Diễn viên Đinh Y Nhung: “Tôi không thích bon chen”

PNCN - Xinh đẹp, dịu dàng, khiêm tốn… là những cảm nhận chung của hầu hết những ai từng gặp Đinh Y Nhung. Tiếp bước những đàn chị nổi tiếng như ca sĩ Măng Thị Hội, nghệ sĩ múa Xuân Va…, “nhánh lan rừng” Đinh Y Nhung cũng mang vẻ đẹp và tài năng của người phụ nữ dân tộc H’Rê từ vùng núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) về nơi phố thị.

Cao 1,68m, cộng với một chút ngây thơ “hoang dại” ẩn hiện trong đôi mắt, Đinh Y Nhung đã được cuộc thi Tìm kiếm người đẹp thời trang năm 1999 trao giải Gương mặt đẹp nhất và được thử sức với một số phim truyền hình như Chuyện tình của mẹ, Đuốc sáng rừng đêm, Hạt bụi hạt đời ngay khi vừa bước qua tuổi 18. Nhưng chỉ những năm gần đây, Đinh Y Nhung mới thực sự trở thành một gương mặt đáng nhớ trên màn ảnh với những vai có số phận đặc biệt trong những phim như Nữ bác sĩ, Ngã rẽ, Xóm gà… và mới đây là Tư Nhâm trong Đường Hồ Chí Minh trên biển (40 tập, đang chiếu trên HTV9).

Bị mê hoặc bởi những nhân vật có số phận éo le

* Dư luận khá bất ngờ với việc Đinh Y Nhung xuất hiện trong một vai nặng ký như Tư Nhâm trong phim Đường Hồ Chí Minh trên biển. Điều gì đã cho chị sự tự tin khi thể hiện nhân vật này?

- Tư Nhâm là một cán bộ cách mạng hoạt động bí mật ở làng Cát thuộc một tỉnh ở miền Trung với “vỏ bọc” là thợ may. Tư Nhâm có chồng là chiến sĩ cách mạng của đoàn tàu không số. Qua thiếu tá Rạng, một sĩ quan chế độ cũ - cũng là bạn thời niên thiếu và đang theo đuổi mình, Tư Nhâm khai thác thông tin gửi về chiến khu. Đỉnh điểm bi kịch của cuộc đời Tư Nhâm là sau khi chứng kiến người chồng hy sinh trên chiếc tàu không số trước giờ đoàn tụ, người cán bộ này lại đứng trước nghịch cảnh phải mãi mãi xa con trong ngày giải phóng. Quả thật với tôi, đây là một vai khó. Tôi thuộc thế hệ được sinh ra trong hòa bình nên những cảm nhận về chiến tranh, về những cán bộ kháng chiến chỉ qua sách vở và những lời kể. Nhưng tôi cũng không quá lạ lẫm về họ, bởi Ba Tơ quê tôi vốn là miền đất anh hùng trong kháng chiến, nơi đã sản sinh và nuôi dưỡng những du kích, cán bộ cách mạng kiên trung. Chính ba mẹ tôi cũng trưởng thành trong môi trường này, từng là những học sinh miền Nam ra Bắc học tập và trở về đóng góp cho quê hương.

* Đóng vai diễn có số phận éo le suốt 40 tập, Đinh Y Nhung hẳn đã trải qua nhiều cung bậc của cảm xúc, cảnh diễn nào khiến chị ấn tượng nhất?

- Xúc động nhất là cảnh hai vợ chồng chuẩn bị gặp mặt nhau thì tàu nổ, chồng hy sinh. Bối cảnh để thu hình lúc ấy là ở bờ biển Long Hải (Bà Rịa-Vũng Tàu). Khi thấy chiếc tàu xuất hiện ngoài khơi, nhân vật vui sướng chạy ra chờ đón chồng rồi chứng kiến cảnh tàu bị nổ. Để khóc được, tôi phải nhớ lại hai kỷ niệm đau buồn đã trải qua, đó là ngày ba và mẹ tôi mất. Ngày ấy, từ TP.HCM bay về, tôi chỉ kịp kêu tiếng “ba”, tiếng “mẹ” rồi ngất xỉu. Nhớ đến ba mẹ, tôi khóc nức nở, lả đi, rồi gục xuống trước biển. Còn cảnh diễn khó nhất trong phim này là thời điểm gần giải phóng, Hai Rạng chuẩn bị hành lý đưa vợ con đi vượt biên. Tôi diễn cảnh này với anh Lý Hùng (vai Hai Rạng) và một cậu bé diễn viên (DV) nhí tám tuổi. Giữa lúc pháo nổ tứ bề, quân cách mạng tiến về thành phố, người cha lôi con đi, đứa con níu tay mẹ, mẹ giằng con lại, không cho đi. Cái khó là vừa nhập vai vừa phải nhớ lời thoại dài đến sáu trang giấy. Vì nói qua nói lại, giằng tới giằng lui mà tâm trạng nhân vật mỗi lúc một căng. Bao nhiêu cảm xúc được đẩy lên tận đỉnh nên diễn xong thân thể tôi rã rời. Cả hai cảnh trên, khi dứt máy, tôi đều nhận được những tràng vỗ tay khen ngợi và động viên của anh chị em trong đoàn phim.

* Thật ngạc nhiên, một người vốn hiền lành, vô tư, cuộc sống riêng lại êm đềm, lặng lẽ như Đinh Y Nhung lại thường xuất hiện trong vai phụ nữ có số phận bi đát trên màn ảnh?

- Những dạng vai như vậy thường “mê hoặc” tôi ngay từ khi mới đọc kịch bản, bởi tôi biết nhân vật càng có tâm lý phức tạp, càng có nhiều đất để mình khai thác; vai càng khó, càng tạo cơ hội thử thách chính mình. Tôi không “vô tư” như người ta nghĩ, mà cách sống hướng nội đã khiến tôi hay suy nghĩ về chuyện mình, chuyện đời. Tôi thích nghiền ngẫm những nhân vật có số phận bất hạnh, nghiền ngẫm để thẩm thấu, đến khi “ngấm” được họ thì khi đứng trước ống kính, tôi không diễn nữa mà là sống. Lúc ấy, tôi thấy mình chính là nhân vật.

* Phim chị đóng khá nhiều và gần như phủ sóng ở các đài, nhưng người xem có cảm giác như những vai diễn của Đinh Y Nhung thường chỉ có một màu… chị có cảm thấy như vậy không?

- Tôi hay nhận được những vai có tính cách hơi trầm, có cái gì đó buồn bên trong. Tôi thấy mình hợp với dạng vai này. Tất nhiên, tôi luôn nghiên cứu để vai diễn của mình không bị trùng lặp, nhưng những dạng vai nặng về nội tâm rất khó để làm cho nó khác màu. Thật ra, tôi cũng đã có nhiều vai quậy phá như trong các phim 39 độ yêu, Sóng gió cuộc đời, Phiên chợ số, Dốc sương mù…

Cái mà tôi phải đánh đổi chính là sự nỗ lực

* Một sinh viên trường múa mới ra trường, không có người thân, bạn bè ở TP.HCM, để có một “chỗ” trong làng giải trí như bây giờ, chắc hẳn Đinh Y Nhung đã phải đánh đổi nhiều thứ?

- Không biết ở vào hoàn cảnh như tôi, người ta phải đánh đổi những gì. Riêng tôi, cái mà tôi phải đánh đổi, đó là nỗ lực hết mình trong từng việc được giao. Khi ra Hà Nội học múa, trong đầu tôi chỉ mong sao học cho giỏi để trở về tiếp tục công tác tại Đoàn ca múa Quảng Ngãi, nơi đã đưa tôi đi học. Chuyện ở lại làm việc tại Hà Nội hoặc TP.HCM đối với tôi khi đó là chuyện quá xa vời. Nhưng chính những giải thưởng nho nhỏ ở các cuộc thi thời trang và hoa hậu đã mở ra cho tôi cơ hội, nhờ đó, tôi được người ta biết đến. Từ Hà Nội, tôi nhận được lời mời từ CLB Người mẫu Hoa học đường TP.HCM và tôi đã mạnh dạn quyết định vào thành phố với sự giúp đỡ của một chị là giám đốc một công ty quảng cáo. Chị giúp cho tôi chỗ ở, gửi gắm những nơi chị quen biết để tôi có việc làm. Để có tiền trang trải cuộc sống, tôi đã nhận không kể sô lớn sô nhỏ, ai kêu gì làm đó. Cũng may, số phận cho tôi gặp nhiều người tốt. Anh chủ nhiệm CLB biết những người từ tỉnh lẻ như tôi hầu hết đều khó khăn nên dành cho nhiều sô diễn; các người mẫu đàn chị đã chỉ dạy cho tôi từ cách mặc quần áo, chải tóc cho đến cách mang giày…

Đinh Y Nhung trong vai Tư Nhâm - phim Đường Hồ Chí Minh trên biển

* Và nghe đâu chị đã được đạo diễn (ĐD) Hồ Nhân “phát hiện” khi đang cầm cờ đi đầu trong một đoàn diễu hành?

- Tôi còn nhớ đó là một cuộc diễu hành được tổ chức trước Nhà hát TP, tôi mặc chiếc áo dài tím, cầm cờ đi đầu nhóm người mẫu. Ngay sau buổi “cầm cờ”, tôi được trợ lý của ĐD Hồ Nhân là anh Nguyễn Lê Minh (nay là ĐD) đến tìm gặp mời tôi đến thử vai cho bộ phim sắp làm là Chuyện tình của mẹ. Việc được giao vai chính trong bộ phim này khiến bản thân tôi cũng bất ngờ, vì trước đó, tôi chưa từng đóng phim. Vai diễn của tôi là một phụ nữ, từ tuổi 18 kéo dài đến tuổi trên 50. Khi casting, tôi nghe ĐD nhận xét rằng khả năng tôi còn hơi “yếu”, nhưng anh tin tôi sẽ làm được với sự trợ giúp, uốn nắn dần của anh. Thực ra, trong quá trình quay, tôi tự biết mình diễn chưa nổi, nhất là phải chuyển tải sự sâu sắc của nhân vật từ khi bắt đầu có con cho đến về sau.

* Không xuất thân từ trường lớp DV chính quy, nhờ đâu Đinh Y Nhung trụ được với điện ảnh trong suốt gần 10 năm qua?

- Từ nhỏ, tôi đã rất mê múa, ước ao lớn nhất là được sống với múa. Chính các giải thưởng về múa đã đưa tôi từ xã lên huyện, từ huyện lên tỉnh và từ tỉnh, tôi được chọn đi học múa chuyên nghiệp tại Trường Nghệ thuật Quân đội ở Hà Nội. Nhưng tôi vốn là người không ưa sự bon chen nên bước vào làng giải trí cũng không có tham vọng gì lớn lao, chỉ muốn có được một công việc đàng hoàng để có thể sống tự lập. Nhưng càng đi, tôi thấy mình bị cuốn theo dòng chảy một cách tự nhiên, không cưỡng lại được. Rồi từ sàn diễn thời trang, tôi được điện ảnh để mắt đến và từ đó tôi mê điện ảnh. Tôi đi casting 10 phim thì thường bị rớt đến tám, mỗi lần cast một phim là một bài học…

Tình yêu của tôi không nằm trong cặp phạm trù “Đạo diễn - Diễn viên”

* Mê điện ảnh có phải vì đã “mê” một ông chồng là ĐD điện ảnh? Công thức xưa cũ kiểu ĐD lấy DV của mình làm vợ có nằm trong trường hợp của DV Đinh Y Nhung và ĐD Lưu Huỳnh?

- Lần đầu tôi biết tới “anh Lưu” là khi tôi đi thu hình múa minh họa ca khúc Còn đó chút hồng phai cho album Mê khúc của ca sĩ Quang Dũng năm 2004. Anh đến chơi với người bạn của mình là Nguyễn Tranh, ĐD thực hiện hình ảnh cho album của Quang Dũng. Đến lúc đó tôi mới biết ĐD Lưu Huỳnh chính là… “ông này”, người mà tôi đã từng thấy mặt khi đi casting vai diễn trong phim Nửa hồn thương đau do anh tổ chức tuyển lựa DV trước đó. Buổi gặp mặt ban đầu đó không để lại gì đặc biệt trong tôi, chỉ thấy đây là một người ít nói, khó gần. Phải mất một năm, sau nhiều lần đi chơi chung cả nhóm, tình yêu của chúng tôi mới nảy sinh. Khi thương rồi, tôi lại thấy cái vẻ khó chịu, thiếu cởi mở của anh lại là điểm rất đáng yêu. Anh sống kín đáo, nghĩ nhiều hơn nói, không quảng giao nhưng rất chân thành. Trước khi “phải lòng” nhau, tôi chưa đóng phim nào của anh nên chuyện của chúng tôi không nằm trong phạm trù “ĐD - DV” như người ta thường nghĩ. Chúng tôi lấy nhau chỉ vì một lý do duy nhất, đó là tình yêu.

* Hình như trong ngày cưới, cô dâu Đinh Y Nhung và chú rể Lưu Huỳnh đã ẵm con đi chào họ hàng và quan khách? Khi đó chị không ngại dư luận vì đã “ăn cơm trước kẻng” sao?

- Con của chúng tôi khi ấy đã được một tuổi. Thật ra, chúng tôi đã định tổ chức trước đó, nhưng nhằm vào lúc anh Lưu Huỳnh đang tất tả ngược xuôi với phim Áo lụa Hà Đông cho kịp tiến độ nên mọi chuyện riêng tư đành phải gác lại. Tôi thật sự cũng không quá lo lắng về chuyện này bởi khi ấy, gia đình hai bên đều đã chấp thuận. Vì bụng tôi nhỏ nên ở bên ngoài không mấy ai biết. Có bầu hơn bảy tháng, tôi vẫn đi diễn thời trang, vẫn đóng phim.

* Có chồng là một ĐD tên tuổi để “dựa lưng”, chị có nghĩ đó là lý do để Đinh Y Nhung ngày càng có nhiều lời mời?

- Ông xã tôi không thích công luận nhòm ngó đến chuyện riêng tư nên đám cưới của chúng tôi ngày trước đã diễn ra âm thầm trong phạm vi gia đình và bạn bè thân thiết, giới làm nghề không mấy người biết. Trong cuộc sống, chồng tôi đúng là “cây tùng” vững chãi để tôi nương tựa, nhưng anh cũng là người rất tách bạch giữa quan hệ tình cảm và yêu cầu công việc. Ngay trong những phim anh làm ĐD, tôi cũng không mấy khi được đóng, vì anh thấy vai không phù hợp. Tất cả những phim tôi tham gia từ trước đến nay, đều phải qua quá trình thử vai. Cũng không thiếu những lần tôi đi casting mà không được chọn. Có những ĐD, khi quay gần hết phim mới phát hiện ra mối quan hệ của chúng tôi. Nhưng tôi nghĩ, ĐD nào cũng đặt lợi ích của phim mình lên trên hết, nếu có biết tôi là vợ anh Lưu Huỳnh thì họ cũng không dám liều lĩnh giao vai nếu thấy tôi thực sự không có khả năng.

Ảnh: Phùng Huy

* Anh “Lưu” có xem chị trên phim truyền hình, có thường có ý kiến khen chê?

- Không xem nhiều, nhưng thỉnh thoảng mở tivi, bất chợt thấy vợ, anh cũng dừng lại theo dõi và nếu được thì nói “ô kê”, có gì chưa được thì góp ý nên thế này nên thế nọ chứ không khen chê. Tôi luôn trân trọng những nhận xét của chồng.

* ĐD Lưu Huỳnh rất kín tiếng nên nhiều người tò mò không biết trong cuộc sống đời thường, anh là người thế nào? Những khi không làm phim, anh ấy làm gì?

- Những khi không làm phim, chồng tôi làm ở công ty về phim ảnh của một người bạn. Giờ giấc của anh thường là sáng đi tối về. Ngoài chuyện phim ảnh ra, ông xã tôi thích có cuộc sống tĩnh lặng với gia đình, không ưa thổ lộ chuyện riêng tư. Anh rất vui với việc chăm sóc đưa đón con mỗi ngày. Con gái Ivy của chúng tôi năm nay vào lớp 1, là cầu nối yêu thương của chúng tôi. Bé thường cười sung sướng mỗi khi nhìn thấy ba mẹ nắm tay nhau theo “lệnh” của bé. Tôi không mấy khi vào bếp vì công việc đóng phim bận rộn, chuyện cơm nước mỗi chiều cậy nhờ vào nhà bà nội của bé, dì ruột của ông xã. Vào cuối tuần, chúng tôi thường đưa nhau đi ăn tiệm, đi xem phim, đi dạo phố… Nói chung, một cuộc sống gia đình êm đềm như hiện nay là điều cả anh Lưu và tôi đều muốn được tận hưởng lâu dài.

* Sống lâu ở phố, có bao giờ chị nhớ về bản làng xa xôi của mình?

- Dù đi đâu, ở đâu, tôi cũng không bao giờ quên nơi mình được sinh ra. Đó là một ngôi làng miền sơn cước có phong cảnh tuyệt đẹp, được bao bọc bằng một dãy núi, có con suối quanh năm róc rách và được tô điểm bởi một rừng dã quỳ. Tôi lớn lên giữa màu vàng rực rỡ của hoa dã quỳ. Ba mẹ tôi giờ không còn nữa, nhưng năm nào tôi cũng về quê viếng mộ, thăm người thân và họ hàng. Quê tôi bây giờ thay đổi nhiều, đường sá, nhà cửa đã khá khang trang, nhộn nhịp, không còn hoang vu như xưa. Tôi tự hào với dòng máu H’Rê của mình, một dân tộc không đông, nhưng có nhiều phụ nữ đẹp và tài năng.

* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.

Cát Vũ (thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2011/Pages/dien-vien-dinh-y-nhung-toi-khong-thich-bon-chen.aspx