Để công tác phòng, chống tham nhũng thực sự đạt hiệu quả

LTS: Thời gian qua, Báo Đại Đoàn Kết đã có loạt bài nêu ý kiến của nhiều học giả, bạn đọc trong cả nước về Mô hình cho phòng, chống tham nhũng (PCTN). Ngày 15-5, tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị, trực tiếp Tổng Bí thư là Trưởng ban; lập lại Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo Trung ương về PCTN. Đây là một sự đổi mới, bước phát triển trong công tác này. Bên cạnh những kỳ vọng của nhân dân là những trăn trở. Để khép lại loạt bài về mô hình PCTN, PV báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với nguyên Phó ban Tổ chức TƯ, nguyên Trưởng Ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương Nguyễn Đình Hương.

Ông Nguyễn Đình Hương

PV: Hội nghị TƯ 5 lần này đã thực sự vào cuộc, đấu tranh chống "giặc nội xâm”- tham nhũng. BCH TƯ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị. Theo ông, làm thế nào để BCĐ ấy thực sự phát huy được hiệu quả?

Ông Nguyễn Đình Hương: - Trước hết, phải nói tôi rất phấn khởi vì Hội nghị Trung ương 5 đã rất sáng suốt khi quyết định một tổ chức chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, BCH TƯ Đảng mà Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Đó là quyết định rất sáng suốt và mới. Nhưng, tôi cũng đã từng nói và chia sẻ với ý kiến của Đại Đoàn Kết, đó là: BCĐ TƯ chưa phải là nhân tố quyết định trong việc PCTN mà nó còn nhiều vấn đề khác nữa. Bởi, trong lịch sử chúng ta đã từng có nhiều cuộc vận động chống tham nhũng rồi. Kể cả Nghị quyết 6(2) khóa VIII cũng đã nêu vấn đề này. Cũng từng đã có một BCĐ do Tổng Bí thư và Thường trực Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo công tác chống tham nhũng. Tuy nhiên, kết quả chưa cao.

Lần này có khác với các lần trước về mặt tổ chức. Nhưng còn một cái khác lớn nhất, theo tôi, là NQ TƯ 4 và Hội nghị TƯ 5 bàn về công tác PCTN tuy "hai mà là một”. Hai hội nghị này với những vấn đề được TƯ đem ra bàn bạc có ý nghĩa bổ sung cho nhau. Đấy là điểm mới quan trọng nhất và theo tôi đó cũng là kết quả quan trọng nhất của Hội nghị TƯ 5.

Thưa ông, cuộc đấu tranh chống tham nhũng quả là rất gian nan, cam go, phức tạp. Trong tình hình hiện nay, khi thực hiện NQ TƯ4, NQ TƯ 5, chúng ta nên bắt đầu công cuộc chống tham nhũng từ đâu?

- Toàn Đảng, toàn dân đều đánh giá: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với vấn đề đạo đức cách mạng của người đảng viên mà đề cập đến cả sự sống còn của Đảng, của chế độ thì không còn lời nào khác hơn nữa. Như vậy, trách nhiệm trước hết là của những người trong cuộc; của toàn Đảng, toàn dân- mọi người đều phải vào cuộc chứ không phải chỉ của một vài người nào đó. Bởi đây là một cuộc cách mạng lớn, cuộc cách mạng chống "giặc nội xâm”. Trong cuộc cách mạng chống giặc ngoại xâm, Bác Hồ đã từng nói "Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Nhưng ở giai đoạn hiện nay, tuy Bác đi xa nhưng Bác còn để lại cho chúng ta, cho thế hệ con cháu chúng ta một nỗi trăn trở. Đó là, phải "Xây dựng Đảng thực sự trong sạch và vững mạnh”. Trong đó, Bác chỉ rõ: Trong Đảng phải đoàn kết, phải thương yêu nhau và phải thực sự là người công bộc của nhân dân. Bây giờ tham nhũng đã trở thành tệ nạn, càng tham nhũng thì càng phân hóa giàu nghèo và tất yếu dẫn đến mất đoàn kết. Thứ ba, đều gọi là "công bộc của nhân dân” nhưng cần phải nhìn nhận và đánh giá cho đúng. Bây giờ trong cán bộ lãnh đạo những ai thực sự còn là công bộc của nhân dân? Cái mà tôi trăn trở nhất là câu hỏi vì sao chống tham nhũng nhưng không ngăn chặn được? Câu hỏi đó phải được nhiều nhà khoa học, cán bộ giải đáp. Đã đến lúc phải tìm cho ra nguyên nhân vì sao tham nhũng vẫn còn chỗ hoạt động và phát triển?

Vậy, theo ông, giờ đây chúng ta phải nêu cao vai trò người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng?

- Tôi cũng nhất trí phải đề cao vai trò người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, cũng xin nêu mấy nguyên nhân: Thứ nhất, tham nhũng còn có đất để phát triển nếu chúng ta vẫn để tồn tại cái cơ chế "xin-cho”, cơ chế "độc quyền” như hiện nay. "Xin-cho” ở đây như xin đề án, xin đất đai, xin chỉ định thầu. Thứ hai là trong công tác cán bộ còn có kiểu độc quyền, không qua thi tuyển khi bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo của các bộ, ngành... Nếu không thay đổi những tư duy này thì có tổ chức bộ máy chống tham nhũng theo cách nào cũng khó mà chống được tham nhũng.

Vấn đề cuối cùng của cuộc cách mạng chống tham nhũng là phải làm từ trên xuống, từ người đứng đầu. Người đứng đầu mà không gương mẫu, không giương cao ngọn cờ chống tham nhũng thì không bao giờ chống được tham nhũng. Các cụ ta đã nói "thượng bất chính, hạ tất loạn”, trên mà không nghiêm thì không làm gương cho cấp dưới. NQ TƯ 4 nhận định rằng, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất. Vậy thì, trong bộ phận không nhỏ này, theo tôi, không loại trừ có cả những cán bộ, đảng viên đang đương chức; thậm chí ở cả cấp Trung ương. Nếu cuộc đấu tranh này mà xuê xoa, nể nang, tránh né, sợ bị mất lòng, thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng không thể thành công.

Cán bộ, đảng viên cần thẳng thắn đấu tranh, phê bình và tự phê bình. Cán bộ đi trước, làng nước theo sau. Cấp trên đi trước thì cấp dưới mới theo.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mai Loan-Việt Thắng

(Thực hiện)

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=50400&menu=1390&style=1