Đìu hiu làng nghề chổi bông cỏ duy nhất ở Sài Gòn

Ra đời từ thập niên 60 của thế kỷ trước, làng nghề chổi bông cỏ ở khu vực đường Phạm Văn Chí (quận 6, TP.HCM) giờ đây đã không còn hưng thịnh khiến nhiều người cảm thấy tiếc nuối.

Theo những bậc cao niên ở làng nghề, các hộ làm chổi ở đây đa phần từ miền Trung, đặc biệt là các xã Phổ Phong, Phổ Thuận (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) vào lập nghiệp.

Đầu thập niên 1990, sản phẩm chổi đót của làng nghề 'xuất ngoại' đến Đài Loan, Singapore, Indonesia, Campuchia nhưng giờ thị trường này teo tóp dần, khách hàng nước ngoài đã chuyển sang chọn hàng Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan... vì giá thành rẻ hơn và chất lượng cao.

Nếu như trước đây, sản phẩm của làng chổi bông cỏ quận 6 đổ về chợ Bình Tiên và đủ sức cung cấp hàng cho các tỉnh từ Khánh Hòa đổ về tới tận Cà Mau thì nay nhiều hộ đành bỏ nghề vì cạnh tranh không nổi với chổi của người dân miền Trung.

Theo anh Đoàn Văn Thuận, chủ một cơ sở làm chổi bông cỏ, ở đường Phạm Văn Chí (phường 8, quận 6), hiện nay các ngành thủ công có nguy cơ ngày càng bị thu hẹp vì số hộ đủ sức theo nghề không còn nhiều.

“Ở thành phố kiếm thợ làm chổi khó, nguyên liệu phải mua qua trung gian nên cây chổi làm ra phải cạnh tranh về giá nên chỉ lời ít. Hiện nay việc làm chổi càng ngày càng khó hơn, số nhà làm chổi ngày càng teo tóp. Bông chổi giá ngày càng cao”, anh Thuận giãi bày.

Thực tế cho thấy, những năm trước đây địa phương nào có làng nghề thì mức sống của người dân nơi đó thường khá hơn. Thế nhưng, hiện nay do việc tiêu thụ sản phẩm thủ công ngày càng khó khăn, trong khi chi phí sản xuất, giá nguyên liệu đầu vào lại tăng cao nên người dân luôn có xu hướng bỏ nghề truyền thống, chuyển sang các nghề khác.

Ông Dương Huỳnh Nhân, Phó Chủ tịch phường 4, quận 6 cho biết, hiện nay còn hơn 20 hộ bám trụ với nghề làm chổi, sống rải rác trong khu vực chứ không tập trung như trước nữa.

“Phường luôn tạo điều kiện cho các hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp duy trì ngành nghề bằng cách hỗ trợ vay vốn tùy theo khả năng, quy mô sản xuất của mỗi hộ theo quy định”, ông Nhân nói.

Trước đây ở xung quanh khu vực phường 6,7,8 thì đa số các gia đình đều theo nghề làm chổi. Nghề làm chổi bông cỏ cũng như chổi lông gà do bà con xóm chổi Sài Gòn làm hoàn toàn thủ công nên khá bền và chắc chắn, so với chổi mang vào từ miền Trung mặc dù đắt hơn vài giá nhưng độ bền cao hơn nhiều.

Trước đây ở xung quanh khu vực phường 6,7,8 thì đa số các gia đình đều theo nghề làm chổi. Nghề làm chổi bông cỏ cũng như chổi lông gà do bà con xóm chổi Sài Gòn làm hoàn toàn thủ công nên khá bền và chắc chắn, so với chổi mang vào từ miền Trung mặc dù đắt hơn vài giá nhưng độ bền cao hơn nhiều.

Chổi cải tiến chỉ tận dụng sự mềm mịn của bông cỏ, phía thân thay thế bằng thân cây tre (hoặc nhựa) nhỏ gọn, nhẹ, được bọc nhựa từ đầu cho tới phần bông cỏ. Phần đầu quét được quấn chặt và gia cố kỹ hơn. Loại chổi này vừa bền và nhẹ.

Chổi làm bằng cọng bông hoa còn non của cây đót hay sậy thường mọc dại ở rừng, đồi núi và các cánh đồng hoang.

Cây đót có tên khoa học là thysanolaenna thuộc loại cây mía, thân cây cao tới hai thước và trên có bông gồm nhiều cọng nhỏ, dài chụm lại với nhau. Khi bông còn non, xanh và chưa nở hoa thì người ta cắt về phơi khô làm chổi gọi là chổi đót.

Làm chổi có nhiều công đoạn như: tước lá, bó lá, quấn kẽm… công đoạn bó lá, quấn kẽm cần nhiều sức lực nhất nên thường là đàn ông phụ trách. Bà Nguyễn Ngọc Anh (một thợ làm chổi) cho biết: “Khâu quấn kẽm quyết định độ bền của cây chổi nên công đoạn này phải có sức khỏe mới làm được, thường thì cánh đàn ông với những người có sức khỏe dẻo dai và kinh nghiệm làm. Nếu cây chổi mau hư mình bị mất uy tín”.

“Bây giờ đồ nhựa, đồ sợi bông hóa học bán đầy đường mà giá lại rất rẻ. Thời buổi này ít có ai chịu bỏ thời gian đi tìm mua một cái chổi tốt, cứ ra chợ mua đại về xài khi nào hỏng thì mua cái mới. Vì thế làm chổi thủ công, nói là giữ nghề gia truyền nhưng khó sống lắm”, một thợ làm chổi chia sẻ.

Tỉ mỉ với từng công đoạn.

Thành phẩm là những cây chổi bông cỏ như thế này.

Hữu Huy

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/diu-hiu-lang-nghe-choi-bong-co-duy-nhat-o-sai-gon-917906.tpo