Ðể tập hợp thanh niên nơi cư trú

Ban Tổ chức T.Ư Ðoàn vừa ban hành Hướng dẫn đoàn viên tham gia sinh hoạt Ðoàn tại nơi cư trú. Ðây là chủ trương có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu niên.

Các đoàn viên, thanh niên tình nguyện tỉnh Thanh Hóa giúp người nghèo sửa chữa nhà cửa.

Các đoàn viên, thanh niên tình nguyện tỉnh Thanh Hóa giúp người nghèo sửa chữa nhà cửa.

Tuy nhiên, để đạt kết quả thực chất, tổ chức đoàn các cấp phải đối mặt với không ít khó khăn.

Theo hướng dẫn của T.Ư Ðoàn, đoàn viên có trách nhiệm tham gia sinh hoạt Ðoàn tại nơi cư trú (nơi cư trú nêu tại Hướng dẫn này được hiểu là nơi đoàn viên đang thường trú, hoặc tạm trú có thời hạn từ sáu tháng trở lên). Quyền của đoàn viên khi tham gia sinh hoạt đoàn tại nơi cư trú là được tổ chức đoàn nơi cư trú đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, được giúp đỡ và tạo điều kiện tham gia các hoạt động để phấn đấu. Ðược tham dự các buổi sinh hoạt, hoạt động của Ðoàn nơi cư trú và đóng góp ý kiến tại Ðại hội, hội nghị của chi đoàn, được khen thưởng, biểu dương khi có thành tích xuất sắc. Ðược lấy nhận xét, đánh giá về quá trình tham gia sinh hoạt Ðoàn tại nơi cư trú để phục vụ các hoạt động học tập, rèn luyện, phấn đấu của đoàn viên, như: giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Ðảng xem xét kết nạp; nhận xét, đánh giá xếp loại đoàn viên hằng năm; xếp điểm rèn luyện, tu dưỡng của học sinh, sinh viên trong trường học...

Ðoàn viên khi tham gia sinh hoạt đoàn tại nơi cư trú cần gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, tuyên truyền, vận động gia đình và thanh, thiếu nhi trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định khác tại nơi cư trú. Tích cực tham gia và đóng góp ý kiến trong các hội nghị, đại hội chi đoàn nơi cư trú; phát huy vai trò, trách nhiệm của đoàn viên trong việc tham gia các hoạt động của Ðoàn, Hội, Ðội tại nơi cư trú, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở Ðoàn ngày càng vững mạnh. Trước khi thay đổi nơi cư trú, đoàn viên có trách nhiệm báo cáo với chi đoàn, Ðoàn cơ sở nơi học tập, công tác và chi đoàn nơi cư trú để được giới thiệu sinh hoạt ở nơi cư trú mới. Ðoàn viên tham gia sinh hoạt Ðoàn tại nơi cư trú theo các nội dung sau: Tham gia các hội nghị, đại hội của chi đoàn, đoàn phường, xã, thị trấn nơi cư trú (theo thông báo của tổ chức cơ sở Ðoàn nơi cư trú). Tham gia các hoạt động do chi đoàn, đoàn phường, xã, thị trấn nơi cư trú tổ chức như: các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; các hoạt động tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội; chăm sóc giáo dục thiếu niên, nhi đồng; xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư; xây dựng chi đoàn mạnh ở địa bàn dân cư... Ðoàn viên là học sinh, sinh viên tham gia sinh hoạt, hoạt động Ðoàn tại nơi cư trú trong các kỳ nghỉ hè, nghỉ lễ, nghỉ Tết, hoặc các ngày thứ 7, chủ nhật. Ðoàn viên là cán bộ, công chức, viên chức tham gia sinh hoạt, hoạt động Ðoàn tại nơi cư trú vào các ngày thứ 7, chủ nhật, các kỳ nghỉ lễ, nghỉ Tết, hoặc thời điểm thuận lợi ngoài giờ làm việc. Ðoàn viên là công nhân lao động tham gia sinh hoạt, hoạt động Ðoàn tại nơi cư trú trong các ngày nghỉ, kỳ nghỉ, thời điểm thuận lợi ngoài giờ lao động. Theo Hướng dẫn, T.Ư Ðoàn yêu cầu: Trong một năm, đoàn viên tham gia ít nhất ba lần sinh hoạt Ðoàn tại nơi cư trú.

Quyết tâm của tổ chức đoàn trong việc tập hợp thanh niên ở khu dân cư-một điểm yếu của Ðoàn thanh niên trong nhiều năm qua, kết quả đạt được rất mờ nhạt, cá biệt có nơi gần như tê liệt. Ðể Hướng dẫn trên có thể được triển khai trong cuộc sống, không bị lãng quên và "chìm" trong những khó khăn, Ðoàn thanh niên các cấp từ T.Ư đến cơ sở đang đối mặt với không ít trở ngại.

Trước hết, tổ chức đoàn cơ sở, nơi đảm nhận nhiều nội dung quan trọng trong Hướng dẫn này cần phải có quyết tâm rất lớn, đội ngũ cán bộ đoàn phải nhiệt huyết, trách nhiệm và tận tâm. Tuy nhiên, đây đang là một trong những điểm yếu của tổ chức đoàn tại xã, phường, thị trấn khi mà đội ngũ cán bộ mỏng, trình độ chưa cao, năng lực công tác còn hạn chế. Ngoài ra, họ còn phải lo lắng cho cuộc sống của cá nhân, của gia đình trong điều kiện vật chất hạn hẹp. Bên cạnh đó, người bí thư đoàn phường, xã... thường phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau cho nên việc dành thời gian cho công tác tập hợp thanh niên khu dân cư là không nhiều. Trong khi đó, để có thể làm tốt công tác này, một trong những yếu tố quan trọng mà người cán bộ đoàn cơ sở cần có lại là thời gian.

Tập hợp đoàn viên, thanh niên khu dân cư là một việc khó và không thể giải quyết được chỉ thông qua những hướng dẫn cho dù có thể đó là những văn bản được chuẩn bị công phu, đầy đủ, rõ ràng. Ðội ngũ cán bộ đoàn thanh niên tại cơ sở rất cần sự trợ giúp về kỹ năng, về nhân lực và cả những cách làm cụ thể. Việc tập hợp thanh niên khu dân cư không nhất thiết phải tính bằng số lượng buổi trong năm mà cần tập trung nâng cao chất lượng các hoạt động, với mục đích cao nhất là có thể thu hút đoàn viên tích cực tham gia, đóng góp cho tổ chức đoàn. Bên cạnh đó, Ðoàn thanh niên cần đẩy mạnh tìm kiếm, biểu dương, tuyên truyền về những mô hình tổ chức đoàn cơ sở làm tốt công tác tập hợp đoàn viên khu dân cư để các cơ sở đoàn khác học tập, rút kinh nghiệm và tìm ra những hướng đi phù hợp đơn vị mình. Trong thực tế, việc vận động đoàn viên tham gia sinh hoạt đoàn tại nơi cư trú rất cần sự trợ giúp từ phía MTTQ, Hội Cựu chiến binh và các đoàn thể khác tại cơ sở.

Một yếu tố rất quan trọng khác có ảnh hưởng trực tiếp chất lượng việc tập hợp đoàn viên khu dân cư là ý thức của từng người đối với tổ chức Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh. Ðây đang là một trong những "trở ngại" rất lớn, có những tác động tiêu cực tới chất lượng tổ chức đoàn cơ sở. Mỗi bạn trẻ, mỗi đoàn viên cần xây dựng thái độ trách nhiệm, tích cực với tổ chức đoàn khu dân cư, qua đó cũng là rèn luyện cho bản thân lối sống có kỷ luật, có trách nhiệm.

ÐINH HOÀNG KHÁNH AN

Theo

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/20717602-.html