Đi thắp mộ thi nhân

Ngày thơ Nguyên tiêu Nhâm Thìn, thơ ở Huế, như gặp luồng gió mới bùng lên mạnh mẽ. Suốt 5 đêm (từ 13-15/1 AL), các hội thơ Hương Thủy, Hương Trà, Hương Giang, các CLB thơ: Thuận Lộc, An Hòa, Vĩ Dạ... đều tổ chức những đêm thơ tưng bừng.

Hai chương trình thơ được người yêu thơ Huế đón chào nồng nhiệt nhất là đêm "Thơ thiền đời Trần", được tổ chức trên đền thờ Huyền Trân và đêm thơ "Âm vọng thời gian" được tổ chức tại Nghinh Lương Đình, trước Phu Văn Lâu.

Nhưng trong Ngày thơ Nguyên tiêu, sinh hoạt trang nghiêm nhất và thành một phong tục mới của Huế là Hội Liên hiệp VHVT đã tổ chức đưa các hội viên của mình đi thắp hương cho các thi nhân hiện có mộ trên vùng đất Huế.

Nơi dừng chân đầu tiên là mộ nhà chí sĩ Phan Bội Châu và nhà thơ Thanh Hải nằm ngay trên đường Phan Bội Châu và đường Thanh Hải trong thành phố. Bên ngôi mộ trang nghiêm của cụ Phan là ngôi nhà tranh cụ ở ngày xưa, được giữ gìn cho đến tận bây giờ và ngay đằng sau mộ là nhà thờ Phan Bội Châu. Cụ Phan có một khu vườn, những người thâm tình với cụ được chôn cất ở đây. Bên mộ Thanh Hải là mộ Hải Triều và mộ nữ sĩ Đạm Phương, bà nội của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Một niềm ưu ái đối với Huế là nhiều nhà thơ mất ở đây, kể cả đại văn hào Nguyễn Du, sau này mộ ông mới được chuyển ra Hà Tĩnh. Anh em văn nghệ Huế rất muốn được xây trên khuôn đất mộ ông xưa một miếu thờ Nguyễn Du vì nơi chôn cất, hồn vẫn còn phảng phất nơi đó.

Các văn nghệ sĩ thắp hương trên mộ thi sĩ, nhà văn Phùng Quán.

Ảnh: NQH

Tiếp sau, chúng tôi lên đồi Từ Hiếu, trên đồi này có 3 thi sĩ: Trịnh Xuân An, Vĩnh Mai và Tùng Thiện Vương. Ngôi mộ nào ở đây cũng khang trang, mộ mới được trùng tu lại là mộ nhà thơ Vĩnh Mai. Mộ Tùng Thiện Vương lớn nhất vì trước đó, ông là nhà thơ danh giá của vương triều nhà Nguyễn. Bên cạnh mộ các nhà thơ là mộ của những chí sĩ lừng danh như Trần Thúc Nhẫn, Tham tri Bộ Lễ, mộ bà Nguyễn Khắc Thị Bửu - mẹ nhà thơ Tùng Thiện Vương. Có một ngôi mộ níu chân chúng tôi khá lâu là mộ chôn 2 người, đó là Thái Phiên và Trần Cao Vân. Khi hai ông bị chém, đầu một nơi, thân một nơi, mãi khi bà Trương Thị Dương, đồng chí của 2 ông bí mật lấy được xác của 2 người, nhưng không nhận ra đầu của ai, xác của ai, nên bà đã đem đến đây chôn vào một mộ. Ngôi mộ chung còn đó, nhìn nấm mộ, ai cũng cảm động về một thời cam go của dân tộc mình.

Tiếp theo, chúng tôi lên Ba Đồn thăm mộ Bửu Chỉ. Bửu Chỉ là người con yêu của Huế nên đã xin được đất đặt mộ ở đây. Nói đến khu mộ Ba Đồn, ai cũng biết rằng vùng đất này rất thiêng, bãi cỏ bằng phẳng và xanh tốt như thế nhưng không một con trâu nào dám bước vào.

Lên vùng núi Tam Thai, ở đó có mộ của Thanh Tịnh, Nguyễn Văn Phương, Hải Bằng, Nguyễn Xuân Hoàng và Thái Ngọc San. Đến mộ nào, anh em cũng vừa thắp hương vừa đọc những câu thơ rất đời của họ. Đến mộ Hải Bằng, ai cũng cười khi nghĩ đến lúc Hải Bằng mới đi làm bộ răng giả, anh đặt một vế đối:

Miệng cười tươi rói răng nhà nước

Một người bạn của anh đã đối rất chỉnh và rất vui:

Nước mắt âu sầu lệ cá nhân

Đọc lại 2 câu đối ấy trước mộ Hải Bằng, ai cũng cười. Vừa thương vừa quý Hải Bằng, nhiều bạn tới chụp ảnh bên hình anh khắc trên tấm bia đá.

Người cuối cùng chúng tôi tới thắp hương là mộ nhà thơ Phùng Quán. Bên mộ Phùng Quán là mộ vợ anh. Rất may, 2 nấm mộ vừa được hoàn tất, sau ngày giỗ Phùng Quán, thị xã Hương Thủy được thành lập, đường vào mộ anh được đặt ngay tên đường Phùng Quán.

Phùng Quán đã để cho đời một tấm lòng thi sĩ. Trước mộ Phùng Quán, Ngô Minh báo cáo năm vừa qua, quỹ Phùng Quán (do số tiền xây lăng anh em đóng góp còn lại) đã tặng cho 13 học sinh của quê anh. Hôm nay, Ngô Minh dùng quỹ ấy tặng cho 2 tác phẩm tiểu thuyết mới trình diện trong năm Nhâm Thìn, đó là Vùng Sâu của Tô Nhuận Vĩ và Xa Hà Nội của Nhất Lâm.

Vậy là Ngày thơ Nguyên tiêu, anh em văn nghệ Huế đã đi thắp hương được cho 14 mộ thi nhân tại Huế, đây là một phong tục riêng của Huế rất đáng trân trọng.

Ai đó nói rằng:

- Giá Huế có một khu mộ thi nhân thì tuyệt biết bao.

Biết đâu, mong ước ấy chẳng thành sự thật!

Nhà văn Nguyễn Quang Hà

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20120211050951631p0c15/di-thap-mo-thi-nhan.htm