dân hạ bạc, nhưng lại là món không mấy người nếm dù rất sành ăn. Ngư dân còn gọi hắc cáy là ó sao căn cứ những đốm trắng trên lưng, thon gọn (con lớn nhất chừng 3-4 ký). Có ai nấu món ngon khi hắc cáy còn tươi?” Không ngon bằng làm khô, nhưng nếu nấu hắc cáy tươi thì chỉ thưởng thức một lần. Phơi khô mới có thể đãi bạn dài dài”, anh Hải nói

Nhẩn nha nhai càng lâu càng thấy vị ngọt tự nhiên tươm ra từ từng xớ thịt, không cần nêm nếm, thớ thịt tự nó đậm đà vị mặn của biển cả; tự nó vừa khẩu vị của mọi người; tự nó làm cho người ta nhận ra điều khác biệt với thỏi cá đuối dơi hay cả dòng họ nhà cá đuối trong đại dương mênh mông phía sau Động Cao.

Không có mùi khai và không có một bóng ruồi nhặng đeo bám dù phơi giữa nắng gió ở Động Cao. Những ngư dân nói đóng đáy hàng khơi giăng giăng nhưng chỉ là tuyến lộng, muốn tìm được hắc cáy phải vượt tuyến lộng (ra khỏi khu vực 10 hải lý) ra khơi.

Càng ra xa họ phải cầu nguyện để được che chở và quay về an toàn. Ông Ba Nghĩa, ngư dân Mỹ Long gắn đời mình với tuyến lộng lẫn tuyến khơi, nói: “Ngày xưa ra khơi chỉ sợ giông tố, bây giờ có thể bị bắt bớ, giam giữ chuộc tiền. Nguồn lợi từ con tôm, con cá khoai, cá chét chứ đâu phải chỉ toàn hắc cáy mà lo đủ tiền chuộc”.

Động Cao từ xa xưa đã trải qua những biến đổi thời tiết, khí hậu dữ dội. Có lẽ đã hàng trăm năm, biển đẩy những đợt sóng lên cao, gió mang một khối lượng cát khổng lồ vun thành những động cát lô nhô dọc vùng ven biển này. May mắn, sau những động cát là sự sống.

Cô Hai Vinh (Trương Thị Vinh) là thế hệ thứ tư ở Động Cao biết chuyện xin làng lập miếu thờ và chọn ngày 20 tháng 2 âm lịch, cúng Bà chúa xứ, làm lễ tống tàu”.

* * *

Thời chiến, cả vùng rộng lớn Trường Long Hòa là căn cứ địa của quân giải phóng. Hòa bình rồi, tới năm 1979, cái xóm này chỉ lác đác chục căn nhà. Cây mắm mọc hoang thành rừng che lấp hết. Vài gốc mắm cổ thụ vẫn còn trong khuôn viên ngôi miếu thờ.

Trong ký ức của cô Hai Vinh, hồi xưa ở đây có động cát cao lắm; biển xa mút mắt, đáy hàng khơi, một thon (sở đáy) 3 hàng, 6 trụ; xếp thành hàng theo tuyến lộng. Từ xa cứ như ai kẽ những nốt nhạc giữa trời mây. Cô Hai Vinh kể chuyện ông Bảy Bé (Lê Văn Hiệp) dựng lại miếu thờ do đức tin Ơn Trên đã cứu sống anh Hon - đứa con trai - bị dây căng tàu vụt đứt đánh vào đầu. Ông Bảy ôm con đẫm máu vừa chạy tàu 3 giờ liền ra tới Duyên Hải. Anh Hon sống lại như sự nhiệm mầu. Ông Bảy cất miếu thờ dù lệ làng chưa cho phép. “Ba bữa trước”, cô hai Vinh kể lại “sóng gió cuốn Hải, Nhựt, Tèo - bạn ở thôn hàng khơi - rớt xuống biển, nước cuốn trôi tới Bãi Giá, Sóc Trăng. Dân làng cầu khấn và may sao như có ai mách bảo, tàu cứu hộ chạy thẳng ra ngoài khơi đúng vào lúc cả ba sức tàn, lực kiệt.

Ông Từ giữ miếu là Tám Kỳ, tên cúng cơm là Phan Văn Kỳ, từng là thủy thủ tàu không số, vào Nam ra Bắc theo đường Hồ Chí Minh trên biển. Hòa bình rồi, làm việc bên thương nghiệp xã, không phải nhà nghề nên thất thoát, nợ nần khiến ông rơi vào bế tắc…khấn vái, hi vọng tìm kiếm sự độ hộ mỏng manh trong miếu như những ngư dân khi không còn biết dựa vào đâu được nữa; ông Tám không tự giải thích được những may mắn mà ông có được sau lời khấn nguyện. Trả dứt nợ, ông tự nguyện làm người giữ miễu như sự đền ơn Người khuất mặt.

Anh Nam, áp út trong số 4 người con của ông Tám Kỳ làm nghề đóng đáy hàng khơi, nói: Thất lạc đồng đội, nhưng cuối cùng đoàn 962 đã tìm ra ông Tám ở Động Cao. Người ta định xây cho ông một căn nhà đồng đội, món quà cho chiến sĩ đoàn tàu không số. Nhưng ông chỉ xin nhận một căn nhà tình nghĩa ít tốn tiền hơn.

Một cuộc đời dọc ngang trên biển tưởng chừng bị lãng quên như ông Tám! Có những cuộc đời “đen như hắc cáy” khi tai họa ấp đến, sống chết trước sóng gió! Nhưng chỉ một nốt nhạc chuông đồng hồ bước sang giao thừa, ai nấy lại nuôi hi vọng sống để đời biết tới những món ngon từ biển khơi.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/dong-cao-huyen-bi-post154949.html