Diễn đàn Hưởng ứng Năm “an toàn giao thông” - Xử lý nghiêm vi phạm về an toàn giao thông

LTS: Tham gia góp ý kiến cho diễn đàn hưởng ứng năm “An toàn giao thông”, nhiều bạn đọc Báo SGGP đã nhấn mạnh giải pháp tuyên truyền giáo dục để người dân có ý thức về an toàn giao thông; tăng cường trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm.

Cần sửa luật để tăng tính răn đe

Nước ta là một trong những nước đứng đầu trên thế giới về tình hình tai nạn giao thông. Số người tử vong do tai nạn giao thông mỗi năm lên đến hơn chục ngàn, là con số khủng khiếp. Tình hình tai nạn giao thông trong thời gian gần đây có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng hơn, với nhiều vụ có số người tử vong lớn, trở thành nỗi ám ảnh cho những người tham gia giao thông.

Các “hung thần” xe tải, ô tô, xe máy và cả xe buýt khi cầm lái trên đường phố đông người vẫn cứ phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, lấn tuyến…, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đau lòng là điều không thể tránh khỏi.

Ngoài nguyên nhân tình hình đường sá quá tải, chật hẹp, xuống cấp trầm trọng nên không đảm bảo an toàn giao thông, một nguyên nhân rất quan trọng là ý thức tuân thủ luật pháp về an toàn giao thông của những người tham gia giao thông còn quá tệ. Trong các tháng “An toàn giao thông”, chúng ta vẫn thấy các khẩu hiệu, băng rôn khắp mọi nơi kêu gọi mỗi cá nhân luôn nghiêm chỉnh giữ gìn an toàn giao thông, thế nhưng vẫn không mang lại hiệu quả rõ nét.

Do luật pháp hiện hành chưa nghiêm nên người tham gia giao thông vi phạm Luật Giao thông đường bộ ngày càng nhiều. Có những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết nhiều người đã được đưa ra xét xử công khai ở những địa phương thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông để tạo hiệu ứng giáo dục và răn đe.

Tuy nhiên người phạm tội chỉ bị án treo hoặc nặng nhất cũng vài năm tù. Dư luận xã hội cũng thường cho rằng xảy ra tai nạn giao thông chết người là điều quá xui rủi, không ai mong muốn và các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng thường xét yếu tố người phạm tội đã đền bù cho thân nhân của người bị nạn, có thái độ thành khẩn, ăn năn hối lỗi… nên cho hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ.

Thực tế hầu hết các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra là do chủ quan của những người điều khiển phương tiện giao thông. Họ biết và ý thức được hành vi của mình có thể gây nguy hiểm cho xã hội, cho người khác nhưng vẫn cố tình phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách.

Để kéo giảm số vụ tai nạn giao thông, bớt đi nỗi đau, nỗi ám ảnh và lo sợ của toàn xã hội vì tai nạn giao thông luôn chực chờ mỗi khi ra đường, trước hết luật pháp phải nghiêm minh, kiên quyết xử lý đúng người, đúng tội trong những vụ án gây tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Ngoài ra, cần thiết phải sửa đổi Bộ luật Hình sự, tăng nặng mức án phạt tù cũng như phạt tiền đối với người gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Bởi lẽ, những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng không chỉ để lại nỗi đau xót cùng cực cho gia đình, người thân nạn nhân mà còn gây ra nỗi ám ảnh kinh hoàng và gây gánh nặng cho xã hội.

NGUYỄN ĐƯỚC (136/1 Trần Phú, quận 5, TPHCM)

Chấn chỉnh tiêu cực trong lực lượng cảnh sát giao thông

Để tạo được chuyển biến trong năm “An toàn giao thông”, tôi đồng tình với việc thực hiện ngay các giải pháp đồng bộ nhằm lập lại trật tự giao thông, giảm tai nạn giao thông. Trong các giải pháp này, nên tăng cường tuyên truyền giáo dục để người dân có ý thức, trách nhiệm hơn.

Tuy nhiên, để người điều khiển phương tiện giao thông luôn có ý thức, không chủ quan và xem thường luật pháp thì giải pháp chế tài thật mạnh, xử lý kịp thời, đúng người, đúng tội phải được ngành cảnh sát giao thông thực thi thật nghiêm. Thực tế đã chứng minh ở nơi nào cảnh sát giao thông làm tròn trách nhiệm, kiên quyết nói không với tiền lót tay thì ở đó người tham gia giao thông sẽ phải có ý thức cẩn trọng hơn khi lưu thông trên đường.

Người dân dễ thấy có một bộ phận cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ đã có biểu hiện thiếu trong sáng như núp rình ở những nơi người điều khiển phương tiện giao thông ít để ý, chặn giữ người vi phạm để nhận tiền lót tay. Chính từ nạn “ăn bẩn, kiếm chác” trong một bộ phận cảnh sát giao thông trong cả nước đã khiến không ít người điều khiển phương tiện giao thông ngang nhiên vi phạm an toàn giao thông, xem thường tính mạng của người dân.

Để chống tiêu cực, ngành công an đã có quy định cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ không được mang theo trong người quá 500.000 đồng. Thế nhưng, đây vẫn chưa phải là giải pháp hiệu quả, chưa thật hợp lý, hợp tình.

Thiết nghĩ, để thực thi pháp luật, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm an toàn giao thông, ngành cảnh sát giao thông hãy làm gương, phát động phong trào nói không với tiêu cực, thường xuyên thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý thật nghiêm minh đối với cảnh sát giao thông nhận tiền lót tay của người vi phạm an toàn giao thông.

Một khi cảnh sát giao thông quyết tâm làm tròn nhiệm vụ, kiên quyết lập lại trật tự giao thông, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm thì chắc chắn mọi người sẽ nâng cao ý thức tuân thủ luật pháp, chấp hành nghiêm những quy định về an toàn giao thông.

LÊ HÀ PHƯỚC (7A/43 Thành Thái, quận 10, TPHCM)

Diễn đàn Hưởng ứng Năm “an toàn giao thông”

- Tăng cường biện pháp giáo dục và chế tài

- Căn cơ trong giải pháp và cách làm

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhipcaubandoc/2012/2/281119/