Để thương hiệu Việt vươn xa

(DĐDN) Đưa thương hiệu Việt Nam ra quốc tế là chuyện khó hơn nhiều so với đem hàng ngoại về Việt Nam, nhưng vẫn có nhiều người theo đuổi con đường đó.

Từ thuốc thú y…

Năm 2012, khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất chật vật tìm kiếm khách hàng tại thị trường trong nước thì ông Robert Trần (ảnh), Tổng Giám đốc Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robenny Canada, trong vai trò một nhà tư vấn chiến lược chuyên nghiệp đã thành công trong việc đưa các sản phẩm với các thương hiệu "vô danh" của Việt Nam sang thị trường nước ngoài. Cụ thể là cuối năm 2012, Robert Trần đã đưa thuốc thú y của Công ty ASTA (Việt Nam) và một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch sang Myanmar tham dự hội chợ triển lãm thương mại. Do trước đó chủ động liên kết với các cơ quan ngoại giao của Việt Nam và Canada tại Myanmar nên thông tin khá chi tiết của 2 doanh nghiệp đã được Robert Trần chuyển đến các đối tác trước khi hội chợ diễn ra. Kết quả thành công của chuyến đi đó đã giúp ASTA quyết định tổ chức cho 27 nhà phân phối của công ty tại Việt Nam sang Myanmar gặp gỡ làm việc với 4 nhà phân phối lớn tại quốc gia này vào trung tuần tháng 1/2013. Trước mắt, ASTA sẽ "đánh" chủ đạo vào 4 dòng sản phẩm thuốc thú y khác nhau. Ông Robert Trần hy vọng sẽ tiếp tục đánh tiếp sản phẩm thuốc thú y dành cho thủy hải sản, mặt hàng được tiêu thụ mạnh của thị trường này mà hiện Thái Lan đang nắm giữ thị phần lớn.

…đến nữ trang cao cấp

Nữ trang là mặt hàng không dễ giành được tín nhiệm trên thị trường Mỹ nếu không phải là thương hiệu cao cấp. Ấy vậy mà thương hiệu nữ trang Crestylla (Việt Nam) cũng dám đem chuông đánh xứ người. Nữ trang Crestylla tuy được thành lập từ năm 1988 và doanh nghiệp này có nhiều kinh nghiệm trong gia công nữ trang, song dường như chủ doanh nghiệp chưa hề có ý định làm thương hiệu một cách bài bản. Họ tìm đến Robenny với mong muốn đưa sản phẩm vào thị trường Mỹ với chi phí marketing thấp nhất có thể. Yêu cầu đó không mấy dễ chịu cho nhà làm marketing. Tuy vậy, Robert Trần vẫn nhận lời và chỉ trong vòng 6 tháng cuối năm 2012, sản phẩm nữ trang của Crestylla đã có mặt tại các khách sạn nhà hàng 5 sao của kinh đô thời trang New York. "Có thể bạn không tin khi tôi nói rằng, chi phí để làm marketing tại Mỹ trong 6 tháng qua chỉ tính bằng đơn vị vài ngàn USD", Robert Trần tiết lộ.

Bằng cách nào? Robert không ngần ngại cho biết: "Tại các nhà hàng 5 sao ở New York, bạn có thể đặt mua khoảng vài chục suất buffet trưa của nhà hàng với chi phí chưa tới 500 USD và yêu cầu họ trong vòng 1-2 tiếng để cho người mẫu nữ trang của mình trình diễn một vòng qua các bàn ăn. Họ nhận lời ngay và tỏ ra khá thoải mái với lời nhắc đừng làm gì ảnh hưởng đến khách hàng ăn trưa của họ". Ngay lập tức, đội ngũ người mẫu được thuê trước đó với nhũng bộ trang sức đẹp trên người đi vào nhà hàng. Có không ít khách hàng VIP đang ăn trưa tại đó tỏ ra thích thú và tò mò về sản phẩm. Vậy là với cách làm này, Crestylla thành công và đang chuẩn bị làm những lô hàng đầu tiên cho khách hàng tại Mỹ.

3 lưu ý khi mang hàng xuất ngoại

Tháng 1/2013, ASTA Pharma bắt đầu xuất lô hàng đầu tiên sang Myanmar và kế hoạch xuất khẩu năm đầu tiên của công ty là 5 triệu USD (chưa bao gồm phần sản xuất gia công cho các công ty dược ở châu Âu và Mỹ của công ty). Còn với nhãn hàng thời trang Crestylla, do đặc tính bán theo boutique nên doanh thu trong 6 tháng cuối năm vừa qua khoảng trên 100.000 USD. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhà làm kinh doanh, lợi nhuận của công ty dự kiến không bó hẹp trong khoản thu về ở hàng dạng boutique mà tham vọng lớn hơn là làm gia công cho các hãng thời trang lớn của New York và Ý. Tại thị trường Mỹ, hiện Robenny cũng đang tư vấn để đưa một số sản phẩm áo thun, hàng lưu niệm Artisan Angkor của Campuchia sang kinh doanh. Robert cũng đang làm chiến lược để đưa sản phẩm dành cho chó mèo của ASTA sang Mỹ. Để đưa thành công sản phẩm tốt mà chưa có thương hiệu ra nước ngoài, theo Robert Trần, có 3 điều đáng lưu ý.

Thứ nhất là chất lượng sản phẩm. Điều này hoàn toàn không khó đối với nhiều doanh nghiệp Việt. Robert kể lại: "Tôi đã từng tìm đến các chợ địa phương của Việt Nam cũng như của Campuchia và phát hiện ra rằng, hàng làm tại các địa phương có nhiều mẫu mã chất lượng rất tốt. Sản phẩm áo thun của Campuchia mà tôi đang giúp đưa sang Mỹ được tìm thấy tại một cơ sở may nhỏ ở một tỉnh lẻ của Campuchia".

Thứ 2 là sản phẩm phải phù hợp với thị trường đó. Muốn thế, trước đó doanh nghiệp phải nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu thị trường thật kỹ.

Cuối cùng là sản phẩm dù có tốt đến mấy, nhưng dịch vụ không tốt cũng sẽ thất bại.

Sản phẩm dù có tốt đến mấy, nhưng dịch vụ không tốt cũng sẽ thất bại

"Điểm yếu của doanh nghiệp Việt là làm dịch vụ cho khách hàng và hậu mãi rất yếu. Sản phẩm Việt không thua gì so với sản phẩm các nước lân cận, nhưng cách quản lý hệ thống thường kém. Nhiều doanh nghiệp ở Campuchia còn tỏ ra ngại ngần khi nói rằng, họ sợ hàng Việt, vì sau khi mua được hàng tốt rồi, muốn mua nữa họ... chạy đâu mất tiêu tìm mãi không ra", Robert Trần nói. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam thường quan niệm, có thương hiệu trong nước rồi đi ra nước ngoài sẽ thành công. Nhưng theo ông, thật ra chính ở thị trường bên ngoài vẫn có thể giúp ta thành công được. Có một thực tế khác là muốn kinh doanh trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt phải hiểu quy luật kinh doanh. Nếu doanh nghiệp gắn mác "Made in Vietnam" chỉ để khẳng định lòng tự hào dân tộc mà bỏ qua giai đoạn xây dựng thương hiệu sản phẩm thì dễ dẫn đến thất bại. "Nên nhớ trong suy nghĩ của nhiều người nước ngoài, hàng Việt Nam đồng nghĩa với chất lượng chưa cao. Vì vậy, hãy có sản phẩm tốt, phù hợp với thị trường rồi mới nghĩ đến những điều khác", Robert Trần khuyên.

Ngự Hà

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/20130128033113823cat44/de-thuong-hieu-viet-vuon-xa.htm