Đế chế bí mật và hùng mạnh của ông chủ PSG

Cái tên Paris Saint-Germain bỗng dưng nổi như cồn sau khi được các ông chủ Qatar thâu tóm vào mùa hè vừa qua. Giống như các đội bóng giàu có bất ngờ là Manchester City, Malaga…, PSG cũng ra sức làm mưa làm gió trên thị trường chuyển nhượng. Tuy nhiên, câu hỏi lớn với khá nhiều người hâm mộ bóng đá là: ai đứng đằng sau toàn bộ cuộc lột xác của đội chủ sân Công viên các hoàng tử?

Dầu loang ở kinh đô Ánh sáng

Bóng đá Châu Âu đang trải qua giai đoạn đặc biệt và kỳ lạ. Người ta có thể ngửi thấy mùi dầu mỏ ở hầu hết các giải bóng đá lớn nhất lục địa già. Manchester City trở thành lá cờ tiên phong trong cuộc đổ bộ của những nhà tỷ phú Ả-rập vào giới túc cầu. Malaga hùng hồn tuyên bố sẽ cạnh tranh với hai ông kẹ Real Madrid và Barcelona sau khi được làm nóng máy bởi những thùng dầu từ Trung Đông. Blackburn Rovers nhăm nhe thực hiện cuộc lật đổ. Và Paris Saint-Germain làm loạn thị trường chuyển nhượng bằng việc nhắm tới tất cả những cầu thủ danh giá nhất hành tinh.

Sau khi mua 70% cổ phần từ Colony Capital vào ngày 31/05/2011, quỹ đầu tư hoàng gia Qatar chính thức trở thành chủ sở hữu đội bóng thành Paris hoa lệ. Bắt đầu từ đó, PSG trở thành hiện tượng trên thị trường chuyển nhượng vốn đã sôi sục. Họ thực sự chứng minh tham vọng của mình bằng việc bỏ ra 43 triệu Euro để chiêu mộ tiền vệ Javier Pastore, mức giá họ đưa ra lớn hơn nhiều so với lời đề nghị của Man City hay Chelsea. Trước đó, đội bóng chủ sân Công viên các hoàng tử cũng đã chi 43 triệu euro cho 6 sự bổ sung nhân sự khác.

Các ông chủ Qatar giúp PSG bay cao

Chưa dừng lại ở đó, dựa vào tiềm lực tài chính bất tận của các ông chủ Qatar, PSG – dưới sự tư vấn của giám đốc thể thao Leonardo – đã khiến nhiều CLB lo đứng lo ngồi khi họ hướng tầm ngắm đến Kaka, Drogba, C. Ronaldo… Rõ ràng, tiền từ những mỏ khoan dầu đã giúp PSG lột xác. Dầu đã loang khắp kinh đô Ánh sáng Paris của nước Pháp.

Đi tìm người đàn ông quyền lực ở Công viên các hoàng tử

Giới truyền thông – như thói quen rất xấu của họ - cố gắng dùng tất cả mọi cách để moi móc thông tin về ông chủ của PSG. Đương nhiên, họ biết rằng quỹ đầu tư Qatar được cho là đơn vị chính thức chi tiền mua 70% cổ phần của PSG. Song, ai mới là nhân vật thực sự có tiếng nói quyết định trong thương vụ mang tên Paris Saint-Germain?

Về mặt lý thuyết, người đứng đầu quỹ đầu tư Qatar là tiểu vương Sheikh Hamad bin Khalifa Al Thani, người đứng đầu hoàng gia Qatar. Vị tiểu vương sinh năm 1952 này nổi tiếng là người đam mê thể thao. Năm ngoái, các tờ báo lớn của Anh đồng loạt đưa tin về việc tiểu vương của Qatar bày tỏ ý định mua lại CLB Mancheter United từ nhà Glazer với giá 1,6 tỷ bảng. Mùa hè vừa rồi, chính Sheikh Hamad bin Khalifa Al Thani đã thuyết phục Barcelona đồng ý ký bản hợp đồng tài trợ áo đấu kỷ lục với giá trị 125 triệu bảng. Tuy nhiên, báo giới không cho rằng Sheikh Hamad bin Khalifa Al Thani lại đủ thời gian để điều hành một đội bóng cụ thể. Vì thế, người ta nghĩ đến mục tiêu khác.

Tamim ben Hamad al-Tahani, 32 tuổi, là thế tử của Qatar. Nhà tỷ phú trẻ tuổi này quản lý các hoạt động đầu tư của Quỹ đầu tư Qatar. Ông kiếm lời từ những khoản tiền đổ vào chuỗi cửa hàng đồ hiệu đắt tiền Harrod’s, hãng xe hơi Volkswagen (17,1% cổ phần) cho đến Porsche (10%). Báo chí cho rằng PSG là món đồ chơi mới nhất của Tamim ben Hamad al-Tahani. Giống như cha mình, Tamim ben Hamad al-Tahani cũng đặc biệt quan tâm đến thể thao. Ông chính là người đứng đầu chiến dịch vận động giúp cho Qatar dành quyền đăng cai World Cup 2022. Suốt một thời gian dài, giới truyền thông tin rằng Tamim ben Hamad al-Tahani là ông chủ thực sự của PSG. Cho đến một ngày, Hamad bin Thamer Al Thani xuất hiện.

37 tuổi, từng đảm đương các chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền Qatar (cụ thể là vị trí bộ trưởng bộ thông tin và tuyên truyền Qatar), Hamad bin Thamer Al Thani là em trai cùng cha khác mẹ của tiểu vương Sheikh Hamad bin Khalifa Al Thani. Vị trí của Al Thani trong Hoàng gia Qatar được đánh giá giống như người đại diện của cả Hoàng tộc trước thế giới. Trong chiến dịch quảng bá hình ảnh của Qatar, việc thâu tóm PSG chỉ là một nước cờ.

Đế chế truyền thông của ông trùm

Sau khi rời vị trí bộ trưởng bộ thông tin và tuyên truyền Qatar, Hamad bin Thamer Al Thani tiếp nhận vai trò chủ tịch công ty truyền thông Al Jazeera, trực thuộc tập đoàn Qatar Media. Sau 5 năm, Al Thani đã biến Al Jazeera từ một công ty chỉ được biết đến trong lãnh thổ Qatar trở thành đế chế truyền thông phủ bóng trên toàn thế giới.

Hamad bin Thamer Al Thani tiêu khiển bằng việc mua sắm xe hơi. Ông sở hữu bộ sưu tập gồm 17 chiếc xe thuộc những hãng danh tiếng nhất. Ông có Lamborghini Gallardo, Porsche 911, Hummer H2, Mercedes-Benz S500, Ferrari 550 Maranello, Bentley Continental GTC, Aston Martin DB7… Ông là tay biết chơi. Song, đam mê lớn nhất của Al Thani vẫn là công việc.

Al Thani (trái) sẽ biến PSG thành 1 thế lực

Dưới sự điều hành của Al Thani, Al Jazeera phát triển hầu như tất cả các lĩnh vực trong ngành truyền thông, tập trung chủ yếu là truyền hình và phát thanh. Phương châm xây dựng danh tiếng của Al Jazeera dường như là tạo ra các bê bối để được biết đến. Trong 5 năm dưới sự điều hành của Al Thani, Al Jazeera đã dính vào các vụ kiện tụng ở Bahrain, Iran, Ai Cập, Kuwait, Somalia, Tây Ban Nha, Mỹ… Thành quả từ những rắc rối ấy là thương hiệu Al Jazeera phát triển cực kỳ mạnh mẽ. Theo tính toán của tờ Detroit Magazine, Al Jazeera hiện tại có khán giả ở 46 quốc gia và vùng lãnh thổ. Họ sở hữu 17 kênh truyền hình, 5 đài phát thanh, 9 tờ báo và tạp chí.

Sức mạnh truyền thông của Al Jazeera đóng vai trò quan trọng trong việc đưa hình ảnh Qatar ra thế giới. Thông tin không chính thức cho biết, hàng năm, hoàng gia Qatar tài trợ cho hoạt động của Al Jazeera – cụ thể là thông qua sự điều hành của Al Thani - ngót nghét 2 tỷ USD. Số tiền khổng lồ này được sử dụng vào việc bành trướng Al Jazeera.

Sự ảnh hưởng của Al Thani đối với PSG được cụ thể hóa khi ông trở thành chủ tịch CLB sở hữu SVĐ Công viên các hoàng tử. Cùng thời gian đó, đế chế truyền thông Al Jazeera bỏ ra 200 triệu USD mua trọn gói bản quyền truyền hình giải Ligue 1. Xem ra, Al Thani không chỉ có ý định thống trị PSG, ông còn đang có tham vọng điều khiển cả nền bóng đá Pháp.

"24H sẽ TƯỜNG THUẬT TRỰC TIẾP kèm video bàn thắng và tình huống các trận đấu của U23 Việt Nam tại SEA GAMES 26, mời Quý vị và các bạn chú ý đón xem!".

Cùng cổ vũ đội tuyển Việt Nam với nhạc chuông Chiến Thắng bấm đây !!!

Nguồn 24H: http://www21.24h.com.vn/bong-da/de-che-bi-mat-va-hung-manh-cua-ong-chu-psg-c48a417662.html