Dệt may giữ vững thị phần

(HQ Online)- XK dệt may trong năm 2012 tiếp tục là ngành có kim ngạch dẫn đầu cả nước. Và trong năm 2013, mục tiêu này vẫn đặt lên hàng đầu dù tình hình thị trường được dự báo còn khó khăn.

Năm 2013, ngành Dệt may đặt mục tiêu XK 18,8 - 19,2 tỷ USD. Ảnh: T.VIỆT

Ngày 8-1, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã trao cho đại diện Quân chủng Hải quân (Bộ Quốc phòng) 500 suất quà trị giá 300 triệu đồng gửi tặng cán bộ, chiến sỹ, người dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Đây là món quà tri ân sâu sắc của tập thể cán bộ, công nhân của Vinatex đối với các chiến sỹ biển đảo nhân dịp Tết đến, Xuân về.

Ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiêm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, năm 2012 là năm hết sức khó khăn của DN dệt may. Tình hình chung của các thị trường cũng không tốt, tổng cầu hàng dệt may toàn thế giới chỉ là 669,9 tỷ USD, giảm so với năm 2011.

Trong khi các đối thủ chính của DN dệt may là Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh có sự ổn định về điều kiện kinh doanh thì DN Việt Nam vẫn gặp khó khăn, đặc biệt là tiếp cận vốn. Thế nhưng ngành dệt may vẫn tăng trưởng ổn định.

Ông Trường dẫn chứng, kim ngạch XK hàng dệt may và xơ sợi toàn ngành đạt 17,1 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2011, trong đó XK hàng dệt may đạt 15,8 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ. Riêng Vinatex, kim ngạch XK ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ. Như vậy, trong bối cảnh khó khăn, việc đạt mức tăng trưởng 8% là thành tích đáng ghi nhận của toàn ngành dệt may.

Cùng với đó, XK hàng dệt may sang các thị trường vẫn có mức tăng trưởng ổn định mặc dù NK dệt may nói chung vào các thị trường này đều tăng chậm, thậm chí giảm. Cụ thể, NK dệt may vào thị trường Mỹ giảm 0,5% nhưng NK từ Việt Nam vẫn tăng 9,2%. NK dệt may vào Nhật Bản tăng 8% nhưng NK từ Việt Nam tăng mạnh 19,3%.

Thậm chí, tại thị trường Hàn Quốc khi NK dệt may vào thị trường này giảm 7% thì NK từ Việt Nam vẫn tăng 9%. “Điều này cho thấy, thị phần của hàng dệt may tại Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục duy trì, vị thế của hàng dệt may tại các thị trường trong điều kiện khó khăn tiếp tục được củng cố, giữ vững khách hàng, thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng sang các thị trường mới”, ông Trường nói.

Một thành công của ngành dệt may trong năm 2012 được ông Trường nhấn mạnh, đó là tỷ lệ nội địa hóa đã tăng lên đáng kể. Nếu năm 2011, tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt 45% thì đến năm 2012, tỷ lệ này đã tăng lên 49%. Việc này đã giúp ngành dệt may đạt thặng dư thương mại 8,4 tỷ USD.

Mục tiêu trên 19 tỷ USD

Theo dự báo của các tổ chức kinh tế lớn trong và ngoài nước, tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2013 còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hầu hết các nền kinh tế lớn được dự báo có xu hướng phục hồi nhẹ nhưng khó khăn. Ông Trường cho biết thêm, tổng tiêu thụ hàng dệt may toàn thế giới là 713 tỷ USD, chỉ tăng gần 2,32% so với năm 2012. Hơn thế, dự báo của các thị trường NK lớn như: Mỹ, Nhật Bản, EU… đều thấp hơn 2012. Do vậy, các DN dệt may Việt Nam vẫn phải lo lắng về thị trường, nguồn hàng, khách hàng... Với những dự báo này, ngành dệt may đặt mục tiêu XK 18,8-19,2 tỷ USD, tăng khoảng 12% so với năm 2012, trong đó thị trường Mỹ khoảng 8,5 tỷ USD, EU khoảng 2,4 tỷ USD, Nhật Bản khoảng 2,4 tỷ, Hàn Quốc là 1,5 tỷ USD, thị trường khác đạt 4,3 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu này, vị lãnh đạo của Vinatex cho rằng, XK dệt may năm 2013 xác định vẫn phải đi bằng “hai chân”, trong đó tiếp tục duy trì tốt các thị trường đang có và tăng thị phần ở những thị trường mới. Trước lo ngại về việc duy trì bạn hàng truyền thống DN sẽ bị ép giá khi dự báo đơn hàng khó có thể tăng giá, ông Trường cho biết, DN Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh, giành lại thế chủ động khi đàm phán, thương thảo hợp đồng với đối tác, tránh tình trạng phụ thuộc vào một khách hàng. Hơn nữa, ngành dệt may tiếp tục nâng cao năng suất lao động, đi vào những mặt hàng có yêu cầu kỹ thuật, chất lượng cao, linh hoạt trong việc đáp ứng các đơn hàng.

Bên cạnh những khó khăn đã được dự báo, năm 2013 vẫn sẽ có thuận lợi cho các DN dệt may. Nếu việc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành công sẽ là cơ hội, bước tiến mới cho hàng dệt may Việt Nam. Ngoài ra, việc tiếp tục đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU giúp ngành dệt may mở ra những cơ hội mới đối với thị trường đầy tiềm năng này. “Ngành dệt may sẽ tận dụng cơ hội mới để đạt mức XK cao nhất có thể”, ông Trường khẳng định.

Phan Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/det-may-giu-vung-thi-phan.aspx