Để kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo

(ANTĐ) - LTS: Góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XI của Đảng, GS. TSKH Phan Văn Tiệm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho biết, vấn đề đa dạng hóa thành phần sở hữu tập đoàn, tổng công ty cần được xem xét thấu đáo để có quyết định mang tính đột phá trong phát triển kinh tế 10 năm tới.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH khẳng định: “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo…”. Vậy làm thế nào để bảo đảm được vai trò chủ đạo của Nhà nước nhưng vẫn phát huy được vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tập đoàn, TCT, không để lặp lại những đổ vỡ tương tự Vinashin vấn đề cần được mổ xẻ nghiêm túc để các tập đoàn, TCT hoạt động hiệu quả hơn, trở thành nắm đấm chiến lược của nền kinh tế trong thời gian tới như kỳ vọng đặt ra ban đầu. Việc xem xét một cách nghiêm túc mô hình tập đoàn, TCT Nhà nước mà điều kiện quyết định rất lớn là đa dạng hóa thành phần sở hữu tập đoàn, TCT cần được xem xét thấu đáo để có quyết định mang tính đột phá trong cương lĩnh cũng như chiến lược phát triển kinh tế 10 năm tới. Để phát huy được sức mạnh của các tập đoàn, TCT với tư cách là các nắm đấm chiến lược kinh tế, Nhà nước chỉ nên định hướng, quản lý bằng cách ban hành các định chế, các thể chế, bằng lập pháp để hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế phát triển, bằng đơn đặt hàng, bằng những ưu đãi khác cần thiết chứ không phải sở hữu. Bởi khi đã sở hữu thì Nhà nước phải can thiệp, phải dấn sâu vào, không tạo ra được sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng đồng vốn, dẫn tới thất thoát, lãng phí… và các hệ lụy khác. Vì vậy, nếu không cải tiến mô hình hoạt động các tập đoàn theo hướng đa thành phần sở hữu sẽ dẫn tới sức mạnh tập đoàn sẽ bị hạn chế, nắm đấm kinh tế sẽ bị yếu đi. Thứ hai là sẽ tồn tại những nguy cơ như thua lỗ, thất thoát... Giải bài toán đa thành phần sở hữu tập đoàn, TCT Nhà nước phải làm một cách bài bản. Một là kết hợp với tư nhân trong nước để nhẹ “nồng độ” quốc doanh, hai là bản thân quốc doanh cũng phải đi bán cổ phần để đa sở hữu hóa phần của mình, ba là thu hút những người khác cộng lại thành tập đoàn đa sở hữu. Đương nhiên phải theo cơ chế thị trường, phải cạnh tranh, mà bản thân nội bộ tập đoàn cũng có quyền cạnh tranh với nhau để không bị triệt tiêu động lực phát triển. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thay đổi mô hình tập đoàn theo hướng đa thành phần sở hữu nhưng vẫn bảo đảm “Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo” như trong dự thảo văn kiện ĐH XI khẳng định? Trước hết, cần dứt khoát khẳng định “kinh tế Nhà nước” cần và có thể được xây dựng dần trở thành lực lượng “chủ đạo” trong định hướng phát triển nền kinh tế nước ta, chứ không phải xây dựng nhiều DN Nhà nước với 100% vốn thuộc sở hữu của Nhà nước. Kinh tế Nhà nước là một phạm trù rộng lớn hơn rất nhiều so với phạm vi DN Nhà nước. Kinh tế Nhà nước cần được hiểu là một tập hợp sức mạnh kinh tế từ các định chế luật pháp, định chế tài chính chứ không phải chỉ đóng khung trong số tài sản đăng ký của các DNNN. Sức mạnh của kinh tế Nhà nước còn được nhân lên gấp bội để làm vai trò chủ đạo, định hướng (XHCN) bởi sức mạnh quản lý điều hành của hệ thống chính trị, quyền lực quốc gia của Nhà nước.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=83665&channelid=3