Di tích Điện Biên Phủ lưu giữ chứng tích vĩ đại

Điện Biên Phủ, một địa danh không chỉ đi vào lịch sử dân tộc mà còn được cả nhân loại biết đến bởi nơi đây gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu."

56 năm đã trôi qua nhưng tới bất cứ nơi đâu trên "chảo lửa Điện Biên" này, người ta cũng bắt gặp những di tích lịch sử ghi dấu chiến công của quân và dân Việt Nam. Quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ, tập trung hầu hết tại thành phố Điện Biên Phủ, được chính thức xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia ngày 28/4/1962. Tất cả những di tích lịch sử liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ cho đến nay vẫn được gìn giữ như những chứng nhân cho các thế hệ người Việt Nam và bạn bè năm châu biết đến một trang sử chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc Việt Nam. Sau đây là một số hạng mục di tích trọng yếu nhất: - Đồi Him Lam: Là nơi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày 13/3/1954. - Đồi Độc Lập: Là nơi diễn ra trận đánh chiếm cứ điểm này vào ngày 15/3/1954. - Các đồi C, D, E là những quả đồi diễn ra các trận đánh rất ác liệt, giành giật nhau từng tấc đất. Trên mỗi quả đồi có gắn tên bằng các chữ cái khá to ở vị trí dễ quan sát nhất, từ xa có thể nhìn rõ. - Ngày 7/5/2004, Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ đã được khánh thành trên đồi D1 nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ mô tả ba chiến sỹ Điện Biên, đứng trên nóc hầm tướng De Castries, mặt quay về ba hướng (dựa lưng vào nhau), một cầm súng, một phất cờ, một nâng em bé tay cầm hoa. - Đồi A1: Là quả đồi quan trọng nhất trong dãy đồi phía đông bảo vệ thung lũng lòng chảo. Tên A1 là kí hiệu ta dùng khi tiến công Điện Biên Phủ, còn quân đội Pháp đặt tên quả đồi này là Elian 2. Đây là nơi ta và địch giành nhau từng tấc đất, điểm đánh ác liệt nhất có tính chất quyết định cho toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta đã bí mật đào liên tục trong hơn 2 tuần một đường hầm từ ngoài hàng rào dây thép gai vào sát hầm ngầm của Pháp để đặt một lượng thuốc nổ gần 1 tấn nhằm công phá vị trí cố thủ của Pháp. 20 giờ 30 phút tối ngày 6/5/1954, khối thuốc nổ này đã làm nổ tung vị trí này và là hiệu lệnh tổng tiến công cho toàn chiến dịch. Rạng sáng ngày 7/5/1954, quân ta đã hoàn toàn chiếm lĩnh đồi A1. Ngay chiều hôm đó, toàn thể quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ kéo cờ trắng xin hàng. - Sân bay Mường Thanh và cứ điểm 206 năm xưa nằm ở vị trí trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hiện sân bay này đã được cải tạo, nâng cấp thành Cảng hàng không quốc tế Điện Biên Phủ nằm trong hệ thống đường bay của Hàng không dân dụng Việt Nam. - Hầm Sở chỉ huy quân đội Pháp (tướng De Castries): Là nơi tướng De Castries cùng Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Vị trí hầm, hình dáng, kích thước, cấu tạo của hầm chỉ huy… giờ vẫn được giữ nguyên như nó vốn có, nằm gần cầu Mường Thanh. - Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ: Nơi lưu giữ, trưng bày hàng nghìn hiện vật, tranh, ảnh… liên quan đến chiến dịch, mô tả khái quát toàn bộ cuộc chiến đấu cực kỳ gian khổ của quân và dân Việt Nam để làm nên chiến thắng vang dội của dân tộc. Những hiện vật đã theo chân người lính, từ chiếc xe đạp thồ gạo nổi tiếng, chiếc áo trấn thủ cho đến khẩu pháo, chiếc xe tăng đồ sộ… được trưng bày cả ở ngoài trời và trong nhà. - Nghĩa trang đồi A1, nghĩa trang đồi Độc Lập, nghĩa trang đồi Him Lam là nơi yên nghỉ của những chiến sỹ đã anh dũng hy sinh trên chiến trường Điện Biên Phủ. - Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ: Nằm trong một khu rừng nguyên sinh tại địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ 25km về phía đông. Đây là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh chiến dịch, đưa ra những quyết định quan trọng nhất liên quan đến chiến thắng. Tại đây có lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, các cố vấn, bộ phận giúp việc… Gần đó, trên đỉnh núi Pú Huốt đặt đài quan sát của Sở chỉ huy trong những ngày chiến dịch diễn ra ác liệt. Từ đài quan sát đó có thể nhìn rõ toàn cảnh trận địa dưới lòng chảo Mường Thanh bằng mắt thường. Ngoài ra, còn phải nhắc đến Cụm tượng đài Công viên chiến thắng Mường Phăng; di tích đường kéo pháo và trận địa pháo của bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ..., những di tích mới được phục dựng nhằm tái hiện một Điện Biên hào hùng năm xưa./. (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/di-tich-dien-bien-phu-luu-giu-chung-tich-vi-dai/20105/43956.vnplus