Đón Tết trên đất nước Triệu Voi

Tháng Chạp, khi những cơn mưa ấm áp đầu Xuân mới đã đánh thức những nụ mầm, người người, nhà nhà đã bắt đầu chộn rộn sắm sửa để đón Tết, đón chờ sự sum vầy của tình thân thì ở đâu đó nơi xứ người, những đứa con ly hương không có điều kiện trở về cũng bắt đầu dâng ngập nỗi nhớ quê hương. Với những người lao động Việt trên đất nước Triệu Voi mà chúng tôi đã gặp cũng vậy, dù những nghi thức của Tết cổ truyền vẫn được tổ chức đầy đủ nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, nỗi nhớ người thân, quê hương luôn thường trực…

Bất đồng ngôn ngữ tạo nên khoảng cách văn hóa

Theo chân các chiến sĩ biên phòng Cầu Treo, chúng tôi có mặt ở bản Bolikhan, nơi các lao động Việt Nam đang thi công công trình thủy điện 272MW do Chính phủ Nhật Bản đầu tư, có tổng kinh phí 868 triệu USD. Tận mắt chứng kiến nơi ăn, ở, làm việc của gần 900 công nhân của Cty CP Sông Đà 5 đang thi công công trình thủy điện ở bản Bolikhan, tỉnh Bolykhamxay, Lào thì mới thấm thía hết nỗi khó khăn của những người lao động Việt Nam xa xứ.

Trên công trường thủy điện Nậm Nghiệp 1 hiện có 8 nhà thầu đang thi công, Sông Đà 5 có gần 900 CBCNV, trong đó 70% phải ở lại đón Tết Nguyên đán tại công trường. Mặc dù lãnh đạo TCty đã dành sự quan tâm đặc biệt cho công trường với quyết tâm không để người lao động thiếu Tết nhưng chặng đường dài cách trở, những rào cản khắt khe trong kỷ luật sinh hoạt, rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, thời tiết và phong tục tập quán… vô hình trung làm hạn chế các lao động Việt Nam có được một cái Tết cổ truyền theo đúng phong tục.

Chánh Văn phòng đại diện Sông Đà 5 tại Lào Lê Thanh Sơn đã không ngần ngại dẫn chúng tôi đi một vòng quanh nhà ở của gần 900 công nhân, chia sẻ với chúng tôi cuộc sống mưu sinh trên đất Lào gian khó khi thực phẩm đắt đỏ, giá cả sinh hoạt đắt hơn Việt Nam, mệnh giá tiền trao đổi, mua bán được tính bằng Kíp trong khi đó người lao động vẫn hưởng mức thu nhập của người Việt được tính bằng VNĐ. Mỗi bữa ăn của lao động Việt Nam tại Lào là 8 ngàn kíp, tương đương với 22 ngàn đồng. Dù thu nhập mỗi người lao động trên 10 triệu đ/tháng nhưng với chi phí sinh hoạt khá cao nên tiền dành dụm không được bao nhiêu.

Bên cạnh đó, các chính sách như thuế, thủ tục hành chính cũng như phong tục tập quán ở Lào nhiều điểm khác biệt, người lao động chưa còn bỡ ngỡ nên còn gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và làm việc.

Với mỗi căn phòng 32m2 nhà lắp ghép, có công trình phụ khép kín, điều hòa, điện, nước đầy đủ, 4 giường tầng là nơi ở của 8 lao động Việt Nam tại Lào. Mỗi lao động cứ 4 tháng được nghỉ phép 10 ngày.

Nỗi lòng lao động Việt Nam ăn Tết xa xứ

Vì kế hoạch tiến độ, cuộc sống mưu sinh rất nhiều lao động Việt Nam phải ở lại nước bạn ăn Tết trong nỗi nhớ nhà da diết. Dù đã có đủ bánh chưng, dưa hành, hương trầm và hoa đào nhưng trong lòng họ vẫn luôn canh cánh về gia đình, về cái Tết cổ truyền của người Việt.

Anh Nguyễn Đức Huy, quê ở Nam Định chia sẻ: “Với 12 năm làm nghề xây dựng thì có 5 năm ăn Tết tại công trường, nhưng thú thật đây là năm đầu tiên tôi được ăn Tết ở nước ngoài nên thật sự rất háo hức. Những ngày Tết cổ truyền của Việt Nam đang đến thật gần, tâm trạng nhớ nhà, nhớ người vợ trẻ cứ chất đầy trong tôi, nhưng vì tính chất công việc, xa nhà quen rồi nên tôi cảm thấy được ăn Tết trên đất nước Lào sẽ đem đến cho tôi sự trải nghiệm mới mẻ”.

Cô gái trẻ 23 tuổi Nông Thị Hiệp quê ở Hữu Lũng, Lạng Sơn đã không kìm nén được nước mắt khi chúng tôi hỏi Tết này em có về quê ăn Tết không. Cô gái ấy đã viết vội mấy dòng vào mảnh giấy chuyển cho chúng tôi với lời nhắn: “Bố mẹ ơi, mặc dù Tết này con không về đoàn tụ với đại gia đình ta nhưng con rất vui vì cùng được đón Tết với các anh, chị tại công trình Nậm Nghiệp 1 - Lào. Con rất nhớ và yêu gia đình mình”.

Chia sẻ với PV Báo Xây dựng, ông Đặng Đức Khau, 50 tuổi, quê ở Nam Định, Giám đốc phụ trách sức khỏe, an toàn Sông Đà 5 cho biết: “Tất cả lao động của Sông Đà 5 khi qua Lào làm việc đều phải trải qua các bước khám sức khỏe nghiêm ngặt tại Bệnh viện Xây dựng. Do tính chất công việc nên năm nào cũng vậy 70% lao động đang làm việc ở đây cũng như bản thân tôi phải ở lại ăn Tết xa quê, điều này đã trở thành thói quen, trở thành điều tất yếu chứ không còn là áp lực, là điều gì lớn lao nữa”.

Anh Lê Anh Đức, 30 tuổi, quê ở Thái Bình chia sẻ: Nhiều năm ăn Tết ở công trường nên gia đình tôi cũng đã quen không còn mong ngóng nữa. Ăn Tết ở nhà bây giờ đối với chúng tôi là điều xa xỉ. Năm nay Cty cũng đã có kế hoạch để toàn bộ anh em lao động Việt Nam được đón Tết cổ truyền Việt Nam khang trang trên đất bạn Lào. Chính quyền địa phương ở đây cũng rất quan tâm, tạo điều kiện để chúng tôi thoải mái, yên tâm làm việc.

Mặc cho Xuân đã dâng ngập không gian, công trường vẫn ồn ã tiếng máy, người công nhân vẫn miệt mài làm việc. Thi thoảng tôi bắt gặp những ánh mắt lấp lánh niềm vui vừa có gì đó tha thiết của người lao động Việt nhìn chúng tôi. Hơn bao giờ hết, tôi cảm nhận được rất rõ sự ấm áp của nghĩa đồng bào. Và chắc hẳn, họ cũng muốn gửi theo chúng tôi niềm thương, nỗi nhớ về bên kia biên giới, nơi người thân của họ luôn mong ngóng bước chân họ trở về. Tôi ngoảnh nhìn ra vạt rừng đầy nắng và chợt rưng rưng hát thầm câu hát của nhạc sĩ Trần Tiến: “Mẹ ơi sáng nay Xuân về, mẹ trông ra ngoài hiên vắng, mẹ mong đứa con xa nhà”…

Phi Long - Uyên Uyên

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/the-gioi/don-tet-tren-dat-nuoc-trieu-voi.html