Đêm nghe sông chảy

QĐND - Một đêm ngủ ở Hà Nam, tôi nghe như có tiếng một dòng sông đang rầm rì chảy. Tiếng chảy lúc ào ạt, khi âm thầm, lặng lẽ. Hình như có tiếng gọi đò ơi. Tôi mở cánh cửa xếp bằng ba miếng kính nhỏ ra phía sau nhà. Một khoảng tối kín bưng, một cơn gió gợn mùi hoa cỏ. Không lẽ nơi này có, hay từng có một dòng sông, và tiếng gọi đò kia có thể là hư ảo, có thể thật, hoặc hồn ma một con đò đã trôi vào quá vãng. Khi ấy, tôi nghĩ về những dòng sông tôi đã đi qua, đã từng khỏa nước, mỗi dòng sông, mỗi con suối đang gầm gào thác đổ hay lặng lẽ trôi dưới mây trời.

Sáng sớm, tôi ra sau nhà trọ, quả nhiên có một dòng sông đang chảy. Dòng chảy rất mạnh, khiến những cụm lục bình trôi nhanh. Vài con tàu lớn màu gỉ sắt đang ngậm sương trong cơn ngái ngủ, chứng tỏ lòng sông rất sâu. Một cái chợ sớm mai đang ồn ào họp. Giữa sông, một con thuyền lúc bờ bên này, thoắt sang bên nọ, mái chèo bập nước dập dềnh. Con đò chở người đi chợ, thường tình như bao ngày bao tháng bao năm. Ra nơi này gần một cửa sông, và dòng chảy trong đêm chính là tiếng nước triều lên xuống.

Tôi lặng nhớ về dòng sông quê nhà. Làng tôi nằm gọn trong vòng cung bao bọc của không chỉ một, mà hai dòng sông. Hai con sông không lớn, nhưng chẳng bao giờ thôi ăm ắp nước. Con sông từ Hòa Bình chảy về nước thường trong veo vào mùa khô, dòng từ phía Sơn Tây lại quanh năm đục. Hai con sông gặp nhau ở một ngã ba, hòa vào nhau, và từ ấy, dòng trong hoàn toàn biến mất.

Minh họa: Phạm Hà.

Bên dòng sông trong có ngọn núi hình con rùa. Người ta bảo nhìn từ trên cao, tức là trên một… chiếc máy bay nào đấy, sẽ thấy một con rùa như đang bò ra phía bờ sông, và chỉ một chút xíu nữa thôi, cái đầu của nó đã chạm vào dòng nước trong vắt. Tương truyền rằng đó là con rùa thần khổng lồ, nó đang chuẩn bị sang sông thì bị một thầy địa lý làm phép yểm. Thế là con rùa bất hạnh ấy mãi mãi nằm lại bên bờ sông cho đến ngày nay.

Tôi chưa bao giờ thấy người ta giăng cọc ngang sông và neo những chiếc thuyền mui, kéo vó gọng ở khúc sông trong, nơi từng có loài rong tóc tiên xanh mềm và hoa hồng dại nở trắng đôi bờ. Dòng sông đục có lẽ nhiều cá tôm, và những nhà bè đã neo ở đó rất nhiều năm rồi. Có những năm, ở dòng đục rất nhiều trai, hến, những người đàn ông lực lưỡng trong làng thường tranh thủ một buổi chiều quăng dây cào hến. Họ vớt từ đáy sông lên những con hến to như ngón chân cái người lớn, hình rẻ quạt, và cả những con trai mình dẹt, bên trong có lớp xà cừ óng ánh đẹp hơn tất thảy loài trai tôi từng thấy. Tôi thường tự hỏi, loài trai kỳ lạ này có khi nào âm thầm ngậm ngọc dưới lòng sông sâu, để một ngày nào đó ban phát món quà kỳ diệu ấy cho con người, để vẻ đẹp ấy trở thành vĩnh cửu.

Tôi đã quen với ý nghĩ về hai dòng sông bao quanh làng mạc của tôi đến mức cho rằng một ngôi làng có đến hai dòng sông thì còn có điều kỳ diệu nào hơn thế. Một con đê lớn bao quanh cánh đồng, kéo dài đến ngọn cây gạo chấm mờ xa lắc chứng tỏ không ít lần dòng sông làm mình làm mẩy, vật vạ với con người. Tôi đã thấy người làng lóp ngóp trong mưa giữa cánh đồng trắng xóa để vớt lên những ngọn lúa ướt sũng chìm sâu trong nước úng. Nhưng những gì dòng sông đem cho luôn nhiều gấp bội lần những thứ dòng sông đã mang đi. Là những dòng nước từ sông ngược máy bơm thủy lợi hối hả chảy về những chân ruộng cạn, để trẻ em chạy theo mương nước với con thuyền giấy trắng phau, để dế ngoi lên bờ làm chiến binh trong các cuộc tranh hùng nơi đám trẻ chăn trâu hiếu động, để những đồi ngô ruộng lúa xanh mướt mùa này sang vụ khác.

Có một chiếc cầu sắt bắc qua dòng đục để sang làng bên cạnh thay thế con đò vin khách sang sông ngày trước. Làng bên chung một dòng sông, ở bên bờ lở. Khúc sông ấy năm nào cũng một đôi chỗ đất lở, và bên làng tôi lại được bồi. Năm trước, mùa hè, tôi mang cần câu ra bờ sông câu cá, thấy những chiếc máy ủi đang cặm cụi đào xuống xúc lên cả hai bên bờ sông. Ra là dự án kè bờ sông từ phía Sơn Tây của Nhà nước đã thực hiện đến bến sông làng. Nhân công phần lớn là người làng, có người đã sống gần nửa trăm năm đời người, từ lọt lòng đã ướp đẫm hơi sông, chưa một lần xa xứ. Tôi mừng cho dòng sông quê mình, dẫu có hơi buồn vì những vạt cỏ thần tiên không còn nữa, nhưng sẽ không còn phải thấy một trảng đất lớn từ bờ bên kia thình lình đổ ụp xuống nước, mà nếu không sớm có giải pháp nó sẽ ngốn mất con đường xuyên trục nối những xã vùng trong ra tuyến Quốc lộ số 6.

Mùa thu năm trước, tôi kinh ngạc và đau lòng khi hay tin ngọn núi rùa đã bị người ta vạt cụt đầu để… nung gạch. Phong thủy nói rằng, những thế đất hình con rùa luôn đem lại sự trường thọ bình an cho cư dân quanh nó. Cứ cho rằng người ta không tin phong thủy, nhưng không biết lòng tham và sự tăm tối nào khiến họ lấy mất cái đầu rùa, vĩnh viễn tước đoạt một kỳ quan của tạo hóa.

Mùa hè năm nay, tôi mua một con diều cho cháu gái đem ra bờ sông thả. Bờ sông đã được kè tinh tươm, và con sông đang rầm rì chảy. Tôi toan lội xuống dòng nước mát lành, thì hỡi ôi, trên khắp mặt kè là rác thải, đủ thứ rác, và cả những đống bát, đĩa, ly, cốc thủy tinh vỡ sắc nhọn nằm sẵn, chờ nước sông cuốn xuống đáy với bao nhiêu hiểm họa. Ai đó đã vô ơn bội bạc, thải xuống dòng sông rác rưởi của đời sống, biến dòng sông thành một dòng chứa phế thải. Tôi không thể hình dung được người ta lại có hành vi tối tăm đến thế.

Sông không thể nói lời kêu cứu, nhưng vẫn thản nhiên trôi và dường như luôn sẵn lòng tha thứ. Bên bờ sông vẫn ngô lúa mướt xanh.

Tôi đứng trên bờ sông ở đất Hà Nam, cạnh những người đi chợ đợi đò. Mái chèo bập nước giữa dòng lục bình vùn vụt trôi. Tôi trả tiền cho bốn lượt đò sang sông, chỉ để được đắm chìm trong tiếng sông trôi. Đêm trước nằm nghe sông chảy, lòng thiết tha tiếc nhớ rong xanh và hoa trắng, những con trai mình dẹt đen sì, bên trong chứa lớp vỏ xà cừ óng ánh, mà rất có thể chúng đã từng ngậm ngọc. Có lẽ chúng đã bỏ đi đến một nơi xa lắc, cũng có thể chúng chết rồi, và linh hồn chúng đêm qua đã cất tiếng gọi đò ơi, sông thuở tôi ơi…

PHẠM THANH THÚY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/van-hoa-the-thao-giai-tri/dem-nghe-song-chay/381192.html