Doanh nghiệp trốn thuế

(VOV) - Việc doanh nghiệp FDI trốn thuế bằng nhiều hình thức, trong đó có thủ đoạn chuyển giá, gây thất thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng/năm đã được chỉ ra từ rất lâu nhưng chưa khắc phục được.

Có truy thu được nghìn tỷ đồng? Câu chuyện doanh nghiệp trốn thuế giờ đây trở nên nghiêm trọng hơn khi hiện tượng chuyển giá để trốn thuế bắt đầu lan sang các doanh nghiệp trong nước. Các “chiêu” biến lãi thành lỗ Theo số liệu từ Bộ Tài chính, hiện có gần 30% trong tổng số doanh nghiệp (DN) FDI đang hoạt động ở Việt Nam có kết quả kinh doanh lỗ liên tiếp trong 2 - 3 năm, thậm chí 5 năm. Nhưng nghịch lý là dù lỗ triền miên, các DN đó vẫn liên tục mở rộng sản xuất, kinh doanh. Và tất nhiên, theo các quy định pháp luật hiện hành, với tình trạng kinh doanh thua lỗ như thế, DN đó sẽ tránh được việc nộp thuế. Theo nhìn nhận của các chuyên gia, đây là biểu hiện của tình trạng lợi dụng việc chuyển giá để gian lận, trốn thuế. Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, bà Phan Thị Vịnh cho biết, qua theo dõi quyết toán thuế năm 2009, 100% DN FDI đang hoạt động trên địa bàn tỉnh báo cáo… lỗ kéo dài. Có DN lỗ tới tận 10 năm trời. Trong khi đó, đa phần các DN FDI này đều được tỉnh “trải thảm đỏ” mời đầu tư với các ưu đãi tối đa như miễn tiền thuê đất, giao đất dự án là đất sạch, thuế thu nhập DN được miễn giảm trong nhiều năm, thuế giá trị gia tăng bằng 0… Lâm Đồng hiện có 110 DN FDI, trong đó có 17 DN hoạt động trong lĩnh vực trồng và chế biến chè. Những DN này kêu lỗ nhiều năm liên tục, trong đó nhiều đơn vị lỗ gần hết vốn đầu tư. “Kiểm tra đối chiếu chúng tôi mới thấy, giá xuất khẩu của các DN này thấp hơn giá thành và giá nội tiêu rất nhiều lần. Hầu hết các DN này đều có công ty mẹ ở Đài Loan. Thực tế, họ xuất hàng về công ty mẹ rồi đóng nhãn mác bên đó. Khi đối thoại với các DN, chúng tôi căn cứ luật pháp và khẳng định những khoản tiền nhà đầu tư mẹ từ nước ngoài chuyển về, hay những khoản tăng vốn, mượn vốn từ công ty mẹ không trả lãi, hay ứng trước ngân hàng… thực ra là khoản doanh thu bán hàng của công ty mẹ ở nước ngoài chuyển về. Đây chính là những khoản mà Cục Thuế Lâm Đồng yêu cầu hạch toán để giảm lỗ và cắt lỗ, tổng số tiền chúng tôi yêu cầu lên tới gần 300 tỷ đồng”, bà Vịnh nêu. Việc các DN FDI trốn thuế còn diễn ra ở TP.HCM. Cục Thuế thành phố này phản ánh, có hàng chục DN thường xuyên kê khai lỗ kể từ khi thành lập nhưng vẫn hoạt động và mở rộng qui mô. Năm 2010, Cục thuế TP.HCM thanh tra 197 DN báo lỗ đã phát hiện điều chỉnh giảm lỗ 2.664 tỷ đồng, truy thu và phạt hơn 272 tỷ đồng, trong đó 15 DN có dấu hiệu chuyển giá. Với các DN nhập khẩu, nhất là DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may, lại có “chiêu” chuyển giá khác đó là, họ chấp nhận nhập khẩu nguyên liệu, máy móc đầu vào từ công ty mẹ với giá thật cao, rồi bán lại hàng hóa sản xuất ở Việt Nam cho công ty mẹ với giá thật thấp để không phải nộp thuế thu nhập DN. Tác hại của thủ thuật này không chỉ là ngân sách Nhà nước bị thất thu một khoản thuế lớn, mà hàng năm chúng ta còn phải dành một lượng ngoại tệ không nhỏ cho việc nhập về những nguyên liệu, máy móc cao hơn giá trị thực của nó. Và nguy hiểm hơn nữa, khi tình trạng thua lỗ ảo kéo dài, đại diện phần vốn của Việt Nam trong liên doanh có thể không chịu nổi phải nhanh chóng rút vốn, nhường sân cho đối tác. Thực tế cho thấy, không ít các DN liên doanh đã bị các công ty mẹ ở nước ngoài “thôn tính” theo kiểu này. Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM nhận định, điều đáng lo ngại hiện nay là việc chuyển giá biến lãi thành lỗ đã lan sang các DN trong nước. Một DN trong nước có thể thành lập vài DN con cùng một lúc để điều tiết lãi - lỗ nhằm giảm thu nhập chịu thuế, thậm chí là khai lỗ nhằm trốn thuế, hoặc để vay vốn trong bối cảnh lạm phát hiện nay. “Khi có kết luận cụ thể, chúng tôi sẽ thông báo cho các ngân hàng để có biện pháp phòng ngừa, tránh rủi ro. Các thủ thuật lách thuế của các DN là, đối với một mặt hàng này, công ty A hết hạn mức vay thì tìm cách xuất cho công ty B, lấy mặt hàng đó để thế chấp vốn ngân hàng, trong khi mặt hàng đó đã vay vốn 1 lần rồi”, bà Hương nói. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thông báo, đã có nhiều DN trong nước chuyển giá từ DN phải nộp thuế sang DN được ưu đãi thuế, ví dụ như thành lập lại DN, DN tập đoàn thành lập công ty con...; hoặc chuyển giá từ DN hoạt động ở vùng không được ưu đãi sang vùng được ưu đãi nhưng bản thân DN chuyển, họ có cổ phần và quyền lợi trong đó. Tìm cách “bịt lỗ hổng” quản lý Dù biết khá rõ thủ thuật lách thuế của các DN FDI, nhưng việc chứng minh điều này không phải dễ đối với ngành thuế. Cái khó của cơ quan thuế là thiếu hẳn một cơ sở dữ liệu đối chiếu để xác định có hay không chuyện DN FDI chuyển giá. Bà Lê Thị Thu Hương nêu: “Để kiểm tra việc này, cơ quan thuế phải xác định các phương pháp so sánh: so sánh giá giao dịch, giá vốn cộng lãi, lợi nhuận, giao dịch độc lập,… nhưng hiện tại chúng ta không có cơ sở dữ liệu để tham khảo. Bộ Tài chính cũng không có, chúng tôi phải tự khảo giá tại thị trường tại thời điểm kiểm tra để làm cơ sở tính thuế”. Bà Phan Thị Vịnh cho rằng, chúng ta đang có lỗ hổng khiến các DN FDI cố tình lách luật, lách thuế. “Lỗ hổng lớn nhất hiện nay là việc kiểm soát giá xuất khẩu. Chúng ta chủ yếu đang vận động DN để họ kê khai giá đúng. Họ xuất với giá thấp hơn giá thành, lỗ hết vốn mà họ vẫn kinh doanh. DN hoạt động cả 10 năm, họ xuất hàng về công ty mẹ với giá thấp hơn giá thành, rõ ràng là họ lỗ… Như vậy phải có công cụ để kiểm soát việc chuyển hàng về công ty mẹ; đối với DN để lỗ triền miên phải có chế tài xử phạt như thế nào? Đó là 2 việc lớn cần phải khắc phục”, bà Vịnh đề nghị. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thông tin thêm: “Chúng tôi đã phát hiện điều đó nên xác định không miễn giảm thuế cho DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực tài chính - ngân hàng, lĩnh vực chịu thuế thu nhập đặc biệt, không miễn giảm thuế đối với DN vừa và nhỏ mà DN đầu tư vào đó nắm cổ phần chi phối trên 50% là DN lớn để phòng việc chuyển giá. Tức là DN lớn đẻ ra DN nhỏ, DN mẹ bán hàng cho DN con với giá thấp để DN con có lãi và trốn thuế”. Trong một động thái gần nhất, ngày 6/7, lãnh đạo Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã có cuộc thảo luận một số nội dung sửa đổi về Luật Quản lý thuế. Một trong những yêu cầu sửa luật lần này là làm sao tạo các cơ sở pháp lý để phòng chống, đấu tranh với việc chuyển giá. Về cơ bản sẽ có 2 nội dung lớn được xem xét. Một là, qui định cho cơ quan quản lý Nhà nước có quyền ấn định thuế khi DN FDI có dấu hiệu chuyển giá để trốn thuế và giám sát đặc biệt khi các DN này có dấu hiệu lỗ. Hai là, xây dựng cơ chế pháp luật về việc các DN FDI trước khi hoạt động tại Việt Nam phải có cam kết và thỏa thuận về lợi tức tối thiểu để tránh việc báo lỗ trốn thuế như thời gian qua./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/home/doanh-nghiep-tron-thue/20117/179875.vov