Điểm đầu vào ngành An toàn thông tin thấp là một thách thức

ICTnews - Điểm đầu vào ngành An toàn An ninh Thông tin trong các kỳ tuyển sinh CĐ-ĐH chỉ khoảng 19 - 23 điểm, trong khi đây lại là một nội dung khó, gây lo ngại về chất lượng đầu ra.

Ngày 28/1, Ban Điều hành "Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin (ATANTT) đến năm 2020 (Đề án 99)" đã có cuộc họp về dự thảo Báo cáo Tình hình triển khai đến năm 2015 Đề án 99. Tham dự có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng và các thành viên Ban Điều hành Đề án.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thông tin, Bộ TT&TT cho biết, năm 2015 là năm thứ hai triển khai Đề án 99 và đã thu được một số kết quả khả quan, trong cả 6 nhóm nhiệm vụ của Đề án. Thông qua Đề án, hàng nghìn cán bộ về ngành ATANTT đã được đào tạo.

Năm 2015, trong nhóm nhiệm vụ đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ATANTT ở nước ngoài, Đề án đã đào tạo được 36 giảng viên, trong đó có 21 Tiến sĩ, 4 Thạc sĩ và 11 chỉ tiêu đào tạo ngắn hạn. Trong nhóm nhiệm vụ đào tạo kỹ sư, cử nhân ATANTT trong nước, đào tạo được 1.612 kỹ sư, cử nhân.

Ngoài ra, các nhóm nhiệm vụ đào tạo ngắn hạn ở trong và ngoài nước cũng cho phép hàng nghìn lượt cán bộ được tham gia các lớp tập huấn chiến lược, nâng cao khả năng ATANTT.

Đề án 99 có mục tiêu đào tạo được 10.000 lượt cán bộ ATANTT thông qua các chương trình trong và ngoài nước. Ảnh minh họa: ITE SG

Theo ông Dũng, nhìn chung số lượng nhân lực làm việc trong ngành ATANTT tương đối đảm bảo. Tuy nhiên, chất lượng đầu ra lại là một vấn đề đáng lưu tâm, khi điểm trúng tuyển đầu vào các ngành này trong các kỳ thi tuyển sinh CĐ - ĐH chỉ có 19 - 23 điểm, trong khi ATANTT lại là nội dung khó. "Để trở thành kỹ sư, cử nhân chất lượng cao thì học viên cần có năng lực, nền tảng tốt. Thực sự đầu vào như này mà đào tạo thành chuyên gia, chuyên sâu thì rất lo ngại về chất lượng”, ông Dũng nhấn mạnh.

Trong cuộc họp của Ban điều hành, các đại diện đến từ Bộ Quốc phòng cũng cho biết, sắp tới, Bộ Quốc phòng sẽ đầu tư nâng cấp một phòng Lab đặc biệt về ANTT và phối hợp với các chuyên gia ANTT của Séc, Áo và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ trong lĩnh vực đào tạo, để nâng cao năng lực của cán bộ ATANTT.

Các đơn vị khác như Ban Cơ yếu Chính phủ, VNCERT cũng đang có những hoạt động đào tạo, phát hiện tài năng để cung cấp nguồn nhân lực trong lĩnh vực ATANTT.

Ngoài những nội dung nói trên, Ban Điều hành Đề án 99 chỉ ra một số vấn đề còn khó khăn trong công tác thực hiện Đề án, đó là vấn đề hệ thống giáo trình mẫu, chuẩn mực làm tài liệu đào tạo và vấn đề kinh phí. Trong khi đó, mục tiêu của Đề án 99 đặt ra là đến năm 2020, đào tạo được 10.000 lượt cán bộ làm về ATANTT.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng nói, thường trực Ban điều hành tiếp thu hoàn thiện nội dung, cân nhắc giải pháp, cách thức thực hiện Đề án 99 trong thời gian tới. Nội dung bản báo cáo chính sẽ được hoàn thiện, trình lãnh đạo Bộ TT&TT phê duyệt và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.

Đối với Đề án 99, Ban điều hành thống nhất thực hiện tiến trình cụ thể, chú trọng về chất lượng, bám sát nhu cầu của từng cơ quan, tránh chỗ thiếu, chỗ thừa, không phù hợp.

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cntt/nuoc-manh-cntt/diem-dau-vao-nganh-an-toan-thong-tin-thap-la-mot-thach-thuc-134961.ict