Để mô hình học tập cộng đồng phát huy hiệu quả - Cần xóa bỏ những rào cản và định kiến

(GD&TĐ) - TP.HCM đang hướng đến việc xây dựng xã hội học tập, trong đó vấn đề quan trọng nhất là xóa bỏ rào cản về nhận thức, tăng cường cơ hội học tập suốt đời trong các tầng lớp nhân dân, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, khái niệm học tập cần được thay đổi theo hướng mở: học tập không chỉ diễn ra trong lớp chính khóa, trong các trường phổ thông, đại học chính quy mà còn được tổ chức ở bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu và với bất kỳ đối tượng nào.

Học tập cần phải là thói quen

Xã hội học tập là nơi ai cũng được học và học suốt đời. Tuy nhiên, người dân hiện chỉ chú trọng giáo dục chính quy ở trường phổ thông và đại học, còn mối quan tâm với hình thức giáo dục phi chính quy chưa nhiều. Mặt khác, với thực tế xã hội đang phân tầng mạnh mẽ như hiện nay, những hình thức học tập phi chính quy lại đang là cơ hội cho người lao động không có điều kiện đến trường chính quy tham gia học tập, chính vì thế, trung tâm học tập cộng đồng là một mô hình độc đáo, ra đời trong thời gian gần đây để người dân học bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, cần gì học nấy từ xóa mù chữ, phổ cập kiến thức nông - lâm - ngư nghiệp cho đến kỹ thuật công nghiệp, tin học, ngoại ngữ, kiến thức gia đình…giúp người dân nâng cao hiểu biết, tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo một cách thiết thực.

Giáo dục từ xa là đòn bẩy để các trung tâm học tập cộng đồng phát triển. Ảnh Thanh Tùng

Theo nhiều người, quan niệm học là phải tới trường cần phải được xem xét. Bởi lẽ hình thức học phi chính quy linh hoạt về thời gian, nội dung, địa điểm, học không vì bằng cấp mà vì nhu cầu của bản thân. Anh Trần Hải Long, ngụ ở huyện Củ Chi cho biết: Trung tâm học tập cộng đồng nơi anh cư ngụ có mở lớp tập huấn trồng hoa lan, cây kiểng cho người dân, có thầy đến tận vườn hướng dẫn, có bạn bè cùng trao đổi kinh nghiệm. Mắt thấy tai nghe nên anh tự tin áp dụng, vừa học vừa làm thử nghiệm nên những kiến thức học được đã phát huy tác dụng ngay, làm ăn thấy hiệu quả rõ rệt, từ 1.000 gốc lan ban đầu đã mở rộng quy mô 14.000 gốc, từ đó gia đình thoát cảnh nghèo khó.

Thực tế là trung tâm học tập cộng đồng đang phủ rộng 322 phường, xã, thị trấn đã mang đến cơ hội học tập cho 3/4 dân số trưởng thành, đặc biệt là cho những người không có điều kiện học chính quy hay không có chi phí học ở cơ sở bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ. Thầy Trần Hùng Lâm, phụ trách hoạt động trung tâm học tập cộng đồng huyện Cần Giờ chia sẻ: Tuy đối tượng này hạn chế việc học do phải lo việc mưu sinh, chạy cơm hàng bữa. Nhưng khi họ thấy đối tượng học tập ở trung tâm học tập cộng đồng là những người xung quanh mình như ba mẹ, anh em, con cháu, từ đó họ có động lực học tập nhiều hơn, tạo thành thói quen học tập.

Cái lợi rõ nhất của các trung tâm học tập cộng đồng chính là nó mở rộng cho mọi đối tượng. Việc học không chỉ dành riêng cho lứa tuổi phổ thông, đại học mà những người lớn tuổi vẫn có thể đi học. Việc học không nhằm đạt ước mơ thay cha mẹ mà là tự mình xây dựng kế hoạch học tập trong suốt cuộc đời, trở thành con người toàn diện theo ý muốn và sở trường của mình. Tuy nhiên, do tất cả mọi người đều muốn học, nhưng vì mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, nhu cầu khác nhau thì xã hội học tập cần đáp ứng điều đó. Trường hợp cụ thể của SV Nguyễn Thị Thanh, Trường cao đẳng kĩ thuật Cao Thắng là ví dụ: Em vì nhà nghèo phải sớm bỏ học, đến khi gia cảnh bớt khó khăn thì học bổ túc văn hóa ở trung tâm giáo dục thường xuyên Q.Tân Bình rồi được hướng nghiệp học kĩ thuật, hiện cô vừa làm công nhân vừa đi học.

Cần xác định việc học để lấy kiến thức

Thực tế xã hội chúng ta hiện vẫn còn tồn tại áp lực đại học là con đường duy nhất. Nhiều gia đình, học sinh thậm chí có tâm lý nặng nề khi cho rằng rớt đại học là đường đời hết lối xuất phát. Vì vậy, theo Th.s Nguyễn Trung Nguyên, mọi người cần phải xác định học để lấy kiến thức để làm việc chứ không nên suy nghĩ học là chỉ nhằm lấy tấm bằng. Đặc biệt, với mẫu người thành đạt trong xã hội cần được đánh giá bằng giá trị đích thực là cầu tiến, giỏi tay nghề, trung thực, tận tụy, có đạo đức thay vì giá trị bằng cấp cao.

Trung tâm học tập cộng đồng phải là nơi mở ra cơ hội học nghề, học kiến thức cho toàn dân. Ảnh: Thái Hòa

Để xây dựng một xã hội học tập, theo TS Hồ Thiệu Hùng, thành viên nhóm đề tài nghiên cứu “Xây dựng xã hội học tập tại TP.HCM” thì việc học có thể dưới nhiều hình thức- chính quy, không chính quy, nhưng phải lấy tự học làm cốt yếu. Khảo sát của nhóm cũng cho thấy, cứ 100 người thì có 22 người trả lời không muốn học nữa. Bởi vì khó khăn lớn nhất cản trở việc học dẫn đầu là thiếu thời gian: 50% tiếp đến là kinh tế khó khăn: 28%, bỏ học quá lâu: 18%... Khó khăn lớn nhất là thiếu thời gian không gì khác chỉ được khắc phục bằng lòng hiếu học.

Ông Hồ Quốc Ánh, Phó Phòng Giáo dục từ xa, Sở GD-ĐT TP.HCM mong muốn các sở- ngành, đoàn thể TP.HCM tùy theo chức năng sẽ cung ứng các cơ hội học tập cho người dân. Các cơ hội đó có thể là tài liệu học tập, giáo trình, giáo án, các kinh nghiệm sản xuất- học tập để mọi công dân có thể tự tiếp thu. Hoặc qua những hình thức học tập dưới dạng các chuyên đề được tổ chức tại trung tâm học tập cộng đồng hoặc các trang thiết bị, tài liệu trong những cơ sở giáo dục hoặc những thiết chế ngoài ngành giáo dục như nhà văn hóa, thư viện, viện bảo tàng... Đặc biệt, kiến nghị đầu tư ngân sách cho sự phát triển của trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng ở các phường, xã, thị trấn, giúp người học thuận lợi hơn.

Chỉ có học tập mới làm thay đổi cuộc đời, rút ngắn khoảng cách phân hóa kiến thức trong xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, để đáp ứng một cách tốt nhất, phù hợp nhất nhu cầu học tập của người dân ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ rất cần các cơ quan, ban ngành liên quan cùng nhau tổ chức, thực hiện các hoạt động thiết thực nhằm mang lại cơ hội học tập cho mọi người ở mọi lúc, mọi nơi và suốt cả cuộc đời.

Trang Thùy

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2741/201211/De-mo-hinh-hoc-tap-cong-dong-phat-huy-hieu-qua-Can-xoa-bo-nhung-rao-can-va-dinh-kien-1965131/