Đón Tết ở Trường Sa

Vậy là Tết Bính Thân năm nay sẽ cái Tết thứ ba Đại úy Vũ Đức Quỳnh - Chỉ huy trưởng đảo Đá Lớn - xa nhà, ở lại đảo đón Tết cùng anh em. “Tết ở đảo cũng đầy đủ, không thua gì đất liền, thậm chí còn vui hơn ở đất liền ấy chứ. Điều đặc biệt của Tết ở đảo là tất cả anh em tuy không phải máu mủ ruột thịt nhưng cùng sum vầy đón Tết, ấm cúng như trong một gia đình vậy. Cuộc đời người lính không dễ gì có được cảm xúc như vậy” - Đại úy Vũ Đức Quỳnh chia sẻ.

Trồng rau xanh và đánh bắt cá để tăng thêm hương vị ngày Tết.

3 Tết ở đảo cũng là quãng thời gian Đại úy Vũ Đức Quỳnh xa người vợ trẻ và cô con gái bé nhỏ Vũ Nguyễn Tâm An. Từ khi lấy nhau, anh về thăm nhà được 2 lần, mỗi lần 2 tháng, thậm chí đến khi cô con gái đầu lòng Tâm An được 14 tháng anh mới được ôm con vào lòng. Tết này, Tâm An hơn 2 tuổi. Hỏi “có nhớ nhà không?” Đại úy trẻ cười xòa: “Nhớ chứ. Nhưng nhiệm vụ là trên hết. Tôi đang cùng anh em lo bày biện và trang trí đón Xuân sao cho “tươm” nhất”.

Đại úy Quỳnh cho biết: “Năm nay, ngoài tiêu chuẩn được Nhà nước cấp, anh em ở đảo cũng đặt mua thêm đồ từ đất liền từ nải chuối xanh, hoa quả để bày mâm ngũ quả, gạo nếp, bánh kẹo… Trước đó, ngoài giờ huấn luyện, anh em ở đảo đã tăng gia đi đánh bắt cá bỏ lồng hoặc cấp đông… đảm bảo Tết ở đảo không kém gì hương vị quê nhà.”.

Năm nào cũng vậy, trước giờ giao thừa, thay mặt Chỉ huy đảo, Đại úy Vũ Đức Quỳnh gọi điện về chúc Tết từng gia đình các chiến sĩ, đặc biệt quan tâm đến đội ngũ hạ sĩ quan mới ra đảo lần đầu. “Những ngày cận Têt, nhìn ánh mắt cánh lính trẻ, biết chúng nhớ nhà lắm. Qua những cuộc điện thoại đó, vừa là hỏi thăm, chúc Tết gia đình, vừa là động viên để gia đình và bản thân các chiến sĩ thấy yên tâm. Đặc biệt, trong 3 ngày Tết, đảo sẽ tổ chức các trò chơi, hoạt động văn hóa, văn nghệ để lính trẻ vui Xuân, quên đi nỗi nhớ nhà” - Đại úy Quỳnh cho biết.

Cũng đón cái Tết thứ ba ở đảo, Thiếu tá Lưu Hồng Thức (đảo Đá Tây) bộc bạch: “Không thể nói là không có chút xao động, nhớ về quê hương, gia đình nhất là Tết là dịp đoàn viên, sum họp. Nhưng cuộc đời của lính hải quân, được cùng nhau đón Tết ở đơn vị, đặc biệt nơi đảo xa thấy vinh dự và thiêng liêng lắm. Đêm giao thừa, anh em toàn đảo quây quần bên nhau. Nghe xong thư chúc Tết của Chủ tịch Nước, cả đảo hô vang “Chúc mừng năm mới”, rồi chúc nhau, mừng tuổi nhau, cũng “trăm phần trăm” nhưng là.. nước ngọt vì mấy năm nay ở đảo cấm uống rượu, rồi cùng nhau đốt lửa trại, ca hát, đọc thơ… Không khí ấm cúng đó chắc chắn đất liền không thể có”.

Có thâm niên đón đến 10 cái Tết ở Trường Sa, trong đó có “nhiệm kỳ” ở đảo liên tục 36 tháng, với Trung tá Đặng Ngọc Nam - nguyên Chỉ huy trưởng đảo An Bang - mỗi Tết ở đảo là một cảm xúc khác nhau. “Nhưng linh thiêng nhất là thời khắc của ngày đầu Xuân”. Trung tá Nam kể: Sáng sớm Mùng 1, đảo sẽ làm mâm cơm bày trước cột mốc chủ quyền. Độc đáo nhất của Tết ở Trường Sa, không thể không nhắc đến món bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông. Nói đến hương vị “chỉ Trường Sa mới có” này, Trung tá Hoàng Văn Ánh – Cụm trưởng Cụm chiến đấu 1 đảo Trường Sa Lớn - bộc bạch: “Ai đã một lần thưởng thức, sẽ không thể quên được hương vị của bánh. Bánh ăn có vị hơi chát của lá bàng, đậm vị mặn mòi, nắng gió của biển, của đảo, quê nhà không thể có được”.

Xuân mới đã về trên quê hương, Xuân mới đã về với quân và dân đảo Trường Sa qua những đóa bàng vuông nở rộ. Xuân mới đang náo nức, ngập tràn trong những lời ca, tiếng hát ngợi ca Đảng, Bác và chào Xuân rộn ràng khắp các đảo…

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/don-tet-o-truong-sa-516076.bld