Điều trị buồng trứng đa nang

(AloBacsi) - Em lấy chồng 2 năm chưa có em bé. BS kết luận em bị buồng trứng đa nang và cho điều trị kích thích buồng trứng nhưng không thành công.

Em đã đi khám tại phòng khám tư nhân ở TP. Thanh Hóa và ở BV Phụ sản Trung ương nhưng kết quả khám ở hai nơi khác nhau:

- Phòng khám Thanh Hóa: kết luận bệnh buồng trứng đa nang và cho điều trị kích thích buồng trứng bằng Clomiphene và Puregon nhưng không thành công

- BV phụ sản trung ương: siêu âm và xét nghiệm nội tiết, không kết luận bệnh và kê cho hai loại thuốc Valiera 15 viên và Ovuclon 10 viên. Vậy có phải em bị bệnh buồng trứng đa nang hay không, và việc điều trị bằng phương pháp kích thích buồng trứng có hiệu quả không với cân nặng như hiện nay 70kg/1.6m.

Cảm ơn BS! (L. Thị Ngân - p.tuphap...@gmail.com)

BS Nguyễn Vỹ:

Bạn Ngân thân mến,

Trong thư bạn chỉ đưa ra kết quả khám bệnh và toa thuốc điều trị của 2 nơi bạn khám, nên AloBacsi không đủ thông tin để xác định bệnh của bạn được. Tuy nhiên, AloBacsi đưa ra một số thông tin về hội chứng buồng trứng đa nang để bạn tham khảo xem có phải mình đang ở trong tình trạng bệnh này không nhé.

Nguyên nhân của hội chứng buồng trứng đa nang cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa xác định, nhưng có thể là do sự phối hợp của nhiều yếu tố liên quan. Hội chứng buồng trứng đa nang bao gồm kết hợp một nhóm các rối loạn biểu hiện về lâm sàng (béo phì, thiểu kinh hoặc vô kinh, rậm lông), về cận lâm sàng (tăng nồng độ nội tiết tố LH, androgen), và siêu âm (buồng trứng đa nang)

Các tiêu chuẩn để nhận biết hội chứng buồng trứng đa nang:

1. Tiêu chuẩn 1: Kinh thưa hoặc vô kinh

- Chu kỳ kinh > 35 ngày.

- Vô kinh > 6 tháng.

2. Tiêu chuẩn 2: Cường androgen với biểu hiện rậm lông và mụn trứng cá

3. Tiêu chuẩn 3: Buồng trứng đa nang trên siêu âm.

Chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang là khi có ít nhất 2 trong 3 tiêu chuẩn trên.

Về điều trị:

Hội chứng buồng trứng đa nang là hội chứng phối hợp của nhiều rối loạn:

- Rối loạn rụng trứng như kinh nguyệt không đều, kinh thưa và vô kinh

- Rối loạn gây cường androgen máu như rậm lông, mọc râu…

Đặc biệt vô sinh là vấn đề làm đau đầu các BS điều trị và phụ nữ mắc hội chứng này. Vì vậy tùy theo mục đích mà ta có cách điều trị khác nhau.

Nguyên tắc chung cho điều trị đối với hội chứng buồng trứng đa nang là làm rụng trứng trở lại; cách thực hiện có khác nhau tùy theo việc bệnh nhân muốn có thai hay không. Những phụ nữ chưa muốn có con mà muốn có tình trạng kinh đều thì sẽ được khuyến cáo dùng thuốc ngừa thai. Thuốc ngừa thai sẽ giúp giảm nồng độ nội tiết tố nam, giảm mụn trứng cá.

Những phụ nữ muốn có thai sẽ được điều trị theo các bước:

- Dùng thuốc kích thích buồng trứng để gây phóng noãn. Trong quá trình dùng thuốc, bác sĩ sẽ theo dõi sự phát triển nang noãn bằng đầu dò âm đạo hoặc que thử phóng noãn (thử nước tiểu). Bệnh nhân cần giao hợp quanh những ngày nghi ngờ có phóng noãn.

- Nội soi đốt điểm buồng trứng là điều trị lựa chọn kế tiếp để kích thích phóng noãn sau khi thất bại với thuốc kích thích buồng trứng. Bác sĩ cắt bỏ một phần hoặc chọc thủng vài vị trí bề mặt buồng trứng để giải phóng các nang noãn. Các nang bị phá này sẽ làm thay đổi nội tiết, giúp các thuốc kích thích phóng noãn có tác dụng hơn, đồng thời các nang khác có cơ hội lách vào những khoảng trống vừa tạo ra để to lên và vỡ ra ngoài.

Nếu bệnh nhân vẫn không phóng noãn tự nhiên sau phẫu thuật nội soi đốt điểm buồng trứng, sẽ được điều trị lại với Clomiphene citrate (thuốc này bạn đã điều trị). Buồng trứng lúc này sẽ nhạy hơn với Clomiphene citrate, tỉ lệ phóng noãn có thể đạt đến 90%.

Không có thai, mặc dù có phóng noãn: Sau 12 tháng theo dõi, nếu bệnh nhân có phóng noãn mà vẫn không có thai, nên lựa chọn điều trị khác: thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Chúc bạn điều trị thành công!

BS Nguyễn Vỹ
BV phụ sản quốc tế Sài Gòn

Nguồn Alobacsi: http://alobacsi.vn/20120616035811598p0c336/iieu-tri-buong-trung-da-nang.htm