Đối tượng hưởng chính sách vùng đặc biệt khó khăn

(Chinhphu.vn) - Ông Nguyễn Thanh Sơn (thanhson0607@...) hỏi: Các đối tượng giữ chức vụ Chủ tịch Công đoàn, Bí thư chi đoàn, Tổng phụ trách đội trong trường học có được hưởng chế độ khi công tác tại vùng đặc biệt khó khăn theo quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ không?

Theo phản ánh của ông Sơn, tại trường THCS Kim Trung của ông Sơn, Tổ trưởng, Tổ phó, Phó Hiệu trưởng, Hiệu trưởng được làm thủ tục hưởng chế độ đối với cán bộ công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, nhưng Chủ tịch Công đoàn, Bí thư chi đoàn, Tổng phụ trách đội không được hưởng.

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Sơn hỏi như sau:

Ngày 24/12/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2010/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Nghị định này quy định về phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm, một số trợ cấp và thanh toán tiền tàu xe đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (quân đội nhân dân và công an nhân dân) công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm:

- Huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1;

- Các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

- Các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp,… (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Đối tượng áp dụng

Điều 2 Nghị định 116/2010/NĐ-CP quy định đối tượng áp dụng chính sách là cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang đang công tác và người đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sau ngày 1/3/2011 (là ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành), bao gồm:

- Cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, kể cả người tập sự, thử việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn;

- Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan chuyên môn kỹ thuật và người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, kể cả người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong quân đội nhân dân và công an nhân dân;

Các đối tượng này công tác ở các xã không thuộc diện đặc biệt khó khăn thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ cũng được áp dụng chính sách quy định tại Nghị định này.

Nguyên tắc áp dụng

Điều 3 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP quy định: Cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang thuộc đối tượng áp dụng của chính sách cùng loại quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác thì được hưởng một mức cao nhất của chính sách đó.

Theo đó, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là đối tượng áp dụng Nghị định 116/2010/NĐ-CP và chỉ được hưởng một mức cao nhất trong số các chính sách cùng loại đang được thực hiện.

Nếu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang hưởng chế độ quy định tại Chương III Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì hưởng đến hết tháng 2/2011. Từ tháng 3/2011 trở về sau, được hưởng phụ cấp ưu đãi theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 61/2006/NĐ-CP và nếu đang dạy bằng tiếng và chữ viết của người dân tộc thiểu số thì được hưởng phụ cấp theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 61/2006/NĐ-CP, đồng thời được hưởng chính sách theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP.

Trả lời các vấn đề ông Nguyễn Thanh Sơn hỏi: Theo Điều lệ Trường Tiểu học Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30/12/2010 và Điều lệ Trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì ở mỗi trường tiểu học có một Tổng phụ trách Đội do Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm theo đề nghị của Hiệu trưởng. Đối với các chức danh tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, hiệu trưởng, hiệu phó các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học được bổ nhiệm theo phân cấp quản lý.

Đối với các đoàn thể trong nhà trường, các chức vụ Chủ tịch công đoàn, Bí thư Chi đoàn trong các nhà trường là do Đại hội công đoàn, Đại hội Chi đoàn thanh niên bầu cử theo quy định của Điều lệ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Thông tin do ông Sơn cung cấp còn chưa rõ Trường THCS Kim Trung thuộc địa phương nào, có ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn không, nếu có thì tất cả nhà giáo, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, kể cả người tập sự, thử việc trong nhà trường đều thuộc đối tượng áp dụng chính sách quy định tại Nghị định 116/2010/NĐ-CP mà không phân biệt người đang giữ chức vụ chuyên môn quản lý được bổ nhiệm như Tổ trưởng, Tổ phó chuyên môn, Hiệu trưởng và Hiệu phó hay người đang giữ chức vụ của đoàn thể như Chủ tịch Công đoàn, Bí thư chi đoàn thanh niên.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/doi-tuong-huong-chinh-sach-vung-dac-biet-kho-khan/20125/137452.vgp