Đến Paksong xứ Lào, nhớ Đà Lạt mộng mơ

Paksong, một huyện của tỉnh Champasak - Lào có khí hậu mát lạnh như Đà Lạt nhưng vẫn còn giữ nét trong trẻo, hoang sơ với những cánh rừng bạt ngàn, thác nước hùng vĩ

Nói đến du lịch Lào người ta thường điểm danh khu vực phía Bắc với Vang Vien, Luang Phabang, Xieng Khoang. Vùng Hạ Lào thường ít được nhắc đến bởi ngoài di sản thiên nhiên thế giới Watphu và khu vực Siphadon với thác nước Khone hùng vĩ thì khu vực này chỉ là những cánh rừng hoang vu.

Nhưng do gần với TP HCM, đi lại cũng khá dễ dàng nên tôi thường chọn vùng Hạ Lào để đổi gió khi thấy cuồng chân.

Hiện có 2 nhà xe đi Lào là Bình Minh và Minh Vũ. Khởi hành từ 3 giờ sáng, đến khoảng 4 giờ chiều là đến Pakse (thủ phủ của tỉnh Champasak). Thông thường, sau khi đến Pakse, chúng tôi thuê xe máy đi Watphu và nán lại nhiều ngày ở Siphadon. Người Lào gọi đây là khu vực 4.000 đảo bởi dòng Mê Kong khi chảy qua đây bị chặn lại bởi vô số hòn đảo lớn nhỏ hình thành những cụm thác khổng lồ, hùng vĩ.

Một lần, xe đến Pakse sớm hơn dự kiến, nắng chiều vàng rực, chúng tôi thuê xe máy chạy lang thang. Thấy bảng chỉ đường Paksong 40 km thì rẽ qua trong vô thức.

Ra khỏi Pakse chừng 20 km, sau khi leo một con dốc nhỏ, không khí mát lạnh ở đâu chợt ùa đến khiến ai nấy ngỡ ngàng.

Đường lên Paksong thanh vắng, yên bình

Đường lên Paksong thanh vắng, yên bình

Rau tươi, đồ nướng ở những sạp dã chiến ven đường

Chạy thêm một chút nữa, không khí càng lạnh. Hai bên đường, những cây hoa loa kèn nở hoa trắng muốt, thi thoảng lại có vài sạp dựng dã chiến bày bán su su, bắp cải, măng tươi,…

Ai ngờ cái xứ nắng gió này lại có một vùng đất chẳng khác gì Đà Lạt. Cả đám như òa lên vì sung sướng.

Có khí hậu giống như Đà Lạt nhưng Paksong còn rất hoang sơ. Có một vài khách sạn, resort cho khách lưu trú kiêm luôn dịch vụ hướng dẫn đi rừng, tắm thác. Thác ớ Paksong nhiều vô số kể, cái thì nằm không xa quốc lộ, cái thì tít tận rừng sâu, muốn đến phải cuốc bộ mấy giờ đồng hồ. Trong các con thác, nổi tiếng đẹp và dễ đi là Tad Yueng và Tad Fane.

Hôm đó, chúng tôi nghỉ ở resort thác Tad Fane. Nằm lọt thỏm giữa rừng, đây quả là nơi tuyệt vời cho những ai muốn trốn cuộc sống thị thành. Bao bọc bởi cánh rừng bạt ngàn, ở đây không có âm thanh gì khác ngoài tiếng thác đổ ầm ầm từ độ cao hàng chục mét.

Thác Tad Fane hùng vĩ cao hàng chục mét

Chiều, nắng vàng rải mật trên ngọn núi xa xa, dòng thác trắng xóa nổi bật trên cái nền xanh ngắt của rừng. Mặt trời lặn dần, sương mù lạnh buốt len lỏi khắp nơi. Nhưng khi đêm càng sâu, sương tan dần, trăng mười sáu hiện ra trong vắt soi tỏ con đường mòn, soi tỏ những bóng cây thâm u và làm dòng thác lấp lánh ánh bạc. Không hẹn mà ai nấy lặng yên để hồn lạc dần vào chốn Thiên Thai.

Đêm huyền ảo dần trôi, mặt trời lên, Paksong hiện ra trong trẻo, yên bình. Lang thang trong thị trấn, len lỏi vào những xóm làng yên tĩnh, ngắm chậu hoa đồng tiền, bắt gặp một vài đóa dã quỳ nở sớm bỗng thấy nhớ Đà Lạt đến lạ.

Không có những đồi thông lộng gió, không có bạt ngàn hoa để sánh với Thành Phố Mộng Mơ, Paksong chỉ như nàng sơn nữ quê mùa nhưng ngoan ngoãn. Đà Lạt của chúng ta thời chưa nổi tiếng chắc cũng hiền như thế mà thôi.

Ghé vào một cái sạp dã chiến ven đường, chúng tôi ăn cơm nếp với cá nướng và gỏi đu đủ. Không khí lạnh nên thức ăn mới dọn ra một tí đã lạnh ngắt. Nhưng bù lại, món gỏi đu đủ cay xé họng khiến cả đám vừa ăn vừa xuýt xoa luôn miệng.

Mấy em nhỏ, mấy chị phụ nữ người Lào ban đầu còn bẽn lẽn, chỉ sau vài câu giao tiếp bằng động từ “to quơ” thì dạn dĩ hẳn lên, cứ cười như nắc nẻ khi chúng tôi nói “khọp chay la lai” khi từ giã lên đường.

Không theo đường cũ, chúng tôi đánh một vòng qua quốc lộ 20, ghé một chút ở Tad Lo – một con thác hùng vĩ khác – để về Pakse. Trên đường đi, những vạt dã quỳ xanh mướt trải rộng bạt ngàn. Đến mùa hoa nở, con đường này đẹp phải biết, lại có cớ để quay lại Paksong nữa rồi!

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/den-paksong-xu-lao-nho-da-lat-mong-mo-33104.html