Đỏ mắt tìm trường chuyên biệt…

PNCN - Trường chuyên biệt (TCB) là trường dành riêng cho trẻ khuyết tật (TKT). Trẻ bị các bệnh liên quan đến hoạt động não bộ: chậm phát triển trí tuệ, bại não, down, tự kỷ, tăng động giảm trí nhớ (gọi tắt là bệnh não)…

700.000 trẻ khuyết tật chưa được đến trường Tại lễ tuyên dương và giao lưu giáo viên (GV) giỏi thuộc hệ thống TCB toàn quốc lần thứ II (ngày 18/3 vừa qua), ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Giáo dục TKT cho biết, từ khi Bộ GD-ĐT thành lập Ban chỉ đạo, số TKT được đi học ngày càng tăng: Năm học 2008 - 2009, toàn ngành đã huy động được gần 390.000 TKT đi học hòa nhập và 7.500 trẻ học trong 106 cơ sở giáo dục chuyên biệt. Giờ rèn luyện thể lực, hai cô “quản” một trẻ Tại TP.HCM, năm học 2008 - 2009, có 2.368 TKT học chuyên biệt tại 26 TCB. Năm học 2010 - 2011, theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, không có TCB công lập được xây mới, ngoại trừ cơ sở 2 của TCB Bình Minh (Q.Tân Phú) và tổng số phòng hỗ trợ giáo dục cá nhân dành cho đối tượng này vẫn là 50! Tại các quận huyện 4, 7, 9 Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Hóc Môn, phụ huynh TKT vẫn ngậm ngùi nhìn con ở nhà vì bảy quận huyện này vẫn “trắng” TCB. Để đạt mục tiêu 70% TKT đến trường của Bộ GD-ĐT, theo ông Đào Xuân Trường - quyền Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt trường Cao đẳng Sư phạm T.Ư - TP.HCM, tính từ năm 2003, mỗi năm có 200 GV dạy TKT ra trường. Trong khi cả nước cần thêm ít nhất 200.000 GV dạy TKT mới đủ nhu cầu thực tế của xã hội. Do đó sẽ còn rất lâu nữa mới đạt được con số này. Hiện nay, vẫn còn khoảng 700.000 TKT chưa từng được đến trường và 32,99% TKT bỏ học. Thiên đường mơ ước Khuynh hướng giáo dục hiện đại đối với TKT nhắm đến mục tiêu đưa TKT hội nhập với trẻ bình thường để phát triển một cách tốt nhất. Nhưng đưa TKT ở các TCB hội nhập không phải là điều đơn giản. Theo cô Võ Thị Thùy, nguyên Hiệu trưởng TCB Hướng Dương (Bành Văn Trân, Q.Tân Bình, TP.HCM): Khác biệt dễ thấy của trẻ bị bệnh não là tuổi sinh học và tuổi trí tuệ thường có sự chênh lệch rõ rệt. Có em 14 tuổi, nhưng tuổi trí tuệ tương đương một em bé lên ba. Năng lực tư duy của các em cũng không đồng nhất. Có em trình độ môn toán lớp 3, nhưng trình độ tiếng Việt chỉ mới lớp 1. Chính vì vậy, ông Phạm Tuấn, Hiệu trưởng TCB Q.10, khẳng định: thành công lớn của TCB Q.10 trong hai năm qua là đã đưa được... ba trẻ hòa nhập vào các trường tiểu học bình thường. Sau hai lần đạt danh hiệu lá cờ đầu trong ngành giáo dục chuyên biệt của Thành phố (2006 và 2009), năm nay, TCB Bình Minh (Q.Tân Phú) là một trong những ứng viên được ngành GD TP đề nghị Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng III. Một trong những lý do chính là sự tích cực mở lối ra cho TKT. Trường Bình Minh xác định hội nhập là mục tiêu nhưng không phải duy nhất. Cô Lê Thị Dung - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện trường đang triển khai việc học nghề cho những TKT khó có khả năng hội nhập. Các em sẽ được học những nghề mang tính dịch vụ, gia công như: lau chùi, thêu, may, kết cườm… Từ 10 lớp với 87 HS ban đầu (năm 2001), đến nay trường Bình Minh có 19 lớp với 17 GV là cử nhân ngành tật học, 17 GV khác đang hoàn chỉnh chương trình cử nhân giáo dục đặc biệt. Năm học này, ngoài việc được Úc tài trợ một xe 34 chỗ (875 triệu đồng) để phục vụ HS, và xây mới một cơ sở (3,5 tỷ đồng), trường còn được ngân sách hỗ trợ hoạt động ba tỷ đồng. Học phí thấp, HS lại được học thêm nghề, điều kiện cơ sở vật chất, GV đủ chuẩn và an tâm công tác khiến Bình Minh trở thành “thiên đường mơ ước” không chỉ của phụ huynh mà còn của chính các GV TCB công lập khác. Nhưng ngôi trường này cũng chỉ có khả năng nhận 194 em từ ba tuổi (với những trường hợp phải can thiệp sớm) và 18 tuổi nếu bị chậm phát triển trí tuệ, down, bại não và tự kỷ trong địa bàn Q.Tân Phú. Trường… “tự cứu” Không có nhiều trường như Bình Minh và cũng không đủ thầy cô để nhận thêm TKT, nhưng nhu cầu thì rất lớn, vì vậy, gần đây đã xuất hiện một nhóm TCB tư thục dạng… “tự cứu”. Các chủ trường chính là những phụ huynh không tìm được trường cho con, đành đứng ra mở trường, trước tiên là để… cứu con mình. TCB Tuổi Ngọc (Q.Bình Thạnh), TCB Anh Vương (Q.Tân Bình), TCB Khai Trí (Q.Bình Thạnh)… là những trường như vậy. Một tiết học tại trường Chuyên biệt Khai Trí Chủ trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí vì hai đứa con bị bệnh, đã xây dựng hệ thống cơ sở vật chất hiện đại với diện tích 3.000m², gồm 12 phòng học trang bị đầy đủ phương tiện phục vụ cho việc học tập và sinh hoạt. Một sân chơi rộng hơn 1.500m² rợp bóng mát, đầy đủ đồ chơi và đồ dùng cho trẻ hoạt động ngoài trời. Một hồ tắm phun nước trị liệu an toàn. Ngoài việc thực hiện theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT, nhà trường còn vận dụng hiệu quả các phương pháp tiên tiến nhất trên thế giới như ABA, TEACCH, FLOORTIME, RDI… cho từng trẻ. Chỉ riêng tiền thuê mặt bằng, TS-BS Huỳnh Tấn Mẫm - chủ trường Khai Trí phải mất 7.000 USD/tháng! Trong khi ngành giáo dục TP chưa có khả năng “phủ kín” TCB ở khắp 24 quận huyện, cá nhân phải đầu tư quá lớn mà khả năng… “dẹp trường” không nhỏ, nhiều chủ trường đang kiến nghị TP nên hỗ trợ một phần kinh phí (tính trên đầu học sinh, như ngành LĐ-TB-XH hỗ trợ kinh phí dạy nghề) cho các TCB tư thục. Thiết nghĩ đây là một kiến nghị hợp lý cần được các cơ quan chức năng lưu tâm. Nguyễn Thiện

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2010/Pages/do-mat-tim-truong-chuyen-biet.aspx