Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam: Cần sự nhận thức rõ hơn

(VEN) - Với mục đích giới thiệu và đẩy mạnh nhận thức về giá trị của mô hình doanh nghiệp xã hội (DNXH) tại Việt Nam, ngày 16/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Hội đồng Anh tại Việt Nam và Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) tổ chức hội thảo “DNXH tại Việt Nam-khái niệm, bối cảnh và chính sách”.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, DNXH là một xu thế mới xuất hiện ở Việt Nam và đã có những phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên toàn thế giới. DNXH, cũng như các doanh nghiệp bình thường, tổ chức các hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm và cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên khác với các doanh nghiệp thông thường, DNXH được hình thành với mục đích chủ yếu là để giải quyết một hoặc nhiều vấn đề xã hội hay môi trường cụ thể thông qua mô hình kinh doanh bền vững, chứ không nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho chủ sở hữu hoặc nhà đầu tư.

“DNXH tạo việc làm, tạo cơ hội cải thiện cuộc sống cho các cộng đồng dễ bị tổn thương và những người có hoàn cảnh đặc biệt (người nghèo, người khuyết tật, người sống chung với HIV/AIDS…) và cùng với đó họ có thể đưa ra những giải pháp sáng tạo cho những lĩnh vực mới và còn ít được doanh nghiệp tư nhân đầu tư như năng lượng mới, tái chế, quản lý rác thải,…” Ông Cung nhấn mạnh.

Là những ví dụ điển hình trong mô hình sáng kiến xã hội góp phần tích cực vào giải quyết các mục tiêu kinh tế - xã hội, Công ty TNHH Thủ công Mai thành lập từ năm 1990 tại TP. Hồ Chí Minh đã giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho các phụ nữ thiệt thòi. Nhà hàng KOTO hay trường Hoa Sữa tại Hà Nội lại được biết đến là những mô hình thành công trong việc cung cấp các chương trình dạy nghề và giáo dục hiệu quả, tạo cơ hội nghề nghiệp cho trẻ vị thành niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Việt Nam.

Theo ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư, từ những mô hình thành công, việc nghiên cứu chuyên sâu về mô hình DNXH là một bước đi cần thiết và mang ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, cũng như các cơ quan nhà nước trong việc lập chính sách về DNXH. Với tư cách đại diện cho lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông sẵn sàng cổ vũ cho các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm thúc đẩy phong trào DNXH và tinh thần doanh nhân xã hội phát triển mạnh hơn nữa ở Việt Nam.

Thực tế, tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này cho thấy, ở châu Á, Chính phủ Hàn Quốc ban hành Luật Phát triển DNXH từ năm 2007 và thiếp lập Ủy ban hỗ trợ DNXH trực thuộc Bộ Lao động. Mối quan tâm lớn nhất của Hàn Quốc đối với DNXH là hiệu quả tạo việc làm đăc biệt trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Còn Chính phủ Singapore thành lập Phòng DNXH đặt trong Bộ Phát triển cộng đồng, Thanh niên và Thể thao từ năm 2006 nhằm nhấn mạnh vai trò của DNXH trong việc giúp Chính phủ tạo việc làm cho nhóm cộng đồng yếu thế.

Trong khi đó, các chuyên gia nhìn nhận, hiện nay, hiểu biết về DNXH ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, gây nhiều khó khăn cho sự phát triển và nhân rộng các mô hình thành công. Ngoài ra, DNXH chưa được công nhận chính thức từ phía nhà nước, thiếu một địa vị pháp lý rõ ràng, hạn chế về nguồn nhân lực, khả năng tiếp cận vốn... Tuy nhiên, cơ hội và tính cần thiết phải phát triển DNXH như một mô hình kinh tế bền vững nhằm giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề xã hội và môi trường ngày một trở nên bức thiết.

Ông Robin Rickard, Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam cho biết, ba năm qua đã chứng kiến sự lớn mạnh không ngừng của doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, là một lĩnh vực mới, doanh nghiệp xã hội rất cần được nuôi dưỡng và hỗ trợ để phát huy hết tiềm năng của mình tạo ra nhữngảnh hưởng tích cực, sâu rộng lên nền kinh tế và xã hội Việt Nam.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, bộ nghành của chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp xã hội, các nhà tài trợ quốc tế và các đối tác có liên quan khác, nhằm vận động cho việc hình thành một môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp xã hội phát triển trong một xã hội mà các thành quả hoạt động của họ được nhìn nhận và đánh giá cao” - Ông Robin Rickard nhấn mạnh./.

Hùng Cường

Nguồn VENO: http://www.ven.vn/doanh-nghiep-xa-hoi-tai-viet-nam-can-su-nhan-thuc-ro-hon_t77c78n28950tn.aspx