Đón vốn FDI: 6 việc cần làm khi hội nhập

Nếu so với những quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore và Malaysia thì Việt Nam đang có lợi thế rất lớn trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bởi chi phí đầu tư khá cạnh tranh (giá bất động sản, giá công nhân còn thấp,...).

Hơn nữa, gần đây, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định kinh tế quan trọng như: FTA Việt Nam - EU, FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu, FTA Việt Nam - Hàn Quốc, thành viên Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và đã kết thúc vòng đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà Việt Nam là 1 trong 12 nước thành viên tham gia đàm phán. Chính điều này đã tạo nên những ưu thế về thương mại cho Việt Nam.

Để đón đầu xu thế đó, nhiều tập đoàn lớn đã dần chuyển đầu tư sang Việt Nam. Chẳng hạn, Samsung và LG (Hàn Quốc) đã tuyên bố đóng cửa nhà máy ở Thái Lan để đầu 2016 chuyển hoạt động sản xuất về Việt Nam. Đây là cơ hội nhưng đồng thời là thách thức cho Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thực tế từ 1987 (năm Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài nay là Luật Đầu tư ra đời) đến nay, Việt Nam đã có những cơ hội lớn về thu hút FDI, như trước khi Hong Kong được chuyển trả về Trung Quốc, khủng hoảng tài chính tại châu Á (1997), thời điểm 2006, 2007 và đầu năm 2008...

Song, các cơ hội đó đã cách đây khá lâu, khi thể chế và vị thế của nền kinh tế Việt Nam còn chưa được hoàn thiện cũng như hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Về mặt tính chất, dòng vốn FDI giữa các giai đoạn đều có sự khác biệt về kết quả thực hiện, chất lượng, quy mô dự án và về đối tác.

Trước hết, về kết quả thu hút đầu tư có thể thấy một sự tăng trưởng rõ nét đối với vốn thực hiện. Năm 2008 là năm đầu tiên vốn thực hiện vượt ngưỡng 10 tỷ USD và tiếp tục tăng trưởng hàng năm cho đến nay, dự kiến năm 2015 đạt trên 14 tỷ USD. Ngoài ra, trong 5 năm (2011 - 2015), vốn đăng ký luôn giữ mức bình quân 20 tỷ USD/năm.

Những năm qua, các dự án quy mô lớn đều có vốn FDI, như lọc hóa dầu ở Thanh Hóa; điện tử của Sam Sung ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, của LG ở Hải Phòng; tổ hợp Thép ở Hà Tĩnh, các dự án đường ống dẫn dầu và BOT Điện tại Bà Rịa - Vũng Tàu; các dự án may mặc, các KCN và mới đây là nhà máy điện Duyên Hải 2 ở Trà Vinh...

Sản phẩm được sản xuất ra từ các doanh nghiệp FDI có chất lượng tốt và đạt kim ngạch xuất khẩu cao.

Riêng về đối tác đầu tư cũng có sự thay đổi lớn, sau năm 2008, các đối tác đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu... đều có tiềm lực về tài chính vững vàng và công nghệ, họ sẵn sàng đầu tư vào những dự án lớn ở Việt Nam. Năm 2015, trước những tác động của hội nhập, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để thu hút đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia.

Trước những làn sóng dịch chuyển dòng vốn FDI đang diễn ra, để không bỏ lỡ "cơ hội", Việt Nam cần phải có sự tích lũy nội lực.

Theo đó, dựa trên nhu cầu của nhà đầu tư (NĐT), chúng ta cần rà soát lại các quy hoạch về đất đai và quy hoạch ngành nghề của từng địa phương để có hướng xúc tiến, quảng bá, bố trí phù hợp cho họ.

Song, trong vấn đề quy hoạch đất đai, việc cấp đất cho các dự án FDI cần phải tuân thủ tuyệt đối, không cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) cho các dự án FDI vào những khu vực nhạy cảm, có nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh - quốc phòng của đất nước.

Song song đó, phía các cơ quan quản lý của ta cũng cần tiến hành rà soát tình hình triển khai, thực hiện của các dự án FDI trên từng địa bàn, kiên quyết rút GCNĐKĐT đối với các dự án đã quá chậm, "treo" nhiều năm, để dành chỗ cho các dự án mới.

Thứ ba là chúng ta phải chuẩn bị một môi trường niềm nở, một bầu không khí thân thiện, chào đón khách, NĐT trong cả nước và mọi vùng miền. Ví dụ như ở Thái Lan, ngay tại cửa khẩu, trên máy tính của nhân viên cửa khẩu khi làm thủ tục nhập cảnh, khách đã nhìn thấy chữ "SMILE" (tạm dịch là nụ cười), vừa chào đón khách vừa nhắc nhở nhân viên.

Tuy không cần phải rập khuôn như vậy, nhưng việc chuẩn bị ở phần này có thể là rà soát các thủ tục hành chính, từ nhập cảnh, xuất cảnh, hải quan cho đến các quy trình, dịch vụ tại các khách sạn, nơi ở của khách và quyết định hơn là rà soát các thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh để loại bỏ các thủ tục không hợp lý, gây phiền hà cho NĐT, không mang lại lợi ích cho đất nước.

Năm 2015 đã có sự nhảy vọt về hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách liên quan đến đầu tư - kinh doanh, cụ thể là Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 thay thế cho Luật Đầu tư 2005 với nhiều thay đổi quan trọng đặc biệt là các quy định về cấm đầu tư, đầu tư có điều kiện và cải cách thủ tục hành chính về đầu tư.

Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật này. Nhưng, đó mới chỉ là quyết tâm của Nhà nước, của Chính phủ tại Luật và Nghị định, còn thực tế thực thi lại phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ, công chức thừa hành.

Cho nên, cần có sự kiểm tra, đánh giá định kỳ việc thực thi công vụ của đội ngũ này để Luật thực sự đi vào cuộc sống và tiếp tục rà soát, sửa đổi những bất cập, tồn tại do những quy định tại Luật, Nghị định còn chưa phù hợp với thực tiễn sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Đây thực sự là một nội dung cần thiết nhất, để chuẩn bị tốt nhất cho môi trường đầu tư mới chào đón các NĐT.

Thứ tư là chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện các yếu tố khác cấu thành nên môi trường đầu tư và kinh doanh Việt Nam, nhằm nâng cao sức cạnh tranh, cụ thể là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế (ngoài các vấn đề liên quan đến Luật Đầu tư như đã nêu trên), như: tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực dịch vụ về tài chính, ngân hàng, logistics,... của nền kinh tế nhằm đủ sức cạnh tranh với các nền kinh tế khác trong thời buổi hội nhập sâu, rộng này, đặc biệt cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức có hiệu lực.

Thứ năm là "chủ nhà” phải mời NĐT ngoại những "món ăn" mình có thể làm và là các "món ăn" mà khách sẽ yêu thích. Đó là việc xây dựng các danh mục dự án gọi vốn FDI của từng địa phương và của quốc gia. Nhiều năm qua, tỷ lệ các dự án mời gọi đầu tư được các NĐT lựa chọn rất thấp, vừa gây lãng phí vừa làm xấu hình ảnh của một Việt Nam đổi mới.

Đây là việc cần đổi mới, các địa phương khi đã ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư, thì các dự án này đã có thống nhất về chủ trương giữa các ban ngành của địa phương, của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên (đối với các dự án ngoài thẩm quyền cấp phép của địa phương phải xin ý kiến trước khi cấp phép).

Vấn đề cuối cùng trong việc thu hút dòng vốn FDI hiện nay là "lựa chọn khách". Đến giai đoạn này, thu hút FDI phải chú ý 3 nội dung: FDI đi đôi với công nghệ, gắn với việc chuyển giao và tiếp nhận; FDI gắn với bảo vệ môi trường và FDI với an ninh, quốc phòng, dù rằng các mục tiêu về thu hút vốn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, thu nộp ngân sách,... cũng rất quan trọng.

Bởi trên thực tế, NĐT hiện cũng có nhiều loại, chúng ta phải biết nhận diện và nói "không" với các NĐT có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh - quốc phòng, như chiếm dụng đất đai ở các địa điểm nhạy cảm, diện tích đất lớn, đưa nhiều lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc...

Các nguy cơ này có thể không thấy rõ khi cấp phép, nhưng tiềm ẩn hậu quả của nó sau này. Thu hút vốn FDI đi cùng với công nghệ cao hoặc ít nhất công nghệ phải đảm bảo đúng các quy định của Bộ Khoa học - Công nghệ. Đồng thời, không cho phép các dự án đi vào vận hành nếu chưa đảm bảo được các quy định về bảo vệ môi trường.

> Vì sao nông nghiệp khó thu hút vốn FDI?

> 11 tháng, tổng vốn FDI cấp mới tăng 16,7% so với năm 2014

> Thu hút vốn FDI: Cẩn trọng để loại trừ dự án “lợi dụng” TPP

PHAN HỮU THẮNG - Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nguồn DNSG: http://www.doanhnhansaigon.vn/thoi-su-trong-nuoc/don-von-fdi-6-viec-can-lam-khi-hoi-nhap/1094991/