Doanh nghiệp kỳ vọng gì trong năm mới?

Kết thúc năm 2012 với nhiều sóng gió và những khó khăn được dự báo sẽ còn kéo dài, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng gì ở năm mới Quý Tỵ?

Nhìn lại chính mình

Việc đóng cửa, giải thể hàng loạt các doanh nghiệp trong năm qua đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tự nhìn nhận lại mình, nhận ra những giá trị, năng lực cốt lõi để từ đó tập trung phát triển trong năm 2013. Doanh nghiệp cần tập trung phát triển ngành nghề kinh doanh cốt lõi của mình, xác định rõ những sản phẩm, ngành nghề có lợi thế và trên cơ sở dự báo thị trường, xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh bài bản, dài hạn.

Dự báo, năm 2013, vấn đề nợ xấu của ngân hàng chưa thể giải quyết trong "một sớm, một chiều", nguồn vốn cho doanh nghiệp sẽ còn khó khăn nên doanh nghiệp cần tính toán chính sách đầu tư phù hợp với quy mô, tiềm lực tài chính của mình, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng.

Duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động cũng là một thành công lớn của doanh nghiệp

Kinh doanh trong thời buổi khó khăn, ngoài việc giữ vững chất lượng, doanh nghiệp phải giảm tối đa giá thành sản phẩm bằng công nghệ và các phương pháp quản lý hiện đại. Thậm chí có những thời điểm phải tối thiểu hóa lợi nhuận để đảm bảo sản phẩm vẫn đến tay người tiêu dùng với giá cả chấp nhận được.

Thị trường xuất khẩu năm 2013 chắc chắn tiếp tục bị thu hẹp do nhu cầu tiêu dùng trên thế giới sụt giảm. Bên cạnh đó, giá nhiều mặt hàng xuất khẩu đang có xu hướng giảm mạnh. Vì thế, doanh nghiệp phải rất thận trọng trong việc tính toán xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2013.

Các chuyên gia cho rằng, tình hình khó khăn sẽ còn lâu dài vì triển vọng phục hồi kinh tế của các thị trường lớn chưa sáng sủa. Ở trong nước thì lãi suất của ta vẫn cao hơn các nước trong khu vực, giá một số nguyên liệu đầu vào cũng cao. Vì vậy, thời gian sắp tới, tình hình kinh doanh được dự báo sẽ rơi vào thế thủ và có khả năng chưa tốt lên ngay được. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mọi giá trị thực đang trở về đúng chỗ của nó, vì vậy, các doanh nghiệp có nội lực thực sự, có chiến lược đúng đắn thì vẫn có nhiều cơ hội. Đừng vươn ra quá những lĩnh vực không thuộc thế mạnh và quá khả năng của mình thì vẫn có thể xoay sở được.

Củng cố niềm tin

Vấn đề lớn của doanh nghiệp hiện giờ chính là niềm tin. Chính sách điều hành kinh tế ổn định hơn sẽ khôi phục niềm tin của doanh nghiệp, người tiêu dùng và thị trường. Kinh tế vĩ mô đang tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực sẽ giúp doanh nghiệp bớt khó khăn. Hai “điểm cộng” dành cho Việt Nam, theo nhận định của chuyên gia nước ngoài là Chính phủ đã nhìn thẳng vào những bất ổn trong điều hành nền kinh tế và loại bỏ dần những lợi ích nhóm gây hại cho quốc gia.

Trả lời báo chí, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, việc củng cố niềm tin của doanh nghiệp là cần thiết và cần là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh hiện nay. Điều đáng mừng là những giải pháp của Chính phủ và thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng đã thể hiện ý chí, quyết tâm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực vốn và thị trường.

Ông Nam cho rằng, quyết tâm, ý chí hành động mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ trong năm 2013 này đã tạo ra sức thuyết phục lớn. Những giải pháp mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho năm 2013 đều là những vấn đề thực tiễn đang đòi hỏi. Đó là nâng cao chất lượng thể chế, khả năng phản ứng chính sách, đặc biệt vấn đề tạo lập niềm tin cho thị trường trong tình hình hiện nay. Từ phản ứng chính sách, điều hành chính sách, xử lý nợ xấu, kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường đến bảo đảm an sinh xã hội… đều là những giải pháp trọng yếu.

Kỳ vọng năm 2013

Có thể thấy, năm 2012 khó khăn là vậy nhưng nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực không ngừng, tìm mọi cách xoay sở, vật lộn để trụ lại trên thị trường. Song những khó khăn kinh tế vẫn chưa qua đi, các doanh nghiệp nhìn nhận năm 2013 vẫn tiếp tục là một năm đầy thử thách. Nhiều doanh nghiệp không đặt kỳ vọng có sự tăng trưởng đột phá trong năm 2013 mà đạt mục tiêu tiếp tục duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động cũng là một thành công lớn của doanh nghiệp.

Không mấy lạc quan về triển vọng kinh tế trong nước và thế giới năm 2013 nhưng rất nhiều doanh nghiệp đều hy vọng, chính sách điều hành kinh tế sẽ ổn định hơn, tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực: lạm phát giảm tiếp, lãi suất vay ngân hàng xuống thấp hơn nữa... Có như thế, doanh nghiệp mới bớt khó khăn về chi phí đầu vào.

Bên cạnh đó, những giải pháp giải quyết nợ xấu ngân hàng, hàng tồn kho bất động sản nếu được triển khai quyết liệt trong năm 2013 thì "cầu" trên thị trường sẽ được cải thiện, nhờ đó doanh nghiệp mới có thể hy vọng có đầu ra cho sản phẩm. Vì thế, những chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp từ phía Nhà nước cần tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa, thực hiện đồng bộ và nhất quán theo hướng khơi thông đầu ra cho doanh nghiệp đồng thời giảm bớt chi phí đầu vào, gánh nặng thuế, phí cho doanh nghiệp...

Những động thái tích cực gần đây của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc tìm biện pháp giảm mặt bằng lãi suất thị trường, tái cấu trúc lại các kênh dẫn vốn cho thị trường tài chính – tiền tệ, tích cực gỡ khó cho thị trường bất động sản… là những tín hiệu vui đối với doanh nghiệp. Nhưng chừng đó là chưa đủ. Nền kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng chưa khai thác hết, như về dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI). Sức cầu nội địa chiếm 70% GDP, cơ cấu dân số trẻ, và do nhiều yếu tố khách quan, vốn FDI một số nước đang dịch chuyển về Việt Nam. Nếu biết tổ chức tốt, tiếp nhận tốt thì tình hình kinh tế Việt Nam có điều kiện cải thiện.

Mỗi doanh nghiệp đều có một kỳ vọng, mong chờ nhưng chung nhất là sau một năm mà mọi thứ yếu kém của nền kinh tế đã được bộc lộ rõ ràng thì cần những liều thuốc đặc trị. Tình hình kinh tế năm 2013 được dự báo còn tiếp tục diễn biến khó lường với đầy khó khăn, thách thức trước mắt nhưng với những kinh nghiệm, bài học tích lũy từ giai đoạn sóng gió năm qua, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có thêm sự tự tin, chủ động thích nghi, linh hoạt ứng phó, xoay sở vượt khó, tận dụng cơ hội để bước vào giai đoạn phát triển bền vững hơn.

Ông Bùi Viết Thưởng, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Hải Phòng (Hatraco): “Chính sách nới lỏng tín dụng, hạ lãi suất và giám sát thực hiện một cách triệt để giải phóng hàng tồn kho, giảm chi phí kinh doanh, qua đó phục hồi sản xuất và làm nóng thị trường lưu chuyển hàng hóa, là những điều mà chúng tôi đang mong mỏi”.

Ông Nguyễn Văn An, Tổng Giám đốc Công ty CP Thái Hòa: “Chủ trương rõ ràng và quyết liệt về xử lý nợ xấu đã tăng thêm hy vọng cho nhiều doanh nghiệp. Chúng tôi mong đợi trong thời gian tới, Chính phủ sớm cụ thể hóa những đường hướng trong Thông điệp của Thủ tướng, nhất là có giải pháp xử lý nợ xấu nhanh, Chính phủ sẽ giúp hồi sinh nhiều doanh nghiệp”.

Trung Kiên

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/kinh-te/thi-truong/doanh-nghiep-ky-vong-gi-trong-nam-moi-18022.html