Để hơn 130.000 tỷ đồng đầu tư công đi đúng địa chỉ

Từ nay đến cuối năm, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) là phải giải ngân hết lượng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trợ giúp DN giải quyết khó khăn.

Từ nay đến cuối năm, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) là phải giải ngân hết lượng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trợ giúp DN giải quyết khó khăn.

Với con số giải ngân mỗi tháng bình quân 22.900 tỷ đồng, để hướng dòng vốn đi đúng địa chỉ và đạt hiệu quả cao là một thách thức không nhỏ.

Thách thức giải ngân đầu tư công trong nửa cuối năm nay cũng là một trong những chủ đề được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị ngành KH&ĐT vừa diễn ra tại Hà Nội.

Thủ tướng cho rằng, CPI nửa đầu năm chỉ tăng 2,52% so với cùng kỳ là chuyển biến tốt đối với việc kiềm chế lạm phát, nhưng lạm phát quá thấp sẽ hạn chế tăng trưởng. Bởi vậy, cần điều hành sao cho lạm phát ở mức 6 - 7%, GDP tăng trưởng từ 5,2 - 5,7%. Đây là mục tiêu có thể đạt được nếu chúng ta giải ngân hết nguồn vốn đã bố trí.

Theo Bộ KH&ĐT, trên cơ sở con số 6 tháng đầu năm, từ nay đến cuối năm, dự kiến mỗi tháng sẽ phải giải ngân bình quân 22,9 nghìn tỷ đồng thì mới hết lượng vốn đã bố trí từ đầu năm. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng, sở dĩ vốn đầu tư giải ngân chậm là vì kế hoạch giao muộn, thường tháng 3 - 4 mới giao, sau đó địa phương bố trí vốn rồi nhà thầu thi công. Do vậy, trong 5 tháng đầu năm khối lượng thực hiện rất ít, từ tháng 6 trở đi mới có thể tăng tốc giải ngân.

Tuy nhiên, các địa phương lại không quá lo lắng về việc “không tiêu hết tiền”. Giám đốc Sở KH&ĐT Đồng Nai Bồ Ngọc Thu cho biết, giải ngân vốn trái phiếu chính phủ tại Đồng Nai đã đạt 100% kế hoạch năm, giải ngân vốn xây dựng cơ bản đạt trên 40%, từ nay cuối năm sẽ hoàn thành dự toán. Tương tự, đại diện các địa phương như Thanh Hóa, Nam Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Nghệ An… đều cho rằng, giải ngân không phải là thách thức quá lớn, vì khối lượng giải ngân đến hết 6 tháng đã đạt khoảng 40%.

Đối với việc tháo gỡ khó khăn cho DN, phản ánh từ các địa phương cho thấy 2 xu hướng trái ngược. Theo đại diện một số tỉnh, thành phía Bắc, DN khu vực này gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, đầu ra. Chẳng hạn, tỉnh Hòa Bình có khoảng 2.100 DN, nhưng có tới 700 DN giải thể, tạm dừng hoạt động; ở Nghệ An có 7.500 DN, trong đó khoảng 2.000 DN giải thể, tạm dừng hoạt động… vì những lý do này. Theo ông Hồ Đức Phớc, Chủ tịch tỉnh Nghệ An, vốn vay hiện đã rẻ hơn, nhưng đa số DN trên địa bàn vẫn không thể tiếp cận ngân hàng do điều kiện vay vốn quá ngặt nghèo, nhất là yêu cầu về tài sản thế chấp.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch tỉnh Nam Định cũng phản ánh tình trạng tương tự trên địa bàn. Theo ông Tuấn, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,2 - 5,7% thì quan trọng nhất là chính sách tiền tệ phải nới hơn. Hiện nay, các ngân hàng yêu cầu DN phải tất toán khoản vay lãi suất cao trước đây thì mới cho vay tiếp với lãi suất thấp. Điều này gây khó cho DN. Ông Tuấn đề xuất Chính phủ, NHNN xem xét chủ trương cho DN giãn nợ hoặc trả nợ theo lộ trình song song với việc được vay tiếp các khoản vay giá rẻ. Như vậy, ngân hàng vừa thu được nợ, DN cũng có vốn để sản xuất.

Để giúp DN tiếp cận vốn, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị xem xét cho DN sử dụng hàng tồn kho có giá trị làm tài sản thế chấp, cầm cố. Theo ông Cao, trên địa bàn tỉnh, nhiều DN có hàng tồn kho chiếm tỷ lệ cao, dự án sản xuất bị ngân hàng đánh giá là có khả năng trả nợ thấp nên không cho vay. Liên quan đến vấn đề hàng tồn kho, báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy, hàng tồn kho từ mức 35% cuối quý I đã giảm xuống còn 29% vào cuối quý II. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, hàng tồn kho giảm vì sức mua tăng lên hay vì DN hạn chế sản xuất thì cần phân tích rõ để có giải pháp kịp thời.

Khác với vấn đề của khối DN phía Bắc, phản ánh của một số địa phương phía Nam như TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai… cho thấy, vốn, sức mua không hẳn là rào cản lớn nhất với DN. Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP. HCM nhận định, khó khăn lớn nhất của DN trên địa bàn không phải là vốn hay thị trường, mà là rào cản từ bộ máy hành chính như thuế, hải quan, các loại giấy phép… Ông Hà cũng cho biết, TP. HCM rất tích cực “vướng đâu, gỡ đó”, nhưng vẫn là những giải pháp riêng lẻ, nhiều vấn đề phải chờ các bộ, ngành xem xét điều chỉnh. Chẳng hạn như thuế môi trường đối với sản phẩm nilông đến nay vẫn chưa có hướng dẫn, thuế đối với dịch vụ số hóa chưa được xác định rõ ràng, thuế tạm nhập tái xuất…

Ngoài ra, ông Hà kiến nghị Bộ KH&ĐT sớm báo cáo Chính phủ để có hướng dẫn đối với các dự án FDI hết hạn. Theo đó, tại TP. HCM hiện có khoảng 800 dự án hết hạn, chưa đăng ký lại và theo đúng luật thì phải ngừng hoạt động. Riêng năm 2012, có 30 dự án với khoảng 600 triệu USD vốn đầu tư nằm trong tình trạng này. Địa phương đã có công văn xin gia hạn, bởi những dự án này đều có hiệu quả tốt, tạo ra một lượng lớn công ăn việc làm, nhưng chưa nhận được hướng dẫn về vấn đề này.

Ông Bùi Quang Vinh

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

“Có thể thu hồi lại vốn đã giao nếu vẫn đầu tư dàn trải”

Đối với vốn đầu tư từ ngân sách, Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã trao quyền cho bộ ngành, địa phương tự phân bổ trong tổng số vốn Chính phủ đã giao. Trên cơ sở đó, Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính sẽ thẩm định và giám sát sự phân bổ này. Nếu phân bổ dàn trải thì yêu cầu bố trí lại, nếu không bố trí lại thì Thủ tướng sẽ thu hồi số vốn đó. Tôi rất thông cảm với các địa phương, bộ ngành, bởi việc thu gọn đầu tư trong thời gian ngắn là không đơn giản, khi đó dự án dang dở sẽ ra sao, kèm theo đó là các vấn đề nhân sự. Nhưng tinh thần là phải hạn chế tối đa tình trạng này.

Vừa qua, Bộ KH&ĐT phải can thiệp một số trường hợp, chẳng hạn dự án nhóm C yêu cầu thời gian thực hiện không quá 3 năm, nhóm B không quá 5 năm.

Việc siết chặt kỷ luật đầu tư công cho thấy hiệu quả rất rõ nét, số công trình hoàn thành trong năm 2012 tăng lên và số công trình khởi công mới rất ít, ví dụ như riêng vốn ngân sách nhà nước đầu tư hỗ trợ có mục tiêu, số công trình khởi công mới chưa tới 50% so với trước đây. Nếu tiếp tục thực hiện đúng theo hướng này và có sự hợp tác chặt chẽ giữa địa phương, bộ, ngành, từ nay đến năm 2015 sẽ cơ bản hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải.

Theo Bùi Trang

ĐTCK

Nguồn CafeF: http://cafef.vn/2012070708037481ca36/de-hon-130000-ty-dong-dau-tu-cong-di-dung-dia-chi.chn