Định hướng công nghiệp hóa có còn hợp thời?

(TuanVietNam)- Thực trạng kinh tế Việt Nam hiện nay phát đi tín hiệu cần phải nhận thức đúng về định hướng nền kinh tế theo quy luật khách quan của nó, không thể chủ quan duy ý chí.

Định hướng kinh tế không phải là tỷ lệ tăng trưởng Định hướng của nền kinh tế là sự xác định phương hướng vận động phát triển của một phương thức sản xuất hay của một mô hình kinh tế. Định hướng như vậy rất quan trọng trong thời kì quá độ, vì định hướng ấy đúng hay sai sẽ thúc đẩy hay kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế theo quy luật trong một thời kì lịch sử nhất định. Sự phát triển của một mô hình kinh tế phụ thuộc vào tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Vì vậy định hướng nền kinh tế, trước hết là định hướng phát triển của lực lượng sản xuất, chứ không phải là tỷ lệ tăng trưởng số lượng hàng năm bằng bất cứ giá nào. Muốn định hướng nền kinh tế, cần phải nhận rõ sự kết hợp giữa hai yếu tố: trình độ phát triển lực lượng sản xuất trong nước và trình độ phát triển lực lượng sản xuất trong nền kinh tế thị trường các nước phát triển nhất trên thế giới. Định hướng nền kinh tế có ý nghĩa như bắc một nhịp cầu thu hút những thành tựu về lực lượng sản xuất và kinh tế ở các nước phát triển để nhanh chóng nâng cao trình độ phát triển lực lượng sản xuất trong nước, tạo nền móng chế độ mới. Đó là cơ sở để đổi mới quan hệ sản xuất và thể chế quản lý nhà nước. Nhận thức định hướng nền kinh tế như vậy, hoàn toàn khác với nhận thức định hướng kinh tế chỉ là định hướng chính trị. Một đằng là quan niệm “cơ sở kinh tế quyết định thượng tầng chính trị và sự tác động của chính trị thúc đẩy kinh tế” theo duy vật lịch sử. Một đằng là quan niệm “chính trị quyết định kinh tế” một cách chủ quan, không tính đến thực trạng kinh tế trước mắt của dân tộc và thời đại. Đây là quan niệm sai lầm của tất cả các nước từng được gọi là xã hội chủ nghĩa, đã đưa đến sự sụp đổ toàn bộ hệ thống. Mô hình công nghiệp hóa Việt Nam Cần lưu ý rằng, định hướng nền kinh tế là để xây dựng nền móng về kinh tế - xã hội của chế độ mới, dưới hình thức một mô hình kinh tế dựa vào tiềm lực và lợi thế so sánh của đất nước, gắn liền với sự tiếp nhận những thành tựu mới của các nước phát triển về khoa học và công nghệ, về giáo dục và đào tạo, về tổ chức và hoạt động quản lý. Thực trạng cho thấy mô hình công nghiệp hóa hiện nay của Việt Nam hoàn toàn không phù hợp với yêu cầu xây dựng nền móng của chế độ mới, với xu thế thời đại hiện nay. Thực ra, đó chỉ là sự sao chép, bắt chước một mô hình đã lỗi thời từ cuối thế kỉ 20. Sự thất bại của nhiều nước theo mô hình này ở Mỹ Latin, châu Phi, châu Á cho thấy sự lỗi thời đó. Ở những nước này, thất bại về kinh tế đã dẫn đến những biến động về chính trị. Sự lỗi thời của mô hình này là chỉ dựa vào khía thác tài nguyên và nguồn lao động rẻ để thu hút đầu tư nước ngoài và dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng kinh tế, vì vậy đã để lại những hậu quả nặng nề về xã hội và môi trường. Cơ sở cho một mô hình mới Thực trạng ấy diễn ra trong điều kiện “định hướng xã hội chủ nghĩa” là một nghịch lý, một mâu thuẫn về kinh tế và chính trị cần được giải quyết dựa trên các cơ sở sau đây: Nhận thức đúng và tiếp cận cho được những ưu thế của thời đại hiện nay để định hướng chiến lược cho nền kinh tế Việt Nam. Khi kinh tế thị trường thế giới từ giai đoạn kinh tế công nghiệp chuyển sang giai đoạn kinh tế tri thức đã mở ra con đường phát triển rút ngắn cho các dân tộc lạc hậu như nước ta. Con đường phát triển rút ngắn ấy thể hiện rõ ở ba biến đổi cơ bản về chất lượng phát triển trong mấy thập kỉ đầu của thế kỷ 21, mà Việt Nam cần vận dụng. Thứ nhất, kinh tế thị trường thay đổi định hướng phát triển. Hiện nay, kinh tế thị trường từ hướng phát triển phiến diện, chỉ nhằm tăng của cải (chủ yếu cho chủ đầu tư) chuyển sang hướng phát triển bền vững. Đây là sự tay đổi mô hình phát triển, do những cuộc khủng hoảng về kinh tế, xã hội và tàn phá môi trường ở mức độ nghiêm trọng. Các cuộc đấu trnah cho tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường ở phạm vi thế giới đã tạo ra sức ép thay đổi mô hình phát triển ở tất cả các nước. Việt Nam cũng đứng trước sức ép trong nước và thế giới về thay đổi mô hình. Nếu không thay đổi thì ngay thành tựu tăng trưởng số lượng cũng sẽ giảm dần, trong khi dân số tăng lên, vấn đề xã hội và môi trường sẽ trầm trọng hơn. Định hướng kinh tế thị trường phải gắn với xác định mô hình kinh tế theo xu hướng thời đại: định hướng phát triển bền vững, tức là “tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường” như đã nêu trong văn kiện nhưng đã không thực hiện được với sự phát triển đồng thuận ở ba lĩnh vực. Xu hướng này nảy sinh tren cơ sở sự ra đời và lớn mạnh của kinh tế tri thức. Vì vậy, muốn đi theo định hướng phát triển bền vững nền kinh tế, tất yếu phải sớm xây dựng nền kinh tế tri thức. Mức độ trưởng thành của kinh tế tri thức là điều kiện bảo đảm cho mức độ phát triển bền vững. Cả hai mặt đó đồng thời phát triển sẽ làm cho mục tiêu chính trị ngày càng hiện thực và có sức hấp dẫn. Thứ hai, xu hướng mới trong phát triển khoa học và công nghệ. Đi đôi với thay đổi định hướng trong kinh tế thì trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cũng chuyển hướng từ phục vụ mục đích tăng của cải cho một số người giàu có, dẫn đến sự tàn phá môi trường và nhiều vấn nạn xã hội, chuyển sang hướng tạo điều kiện cho sự phát triển đồng thuận về kinh tế, xã hội và môi trường. Sự chuyển hướng này của khoa học và công nghệ phát sinh từ xu hướng thâm nhập vào nhau giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội (kể cả tri thức, phương pháp và hướng sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ). Trong thế kỉ 20, một số nhà khoa học danh tiếng đã nói đến xu huống này, như A.Einstein: “Ở thời đại chúng ta, các đại diện của khoa học tự nhiên và giới kĩ sư phải chịu trách nhiệm đặc biệt lớn”. Ông còn nêu phương hướng: một nhà vật lý đồng thời phải là một nhà triết học, và nên thành lập “Hiệp hội vì trách nhiệm xã hội trong khoa học” Trước đó, từ thế kỉ 19, khi nghiên cứu bản chất kinh tế thị trường dưới hình thái tư bản chủ nghĩa, C.Mác cũng đã dự báo: Sau này khoa học tự nhiên và khoa học xã hội sẽ thâm nhập vào nhau, hình thành một khoa học – khoc học về con người. Vì vậy, quan niệm “quá độ lên chủ nghĩa xã hội” mà không nắm vững sự chuyển hướng kinh tế thị trường và xu hướng mới trong khoa học và công nghệ thì thực chất vẫn là quan niệm “chủ nghĩa xã hội không tưởng” rất có hại cho đời sống cộng đồng và tương lai của dân tộc. Thứ ba, xu hướng mới trong giáo dục, đào tạo đầu thế kỉ 21 Xu hướng mới trong giáo dục, đào tạo phát sinh từ những biến đổi cơ bản về kinh tế và về khoa học và công nghệ. Ba biến đổi này là một hệ thống tạo ra nền kinh tế mới, nền khoa học mới, nền giáo dục mới quyết định cơ cấu và động lực của mô hình phát triển mới. Nhiều hội nghị thế giới đã nêu lên nhữn vấn đề chuyển hướng giáo dục, đào tạo từ 10 năm nay, có thể rút ra những nội dung quan trọng của chuyển hướng giáo dục, nhất là giáo dục đại học là nơi trực tiếp tạo nguồn cho kinh tế tri thức và định hướng phát triển bền vững. - Nền giáo dục mới phải đào tạo ra những con người có quan hệ thân thiện giữa con người với con người và giữa con người với thế giới tự nhiên. - Nền giáo dục mới vừa có chức năn vun trồng tài năng, vừa có chức năng phát hiện, thức tỉnh tài năng, tạo nguồn lực lượng lao động tri thức trên các lĩnh vực. - Giáo dục đại học là công cụ cơ bản để đối đầu thành công với các thử thách của thế giới hiện đại và để đào tạo những công dân có khả năng xây dựng một xã hội công bằng, tôn trọng quyền con người, cùng chia sẻ sự hiểu biết và thông tin (UNESCO). Nghiên cứu và xử lý tốt những đặc điểm về địa kinh tế và địa chính trị nước ta hiện nay trong chuyển đổi mô hình kinh tế theo định hướng mới. Muốn chuyển đổi thành công mô hình kinh tế theo định hướng mới, các nhà soạn thảo và lãnh đạo phải nhận rõ những đặc điểm về địa kinh tế và địa chính trị nước ta ở giai đoạn hiện nay và biết xử lý một cách khôn ngoan. Trong đó có những đặc điểm rất quan trọng sau đây ảnh hưởng đến triển vọng phát triển mô hình kinh tế. - Vấn đề nông nghiệp, nông thôn trong phát triển kinh tế thị trường hiện nay ở nước ta. Một mặt sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang tạo ra nguy cơ lớn ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp nhiều, cư dân sinh sống ra sao? Mặt khác nguy cơ nước sông Mê Công bị các đập thủy điện Trung Quốc ở đầu nguồn hút hết với những hậu quả khôn lường (thiếu nước trồng trọt, bị nước biển lấn và phèn hóa đất đai) về kinh tế và môi trường đối với các nước ở hạ lưu , đặc biệt là Việt Nam và Campuchia. Các nhà nghiên cứu quốc tế cho rằng: đồng bằng sông Cửu Long đang trở thành “một trận địa môi sinh” khố liệt nhất, do Trung Quốc xây dựng 8 đập thủy điện ở thượng nguồn mà cơ quan bảo vệ môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Viện công nghệ Châu Á (AIT) đã công khai cảnh báo. - Nước ta còn phải chú ý tới “báo động nạn đói trên thế giới” do đất trồng trọt ở các nước đang phát triển bị thu hẹp nhanh chóng, sự khan hiếm nguồn nước, nạn hạn hán nghiêm trọng luôn xảy ra, trong khi nhu cầu lương thực tăng lên do dân số tăng và chế độ ăn uống thay đổi. Người ta đang đặt vấn đề phải “đưa nông nghiệp trở lại ưu tiên hàng đầu” trong phát triển kinh tế xã hội. - Khi lương thực đang trở thành một thứ “dầu mỏ” mới thì nảy sinh khuynh hướng các nhà đầu tư nước ngoài ra sức vơ vét đất nông nghiệp. người ta gọi khuynh hướng này là chủ nghĩa thực dân mới, nhất là ở châu Phi và châu Á. Sự kết hợp hai yếu tố: dân số tăng, đất nông nghiệp khan hiếm làm cho kinh doanh sản xuất lương thực được coi là đầu tư an toàn, với lợi nhuận rất cao. Chủ nghĩa thực dân mới cho rằng: “cái đói” chính là “nghề” làm ăn của họ. Các ông chủ nước ngoài đầu tư đất, ra sức quay vòng đất đai của họ ở quy mô công nghiệp. Sau vài ba năm đất bị vắt kiệt, nhà đầu tư sẽ “rũ áo” ra đi. Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng: các nhà đầu tư kiểu này rất thích một chính phủ yếu kém. Nhiều chính phủ không biết mình còn quản lý bao nhiêu đất đai, mặc cho các tỉnh trưởng cho thuê đất và được coi là biết thu hút đầu tư nước ngoài. - Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội đang là điểm yếu trong chuyển đổi mô hình kinh tế nước ta. Nhu cầu nguồn nhân lực có tay nghề ngày càng trở nên cấp bách. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước lại coi đây là cơ hội làm giàu, đua nhau thành lập trường đại học, cao đẳng mà không tính đến những điều kiện mà quyết định của Thủ tướng chính phủ đã quy định (về vốn đầu tư, về diện tích trường sở, số lượng giảng viên, trình độ giảng viên…) mà vẫn được chính quyền địa phương chấp thuận. Thông tin từ đài Australia cho rằng: “Muốn làm giàu ở Việt Nam thì mở trường đại học, cao đẳng là nhanh và an toàn nhất, lại được xã hội trọng vọng”, mở trường đại học được siêu lợi luận và dễ hơn lập công ty. Vì vậy, nhà nước cần trả lời câu hỏi: Khi lĩnh vực giáo dục và đào tạo như vậy thì liệu có thể chuyển đổi mô hình kinh tế được không? - Vấn đề các dự án khai thác khoáng sản nói chung đang là vấn đề nóng ảnh hưởng rất xấu đến môi trường, do khối lượng bùn đỏ thải ra rất lớn và nhu cầu khối lượng nước cho truyền quặng quá lớn đều làm hại đến môi trường. Vấn đề môi trường còn nghiêm trọng hơn do tác động của chính sách Trung Quốc giảm bớt những gì sản xuất trong nước gây ô nhiễm, chuyển những tác hại môi trường qua những dự án đầu tư ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam. - Vị trí và vai trò tổ chức kinh tế nhà nước trong mô hình mới cần được nghiên cứu và nhận thức đúng, nếu không chính nó sẽ cản trở sự phát triển kinh tế thị trường. Hiện nay, quy mô vốn của các tập đoàn, công ty nhà nước không ngừng tăng nhưng trình độ công nghệ và tổ chức quản lý còn thấp kém. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của quốc hội Phùng Quốc Hiến thì một đồng vốn bỏ ra cho kinh tế nhà nước, chỉ thu về chưa đầy một đồng doanh số, nên cần giám sát xem tăng vốn nhờ trích từ lợi nhuận hay do bán tài sản nhà nước. Một trong những nguyên nhân yếu kém của kinh tế nhà nước là tổ chức và quản lý lạc hậu, nên doanh nghiệp thua lỗ liên tiếp nhiều năm không có ai bị cách chức. Vấn đề tổ chức ra Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), do Bộ trưởng, Thứ trưởng tham gia hội đồng quản trị cũng không phù hợp với kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền. Mô hình kinh tế mới không thể hình thành khi các cấp quản lý chưa đoạn tuyệt với dư tuy kinh tế chính trị cũ rích không phù hợp với mối quan hệ giữa kinh tế thị trường với định hướng phát triển bền vững. GS Trần Ngọc Hiên – Học viện Chính trị Quốc gia HCM. (Lược trích bản báo cáo đã trình bày tại Hội thảo “Mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên CNXH của Việt Nam: Cơ sở lý luận và thực tiễn”.)

Nguồn TuanVietNam: http://tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/8100/index.aspx