Đối tượng người tàn tật được hưởng trợ cấp hàng tháng

(Chinhphu.vn) - Bà Trần Thị Thi (chuonggio_trafa@...) hỏi: Người câm điếc có được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của bà Thi như sau:

Người câm, điếc là người khuyết tật

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 và Điều 3 Luật Người khuyết tật năm 2010 thì người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật, trong đó có dạng tật nghe, nói (câm, điếc), khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.

Người khuyết tật được chia theo mức độ khuyết tật sau:

- Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày.

- Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày.

- Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp quy định nêu trên.

Người tàn tật nặng được hưởng trợ cấp hàng tháng

Khoản 4, Điều 4, Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/04/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, đã được sửa đổi theo Khoản 1, Điều 1, Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27/12/2010 của Chính phủ, quy định 1 trong 9 đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện trợ cấp hàng tháng do xã, phường, thị trấn quản lý là “người tàn tật nặng không có khả năng lao động hoặc không có khả năng tự phục vụ”.

Theo hướng dẫn tại Điểm b, Điểm c, Điều 1 Thông tư liên tịch số 24/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 18/8/2010 của Liên Bộ Lao động - Thương binh Xã hội, Bộ Tài chính thì:

- “Người tàn tật nặng không có khả năng lao động” quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP được sửa đổi theo khoản 1 Điều 1 Nghị định số 13/2010/NĐ-CP là người từ đủ 15 tuổi trở lên bị tàn tật, giảm thiểu chức năng không thể lao động, được Hội đồng xét duyệt cấp xã công nhận hoặc bệnh viện cấp huyện trở lên xác nhận.

- “Người tàn tật nặng không có khả năng tự phục vụ” quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP được sửa đổi theo khoản 1 Điều 1 Nghị định số 13/2010/NĐ-CP là người tàn tật không có khả năng tự phục vụ sinh hoạt cá nhân, được Hội đồng xét duyệt cấp xã công nhận hoặc bệnh viện cấp huyện trở lên xác nhận.

Vấn đề bà Trần Thị Thi hỏi, theo quy định nêu trên thì người câm, điếc (còn gọi là người khiếm thính) là người khuyết tật nghe, nói. Người khuyết tật nghe, nói (câm, điếc) có được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hay không, phụ thuộc vào mức độ khuyết tật của người đó.

Nếu người câm, điếc là “người tàn tật nặng không có khả năng lao động hoặc không có khả năng tự phục vụ” theo quy định tại Khoản 4, Điều 4, Nghị định số 67/2007/NĐ-CP được sửa đổi theo Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 13/2010/NĐ-CP và hướng dẫn tại Điểm b, Điểm c, Điều 1 Thông tư liên tịch số 24/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTC thì người đó thuộc diện trợ cấp hàng tháng do xã, phường, thị trấn quản lý.

Nếu người câm, điếc còn có khả năng lao động và khả năng tự phục vụ thì không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định nêu trên.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Tin, bài liên quan:

>> Trợ cấp xã hội đối với người khuyết tật

>> Về độ tuổi hưởng trợ cấp của người khuyết tật

>> Về xác định mức độ khuyết tật để hưởng trợ cấp

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/doi-tuong-nguoi-tan-tat-duoc-huong-tro-cap-hang-thang/20123/131825.vgp