Điều kinh ngạc về rùa biển Ninh Thuận khiến bạn sửng sốt

Hằng năm khi nhiệt độ ấm dần lên và các cơn mưa bắt đầu nặng hạt cũng là lúc rùa biển quay trở về nơi nó từng sinh ra để đào hố đẻ trứng.

Mời các bạn xem trailer của chương trình:

Với diện tích tự nhiên gần 30.000 ha, Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận là một khu bảo tồn thiên nhiên đặc biệt. Trong đó, đường bờ biển dài đến 57 km với những bãi cỏ biển và những quần thể san hô rộng lớn, đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Trước đây, số lượng rùa biển về sinh sản tại vườn quốc gia khá nhiều, nhưng hiện nay, con số này đang ở mức báo động. Một phần do khí hậu quá khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài khiến rùa từ bỏ việc sinh sản khi vào đến đất liền và phần nhiều do bị đánh bắt trong quá trình trở về tìm nơi sinh sản.

 Số lượng rùa biển ngày một giảm sút đáng lo ngại.

Số lượng rùa biển ngày một giảm sút đáng lo ngại.

Tại Việt Nam, có 5/7 loài rùa biển đang tồn tại đứng trước nguy cơ tuyệt chủng bởi sự khai thác của con người. Trước tình trạng này, để bảo vệ rùa vào mùa sinh sản, năm 2004 dự án bảo vệ rùa biển tại Vườn quốc gia Núi Chúa được triển khai bởi Quỹ Bảo vệ thiên nhiên Quốc tế (WWF) Nhật Bản và chương trình Đông Dương. Việc thực hiện bảo tồn tập trung vào các bãi Móng Tay, bãi Ngang và bãi Thịt có chiều dài bờ biển 3,1 km.

Những chú rùa con mới nở được thả ra đại dương.

Trách nhiệm bảo vệ rùa biển giờ đây không chỉ còn là của những người dân ở vùng biển có rùa về sinh sản mà còn là trách nhiệm của tất cả mọi người. Đã có nhiều chương trình giáo dục, tìm hiểu thiên nhiên được tổ chức không chỉ tại Vườn quốc gia mà còn ở rất nhiều nơi trong cả nước.

Các em nhỏ có cơ hội được tiếp cận trực tiếp với rùa biển trong các giờ học thực hành.

Từ TP HCM , hàng trăm em nhỏ đã được bố mẹ đăng ký để đến Vườn quốc gia Núi Chúa để được một lần tận mắt nhìn thấy những chú rùa con và tự tay mình thả những chú rùa ấy về với biển khơi. Việc giúp những chú rùa con trở về với biển cả bằng những đôi bàn tay nhỏ bé này, không chắc sẽ giúp rùa sống sót khi sống trong tự nhiên, nhưng đã đánh thức được ý thức biết yêu quý thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên trong mỗi đứa trẻ.

Học cách bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ những loài động vật hoang dã, giờ đây, có lẽ không nên dừng lại ở những bài học trên lớp mà còn là những chuyến đi thực tế như thế này để các em được đến gần hơn với thiên nhiên, được trải nghiệm thực tế đồng thời tăng sự hiểu biết.

Quỳnh Nguyễn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/truyen-hinh/dieu-kinh-ngac-ve-rua-bien-ninh-thuan-khien-ban-sung-sot-595758.html