Dị chuyện về cây mai tiền tỷ

Cây mai có giá hàng tỷ đồng tại vùng miền Đông đất đỏ bazan khiến hàng ngàn lượt người tìm đến để chụp hình đã gây xôn xao dư luận trong thời gian qua.

Cây mai tiền tỷ vàng rực vào dịp Tết.

Cây mai tiền tỷ vàng rực vào dịp Tết.

Một gốc mai “cha truyền con nối”

Những ngày gần đây, gia đình anh Trần Công Thạnh (SN 1967, ngụ đường Ngô Quyền, thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) đón hàng ngàn lượt khách tham quan và chụp hình cây mai có giá tỷ đồng. Những ngày đầu năm mới, PV Báo điện tử PetroTimes đã đến thăm và chia vui cùng gia đình của chủ nhân.

Anh Thạnh là con lớn trong gia đình có 6 người con tại Quy Nhơn. Năm 1974, gia đình anh dắt nhau vào xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) để lập nghiệp. Năm 1984, gia đình anh lại chuyển về thị trấn Gia Ray sống cho đến ngày nay. Lúc đó, cụ Trần Công Định (SN 1935, cha anh Thạnh) đi mua mai của một người bạn.

Cụ nhớ rõ có người bạn chuyên trồng mai để bán nên đến tìm mua một gốc về trồng làm cảnh. Cụ ông vào vườn để lựa mai và thấy có một cây dị dạng không ngọn. Cụ Định tin cây mai này lớn lên sẽ xòe tán rộng như biểu hiện của sự sung túc trong gia đình. Cụ chọn cây này và người bạn ngỏ ý đòi biếu không lấy tiền.

Cụ Định đã cảm ơn tấm lòng của bạn rồi khước từ và nhất quyết mang mai về với điều kiện phải trả tiền. Mang mai về, cụ chăm sóc cẩn thận, bỏ phân và tưới nước cho cây. Cây mai được trồng trong chậu gỗ lớn dần rồi chậu cũng bị mục. Năm 1985, cụ Định và anh Thạnh đã đưa cây mai ra mảnh đất rộng phía trước nhà để trồng.

Tán cây xòe rộng và có đường kính khoảng 5 mét.

Mỗi năm, cụ vẫn chăm sóc cây đều đặn như một thói quen của người làm vườn và cây lớn dần. Chăm sóc mai đối với gia đình cụ Định và anh Thạnh không quá khó. Cứ sau Tết, cây cần được bón phân, xịt thuốc và quan trọng phải nhận biết được các loại bệnh của cây. Quan sát cây có bệnh như thế nào để điều trị và phòng ngừa loại bệnh đó.

Anh Thạnh chia sẻ bí quyết, một số bệnh thường gặp như: sâu cuốn lá, sâu đục thân hoặc nấm da. Hằng năm, đến mùa lặt lá mai thường rơi vào ngày 15 tháng Chạp nhưng cũng phải canh nụ để hoa nở đúng ngày. Nếu nụ lớn thì lặt lá trễ và nụ nhỏ thì nên lặt lá sớm.

Khoảng ngày 19 tháng Chạp, anh Thạnh lại tiếp tục tưới nước và bón phân để dưỡng nụ. Sau Tết, sâu ăn lá sẽ xuất hiện do cây mai đâm chồi, nẩy lộc. Kế tiếp, sâu đục thân sinh sôi và đe dọa đến cành của cây. Cây mai gắn liền với anh Thạnh hơn 30 năm nên việc chăm sóc không phức tạp. Cây như mang hơi thở của người trồng trong niềm vui trổ hoa đúng dịp Tết đến. Những ngày Tết, hàng hàng lượt người dân ghé qua chụp hình chung với cây mai tán lá xòe to sum xuê.

Sau ngày lặt lá mai, anh Thạnh ngày đêm canh giữ cây đến hết Tết. Người chủ của cây mai “khủng” khẳng định: “Cây này đối với tôi là vô giá”. Nhiều người đến dạm hỏi anh Thạnh giá cả nhưng luôn bị khước từ và người có ý mua cũng không dám nói giá.

Vẻ đẹp của “cây mai Đồng Nai” được nhiều người truyền miệng cứ lan tỏa. Nhiều lượt người vẫn tìm cách tiếp cận anh Thạnh để ngỏ ý mua nhưng đều phải bỏ cuộc. Cách đây hơn 10 năm, cây mai từng bị một số người đi vào vườn để cưa cành dịp Tết nên gia đình anh Thạnh lại càng cẩn trọng hơn.

Mỗi năm hoa nở, cánh hoa rụng xuống mặt đất trải thành từng lớp như tấm thảm màu vàng.

Mảng tối buồn xung quanh cây mai tiền tỷ

Những ngày Tết, cây mai nở hoa còn gây phiền toái cho chính chủ nhân. Nhiều người dân "ùn ùn" kéo đến chụp hình đã bẻ cành mai để đứng bên cạnh cây và tạo dáng. Một số người khác còn chui dưới tán, sát mặt đất để chụp ảnh chung với cây mai. Cây nở hoa khiến cánh mai rơi dưới bồn tạo thành tấm thảm màu vàng ươm.

Đặc điểm nơi đây đất đỏ, gốc mai được tưới nước nên người dân bước xuống bồn làm “tấm thảm” màu vàng trở nên đỏ nhòe, mất mỹ quan. Nhiều bạn trẻ thiếu ý thức còn đi giày dính đầy đất đỏ lên cả thềm nhà khiến gia chủ phiền lòng. Anh Thạnh nói, xong cái Tết này gia đình anh đã quyết định xây tường rào lại cây mai để đỡ phải canh giữ như mọi năm.

Ngày xưa, đường Ngô Quyền chỉ được trãi đất đỏ nhưng đến năm 1992, chính quyền địa phương đã làm đường lán nhựa thẳng tắp và sạch sẽ. Người dân đi ngang qua thường xuyên phát hiện cây mai “khủng” nên ghé đến để chụp hình vào những ngày Tết. Đến thời điểm này, gốc cây mai có chu vi khoảng 1,2 mét, tán cây có đường kính dài 10 mét và chiều cao ước chừng 5 mét.

Chu kỳ, 1 hoa mai bung cánh và nở khoảng 4 ngày rồi tàn để nhường chỗ cho những nụ hoa khác. Hoa mai có đặc điểm từ 8 đến 12 cánh và tạo thành 2 lớp. Những ngày giáp Tết, mai được lặt lá chỉ toàn những nụ nên phủ một màu xanh rì.

Một số bạn trẻ thường hay thích chui xuống, núp dưới tán cây để chụp ảnh.

Ngồi trò chuyện trong chốc lát, anh Thạnh lại phải chạy ra ngoài sân để nhắc nhở các bạn trẻ không được đi xuống bồn cây vì làm hỏng thảm hoa đẹp. Một số người nhìn cây mà ngưỡng mộ chủ nhân nên cứ hỏi thăm cho gặp “ông chủ” cây mai, anh Thạnh chỉ cười xòa rồi trả lời: “Tôi là người làm công nên không biết ông chủ cây mai là ai”.

Hàng ngàn lượt người đến chụp hình hoa nên trong lòng anh Thạnh cảm thấy vui vui nhưng xen lẫn nỗi tức… ách bụng. Ông chủ cây mai phải bỏ thời gian ra ngồi canh cây mai vào mỗi dịp Tết và mong những ngày này chóng qua.

Tết đến, anh Thạnh phải bỏ 6 công để lặt lá. Cành mai có hình dáng xoắn tự nhiên và không uốn cành để tạo dáng. Một năm bón phân 4 lần, anh Thạnh thường sử dụng phân NPK kết hợp phân chuồng để bón cho cây. Giữa mùa mưa, khoảng tháng 6 và tháng 10, ông chủ cây mai lại bón phân tiếp thêm 2 lần trong năm. Trước khi lặt lá vài ngày, anh Thạnh tưới nước và bón phân lần nữa để giữ sức cho cây vào thời điểm lặt lá. Mai rụng hết hoa phải bón ngay cho cây để kịp phục hồi sức và ra lá, dưỡng cho năm sau.

Lúc lặt lá mai, anh Thạnh canh cho nụ bung hoa đúng ngày. Nếu gặp thời tiết lạnh, người chủ cây mai phải treo 4 bóng đèn tròn ở 4 góc để cho cây ấm áp và nở đúng ngày. Những ngày cận Tết năm nay quá nóng, anh Thạnh lại không tưới nước liền mà chậm tưới nước để cho nụ không bung sớm hơn dự tính. Mỗi năm, anh Thạnh tốn tầm 3 triệu để mua phân bón cho cây và cả tiền công lặt lá.

Những ngày gần đây, cây mai của anh Thạnh càng trở nên nổi tiếng hơn và cũng có nhiều đồn thổi xung quanh sự ra hoa hiếm thấy của cây. Nhiều câu chuyện đồn thổi quanh cây mai nở hoa vàng rực, đại loại: “Người ta bảo ông chủ mai này chết rồi nhập vào cây mai nên cây mai sung như vậy”.

Hưng Long

Nguồn PetroTimes: http://petrotimes.vn/di-chuyen-ve-cay-mai-tien-ty-383176.html