Để hạt ngày tết là những nụ cười

Ngày Tết, trên bàn mỗi gia đình thường bày các loại bánh mứt kẹo, trái cây và không thể thiếu món hạt nhâm nhi.

Ảnh minh họa/internet

Thói quen cắn hạt nghe nổ lách tách như cách nối dài thêm câu chuyện vui ngày Tết. Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý vì hạt có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Hạt thực vật trở thành dị vật

Dị vật hạt thực vật ở trẻ em xảy ra khi trẻ ngậm chơi hít phải, hóc sặc, hoặc nhét trực tiếp các dị vật vào lỗ tai, lỗ mũi. Dị vật hạt thực vật chiếm khoảng 20% các nguyên nhân dị vật ở trẻ em.

Đây là nguyên nhân dẫn đến suy hô hấp nặng nguy cơ tử vong, hoặc bệnh dai dẳng kéo dài vì không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Từ những món hạt ăn chơi như: hạt dưa, hạt bí, hạt dẻ cười, hạt điều, hạt hướng dương, hạt đậu phộng, hạt sen đến các loại hạt ngũ cốc chế biến thức ăn như: đậu xanh, đậu đen, đậu nành, đậu đỏ, lúa, gạo, tiêu, bắp đều có thể trở thành dị vật ở trẻ em.

Hoặc các loại trái cây tươi hay khô có hạt như: mãng cầu, chà là, dưa hấu, quít, sơ ri, chôm chôm, me, đu đủ, mận, chùm ruột, nho, ổi, chanh... cũng là những nguy cơ cần lưu ý.

Món chơi ngày Tết cho trẻ nhỏ

Thống kê tại BV. Nhi Đồng 1, TP.HCM, cho thấy dị vật hạt xảy ra nhiều vào tháng 1 - 3 là dịp Tết. Xảy ra ở mọi tuổi, ở trẻ em tuổi nhỏ nhất là 5 tháng và lớn nhất là 12 tuổi. Nhưng gặp nhiều nhất là nhóm tuổi nhà trẻ từ 1- 5 tuổi chiếm đến 74,5%. Trẻ trai mắc nhiều hơn trẻ gái gần 3 lần (2,6/1) do trẻ trai thường hiếu kỳ, năng động và nghịch ngợm hơn trẻ gái.

Trẻ nhỏ có đặc điểm tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh bằng tay - miệng và các giác quan mùi vị. Trẻ có thể ngồi yên rất lâu chỉ để ngắm nhìn, khám phá thứ cầm nhặt được.

Do vậy, ngày Tết khi được dịp chơi thỏa thích trong lúc người lớn bận rộn với nhà cửa, khách khứa, trẻ dễ tìm chơi với khay mứt, với những hạt nhâm nhi, hạt trái cây hay những vỏ hạt nhặt lấy được trên bàn, sàn nhà trong tầm tay, tầm mắt.

Chơi chán, trẻ lại cho các hạt vào miệng (47,9%), vào tai (36,4%) hoặc vào mũi (15,7%) mà người lớn không thể biết được.

Ngậm chơi gây hóc sặc

Trẻ cũng bắt chước người lớn bốc ăn hạt nhưng do không tách hạt được, cũng chưa đầy đủ răng để nhai nên trẻ hay để ngậm lâu trong miệng hoặc nuốt chửng hạt không nhai.

Nuốt luôn cả vỏ hoặc mảnh vỏ hạt cũng dễ khiến trẻ bị mắc nghẹn. Vừa ngậm vừa chơi, vừa la khóc sẽ dễ vô tình gây hóc sặc hoặc làm hạt rơi sâu vào thực quản, rớt nhanh vào đường thở.

Rất thường gặp dị vật hạt rớt vào bít tắc đường thở gây nghẹt thở cấp biểu hiện đột ngột tím tái, khó thở. Gây nghẹt một phần đường thở gây khó thở, tăng đàm làm trẻ ho sặc sụa, vẻ vật vã, hoảng hốt. Tiếng thở sau đó trở nên rít và khò khè.

Đối với trẻ chưa nói được thì dấu hiệu kẹt hạt ở cổ thấy được là trẻ bị chảy nước miếng, rất sợ ăn uống, và, hoặc hay lấy tay cào cổ, giữ cổ. Hạt nghẹt ở mũi gây viêm mũi dai dẳng, hôi mũi, thủng loét mũi.

Nhét hạt vào tai gây đau tai, viêm nhiễm tai khó chịu. Hạt thực vật thường tròn, dễ trơn tuột xuống phế quản nên nhiều trường hợp cơ thể chưa kịp có phản xạ ho tống ra ngoài nên ngay lúc hóc sặc, triệu chứng thường không biểu hiện rõ ràng và dị vật bị bỏ qua trở thành bệnh dai dẳng kéo dài tái đi tái lại không trị dứt được.

Hạt rơi sâu, ở lâu trong cơ thể tạo thành ổ mủ

Đáng lưu ý có những trường hợp hóc sặc hạt bị biến chứng nặng hơn do sơ cứu không đúng. Người nhà khi biết được đã dùng tay hoặc móc tai, nhíp, kẹp cố gắng gắp ra.

Tìm mọi cách lấy ra cho bằng được vô tình đẩy hạt vào sâu hơn, gây trầy rách nhiều vùng hầu họng, chảy máu mũi thậm chí thủng cả màng nhĩ ở tai. 52,7% trường hợp dị vật hạt xâm nhập qua đường mũi, miệng trở thành bệnh lý dai dẳng, trong đó biến chứng phổi chiếm tỷ lệ cao nhất (38,8%).

Viêm phổi, xẹp phổi, áp-xe phổi, tràn khí màng phổi, xảy ra chủ yếu do hóc hạt đậu phộng, hạt dưa, hạt mãng cầu ở lâu, thậm chí nhiều tháng trong phổi tạo thành ổ mủ trị bằng thuốc không khỏi.

Hạt còn chứa chất béo thực vật đóng vai trò quan trọng trong viêm phổi khó trị. Hạt nằm lâu còn có khả năng ngậm nước và nở to ra bám dính vào niêm mạc gây bít tắc, tổn thương viêm loét, trầy xước, chảy máu.

Cá biệt có trường hợp hạt đã nẩy mầm, mọc thành cây trong phổi. Trẻ nuốt hạt to như chôm chôm, chà là, hoặc nuốt nhiều hạt sơ ri, không tiêu hóa được sẽ tích tụ lại thành khối trong ruột làm tắc nghẽn ruột, gây đau bụng dữ dội và ói nhiều phải phẫu thuật mới hết bệnh.

Để hạt ngày Tết là những nụ cười

Hạt ngày Tết có nguy cơ gây tai nạn bất ngờ mà trẻ em không nên ăn hoặc dùng làm đồ chơi, đặc biệt đối với trẻ em nhỏ. Người lớn cần cảnh giác ngăn ngừa khi trông giữ trẻ.

Không cho trẻ nhỏ hơn 6 tuổi ăn, ngậm, chơi các loại hạt nhâm nhi. Không cho trẻ ăn trái cây chưa lấy hết hạt. Nhà có trẻ nhỏ nên lưu ý đặt khay mứt hạt ngoài tầm tay tầm nhìn của trẻ. Bảo quản hạt ngũ cốc cẩn thận.

Đổ bỏ hết vỏ hạt nhâm nhi cũng như hạt trái cây, không để vương vãi gần trẻ hoặc rơi rớt trên nền nhà để tránh trẻ nhặt chơi. Đối với trẻ lớn, lưu ý dạy trẻ ăn hạt cẩn thận tránh hóc sặc để món hạt nhâm nhi luôn là những tiếng nổ lách tách đếm một tuổi qua, thêm nhiều may mắn và thêm những nụ cười ngày Tết.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/de-hat-ngay-tet-la-nhung-nu-cuoi-1639388-l.html