Điểm du lịch chín Rồng (Vĩnh Long): Khai thác theo hướng sinh thái nghỉ dưỡng

Điểm du lịch Chín Rồng là dự án khá lớn ở địa điểm ấp Mỹ Phú 3 (xã Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình), dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2011. Tuy nhiên, đến nay công trình chỉ mới được thực hiện gần 80%. Đội ngũ thi công đang khẩn trương hoàn thành các hạng mục còn lại, để kịp đưa vào khai thác khoảng cuối tháng 10/2012.

Tổng diện tích của điểm du lịch là trên 7,8ha. Trong đó, đất cây trồng lâu năm là trên 6,8ha, còn lại là đất thổ. Khu đất có nguồn gốc do cá nhân ông Lê Văn Lợi- Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH sản xuất thương mại Mỹ Nga (TP Hồ Chí Minh) nhận chuyển nhượng từ các hộ dân địa phương, được chuyển đổi mục đích sử dụng thành điểm du lịch sinh thái, với các hạng mục như: khu bán hàng lưu niệm, khu ăn uống, giải trí, lưu trú, chòi nghỉ chân, khu nuôi động thực vật cảnh…

Từ ngoài vào khoảng vài trăm mét, nổi bật là 2 khu nhà cổ trị giá trên dưới 4 tỷ đồng. Đặc biệt, ngôi nhà cổ lầu có lối kiến trúc đặc trưng của nhà cổ Việt trong nội điện triều đình nhà Nguyễn, với 76 cột cẩn xà cừ rất độc đáo. Ngôi nhà xây dựng trên cù lao nhân tạo, được tách biệt bởi 4 hồ nước có diện tích mỗi hồ là 5.000m2, liên thông với nhau bằng những con kinh uốn lượn xung quanh.

Theo anh Nguyễn Văn Tặng- người quản lý giám sát công trình cho biết, khi hoàn thành, xung quanh ngôi nhà cổ là rất nhiều căn chòi gỗ có kiến trúc cổ mái lợp ngói và những nhà thủy tạ ngay trên các hồ nước. Hiện trong các hồ đã có thả nhiều loại cá nước ngọt nhằm tạo cảnh, đồng thời khai thác các dịch vụ giải trí. Mỗi căn nhà cổ tại đây sẽ tồn tại như một thực thể sống, chứ không chỉ đóng vai trò như hiện vật bảo tàng. Du khách sẽ dừng chân thư giãn, đắm mình không gian xưa thưởng thức những chén trà, vừa nhấm nháp những món quà quê. Đối diện phía bên tay phải là hàng chục chiếc tum lợp lá, mang nét đặc trưng của miền quê Nam Bộ, chạy dài ra phía sau là khu nuôi động vật: cá sấu, hươu, nai, đà điểu, khỉ, ngựa,…

Bên cạnh đó là khu nhà có kiến trúc hiện đại với 72 phòng phục vụ lưu trú, với chuẩn 3 sao hoặc ít nhất là 2 sao cộng. Tuy nhiên, khu nhà này sẽ triển khai sau khi điểm du lịch đi vào hoạt động khai thác khách. Với nhiều hạng mục phát sinh trong quá trình xây dựng, nên tổng mức đầu tư hiện nay đã vượt quá con số 30 tỷ đồng theo dự kiến ban đầu.

Ông Lý Hoàn Cảnh- người sẽ phụ trách công tác nghiệp vụ du lịch, cho rằng khi đi vào hoạt động, điểm du lịch này sẽ tạo nguồn việc làm cho khoảng 120 lao động địa phương. Dự kiến lao động có trình độ đại học khoảng 10 người, còn lại là lực lượng lao động trung cấp và lao động phổ thông. Bên cạnh việc tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương, điểm du lịch sẽ góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế- xã hội về chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh, đồng thời góp phần làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt kinh tế- xã hội, cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn.

Theo đánh giá phân tích các chỉ tiêu tài chính của dự án, tính khả thi của dự án trong giai đoạn đầu tuy chưa khả quan, nhưng trong tương lai dự án sẽ có nhiều tiềm năng phát triển theo hướng thuận lợi, xét trong điều kiện tình hình tài chính của công ty nói riêng và của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nói chung, với khả năng sinh lợi từ đồng vốn đầu tư do dự án mang lại so với mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số người làm du lịch, việc hình thành điểm du lịch với số vốn đầu tư khá lớn trong hoàn cảnh tình hình kinh tế khó khăn là điều đáng mừng, đồng thời tạo thêm điểm đến mới cho du lịch địa phương. Song với vị trí nằm trên lộ 16, cách Quốc lộ 1 khoảng 11km, cách thị trấn Tam Bình khoảng 6km và không gắn với vận chuyển đường sông, nên khả năng thu hút khách là còn hạn chế, nếu công ty không chủ động được nguồn khách mạnh thì sẽ rất khó khăn.

Trong tất cả các điểm du lịch đang khai thác thành công ở tỉnh Vĩnh Long cho đến nay, hầu hết đều tập trung ở 4 xã cù lao thuộc huyện Long Hồ và gắn với du lịch sinh thái sông nước miệt vườn. Đã có nhiều dự án khi tách ra khỏi khu vực này, đều khó khả thi. Có thể khẳng định một điều rằng, đối với du lịch đồng bằng, đặc biệt là du lịch Vĩnh Long thì “địa điểm” chính là yếu tố quyết định trên 80% sự thành bại của một dự án du lịch. Do đó, trong tương lai để khai thác hiệu quả điểm du lịch này, đòi hỏi phải có những dịch vụ đa dạng, phong phú và phải mang tính mới lạ, độc đáo và đặc trưng. Còn nếu nhà đầu tư định hướng nhắm vào dòng khách cao cấp, nghỉ dưỡng cuối tuần, đương nhiên sẽ tự hạn chế rất nhiều tính năng khai thác của điểm du lịch này. Ngoài ra, với chuẩn dịch vụ 2 sao thì chưa thể nói là đã đủ sức hấp dẫn với nguồn khách cao cấp đổ về đây.

Dù sao, chúng ta cũng trông đợi điểm du lịch Chín Rồng sớm đi vào hoạt động thành công, góp phần làm phong phú thêm “bức tranh du lịch” của tỉnh nhà. Đồng thời, cũng chính là động lực đẩy bật dậy tiềm năng kinh tế- xã hội của địa phương./.

Nguồn TTDL: http://www.dulichvn.org.vn/index.php?category=30&itemid=19716