Doanh nghiệp thép đang ở tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”

(Toquoc) –Thép Việt khi bán ra nước ngoài thì vấp phải hàng rào thương mại, hàng rào kỹ thuật vô cùng khắt khe. Trong khi ở trong nước lại bị cạnh tranh khốc liệt bởi hàng nhập khẩu kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Điều này khiến doanh nghiệp thép đang ở tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính đến hết tháng 10/2015, lượng sắt thép nhập khẩu về Việt Nam lên tới 12,62 triệu tấn, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2014, với kim ngạch 6,28 tỷ USD.

Tại Hội thảo: "Tình trạng tôn gian, kém chất lượng nhập khẩu, hậu quả và giải pháp" diễn ra sáng 27/11, ông Hồ Nghĩa Dũng, chủ tịch VSA cho biết, lượng sắt thép đổ từ Trung Quốc quá lớn đang tạo nhiều áp lực cho các nhà sản xuất trong nước. Trong khi đó, năng lực sản xuất thép trong nước lại đang lớn hơn nhu cầu nên nhiều nhà máy phải hoạt động cầm chừng.

Hiện tổng năng lực sản xuất ngành thép Việt Nam là 22 triệu tấn và hầu hết các chủng loại thép đều có sản lượng vượt gấp đôi so với nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Điều này cùng với xu hướng giảm giá thép trên thị trường thế giới, sức hấp thụ từ thị trường xây dựng còn hạn chế và thép nhập khẩu giá rẻ… nên giá thép trong nước đang ngày càng đi xuống.

Doanh nghiệp thép đang ở tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”

Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), tại thị trường nội địa, trong nửa đầu tháng 11/2015, các doanh nghiệp thép lớn như Tổng công ty Thép Việt Nam, Công ty Gang Thép Thái Nguyên…đều đã điều chỉnh giảm giá thép xây dựng, với mức giảm từ 150 - 800 đồng/kg tùy từng loại.

Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất thép cũng đều phải điều chỉnh tăng mức chiết khấu bán hàng khoảng 100 - 200 đồng/kg tùy từng loại.

Không chỉ gặp khó khăn về tiêu thụ, doanh nghiệp thép Việt còn phải đối mặt với vấn nạn thép giả.

Thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mặt hàng tôn thép diễn ra phức tạp, thủ đoạn tinh vi, quy mô ngày càng lớn bằng các thủ đoạn: in mác nhãn giả, lấy cắp thương hiệu các nhà sản xuất tôn có uy tín để in lên hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Năm 2014, chỉ riêng lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra phát hiện 1.900 cơ sở kinh doanh tôn, thép,phát hiện xử lý hàng trăm cơ sở vi phạm, phạt hành chính hơn 3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sang năm 2015, kết quả kiểm tra cho thấy, tôn nhái, sai nhãn mác, không hóa đơn chứng từ nguồn gốc xuất xứ có mặt ở hầu như tất cả các tỉnh của Việt Nam. Chỉ trong thời gian ngắn, gần chục công ty trên địa bàn Hà Nội đã bị lực lượng chức năng phát hiện kinh doanh tôn, thép giả, kém chất lượng…

Ông Nguyễn Văn Sưa, phó Chủ tịch VSA cho biết, doanh nghiệp tôn thép Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức ở cả thị trường nội địa lẫn thị trường xuất khẩu.

Thực tế, khi bán ra nước ngoài thì vấp phải hàng rào thương mại, hàng rào kỹ thuật vô cùng khắt khe, trong khi ở sân nhà thị bị cạnh tranh khốc liệt bởi hàng nhập khẩu kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái tràn vào với số lượng lớn.

“Chính điều này khiến doanh nghiệp Việt đang ở tình trạng tiến thoái lưỡng nan, đi không được, ở cũng chẳng yên”, đại diện này chia sẻ.

Về biện pháp lâu dài, ông Nguyễn Văn Sưa cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý để quản lý triệt để chất lượng tôn thép như: xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật về tôn mạ và sơn phủ màu, Quy chuẩn mang tính pháp lý cao hơn để có thước đo xử phạt hàng giả hàng nhái...

“Khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Vì thế, chúng ta càng phải có biện pháp bảo vệ nhà sản xuất, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Có như vậy, ngành tôn théptrong nước mới có thể đứng vững và phát triển một cách khỏe mạnh”, ông Nguyễn Văn Sưa nhấn mạnh./.

Quỳnh Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/sites/vi-vn/details/3/kinh-te-viet-nam/138586/doanh-nghiep-thep-dang-o-tinh-trang-tien-thoai-luong-nan.aspx