Để cánh đồng lớn thật sự lớn

Sau hai năm triển khai thực hiện Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, mô hình này đã tăng cả về số lượng và diện tích. Tuy nhiên, sự hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản trên cánh đồng lớn vẫn chưa thật sự hiệu quả.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn, huyện Cái Bè (Tiền Giang). Ảnh: PHƯƠNG HÀ

Tiến độ chậm, hiệu quả thấp

Theo Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 6 năm 2015, cả nước có hơn 430 nghìn ha diện tích canh tác cánh đồng lớn, chủ yếu thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với 196 nghìn ha. Trong đó, một số tỉnh có diện tích cánh đồng lớn tăng nhanh như: Cần Thơ 39 nghìn ha, Sóc Trăng 22 nghìn ha, Bạc Liêu 17 nghìn ha. Các doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang và Tổng công ty lương thực miền nam (Vinafood 2) đã xây dựng các đề án cụ thể phát triển cánh đồng lớn giai đoạn 2015-2020. Đại diện của khu vực đồng bằng sông Hồng là tỉnh Nam Định, tính đến đầu năm 2015, có 237 cánh đồng lớn với hơn 11.471 ha. Mô hình cánh đồng lớn bước đầu được thực hiện chủ yếu đối với cây lúa, nhưng hiện đã mở rộng ra với nhiều cây trồng khác. Tại tỉnh Hòa Bình, mô hình cánh đồng lớn thực hiện cho cây bí xanh, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng nghìn tấn sản phẩm an toàn. Tỉnh Nghệ An đã xây dựng 10 mô hình ngô, tám mô hình lạc với diện tích hơn một nghìn ha. Tỉnh Quảng Bình xây dựng 435 ha diện tích cánh đồng lớn cho cây ớt và 120 ha cánh đồng lớn cho cây sắn.

Mặc dù diện tích cánh đồng lớn tăng theo từng năm, nhưng tính trên diện tích canh tác cả vùng đồng bằng sông Cửu Long thì mới đạt 11%. Còn tính chung cả nước, diện tích cánh đồng lớn mới đạt gần 4% diện tích canh tác. Cá biệt, tại các tỉnh miền núi khó khăn như Cao Bằng, Bắc Cạn, sau hai năm thực hiện Quyết định 62 vẫn chưa có doanh nghiệp nào đề xuất phương án, dự án cánh đồng lớn. Trong khi đó, tỷ lệ thành công hợp đồng tiêu thụ nông sản mới chỉ ở mức 20 đến 30% đối với lúa, nông sản khác cao nhất mới được 70%. Tình trạng doanh nghiệp hoặc nông dân phá vỡ hợp đồng còn phổ biến.

Vì vậy, thời gian gần đây, trên cả nước liên tiếp xảy ra hiện tượng doanh nghiệp xin rút, không tiếp tục tham gia liên kết đầu tư xây dựng cánh đồng lớn. Còn phía nông dân cũng thờ ơ, không mặn mà với chương trình. Trong khi đó, theo Quyết định 62, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thành lập các ban chỉ đạo cánh đồng lớn; ban hành tiêu chí diện tích tối thiểu cánh đồng lớn; chính sách hỗ trợ liên kết xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn; xây dựng quy hoạch, kế hoạch cánh đồng lớn và thẩm định xét duyệt các dự án. Tuy nhiên đến nay, những hoạt động này vẫn diễn ra rất chậm chạp. Hiện mới chỉ có 10% trong tổng số 63 tỉnh, thành phố ban hành chính sách cánh đồng lớn và thành lập ban chỉ đạo; 15% số tỉnh phê duyệt quy hoạch cánh đồng lớn. Trên cả nước mới chỉ có bảy tỉnh (chiếm 10%) ban hành chính sách khuyến khích phát triển liên kết gắn với tiêu thụ nông sản theo Quyết định 62.

Nông dân xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) tham quan mô hình cánh đồng lớn. Ảnh: Đoàn Phạm

Chính sách phải đi vào thực tiễn

Thực tế sản xuất và tiêu thụ nông sản nhiều năm trở lại đây cho thấy chỉ có hợp tác, liên kết mới giải được bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao giá trị gia tăng. Một số mô hình cánh đồng lớn thực hiện thành công theo Quyết định 62 đã minh chứng cho hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, ở đồng bằng sông Cửu Long, mỗi ha lúa tham gia cánh đồng lớn có thể giảm chi phí sản xuất từ 10 đến 15% và tăng giá trị sản lượng từ 20 đến 25%, lợi nhuận tăng thêm từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng/ha. Ở miền bắc, các mô hình cánh đồng lớn cho hiệu quả kinh tế tổng thể trên một ha lúa dù thấp hơn so với đồng bằng sông Cửu Long, nhưng giá trị sản lượng tăng trung bình từ 17 đến 25%.

Hiệu quả là vậy, nhưng tại sao sự hợp tác liên kết xây dựng cánh đồng lớn chưa đạt như mong muốn? Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Cục trưởng Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh cho rằng: Điều quan trọng nhất là do khó khăn về vốn. Nhiều doanh nghiệp, nhất là ngành hàng lúa gạo chưa đủ điều kiện về vốn, kỹ thuật để đầu tư ứng trước cho nông dân, chưa tổ chức được hệ thống thu mua nên vẫn phụ thuộc vào thương lái. Nông dân cũng không có vốn tích lũy để tái đầu tư hay mở rộng sản xuất. Trong khi đó, việc tiếp cận vốn vay của Ngân hàng là điều không dễ với cả nông dân và doanh nghiệp. Về phía địa phương cũng thiếu kinh phí cho xây dựng cánh đồng lớn, vì Chính phủ không có nguồn tài chính riêng cho lĩnh vực này. 90% số địa phương chưa ban hành các chính sách hỗ trợ cánh đồng lớn và phê duyệt dự án cho các doanh nghiệp cùng chung lý do không có kinh phí. Vì theo quy định tại Quyết định 62, ba nhóm đối tượng tham gia liên kết cánh đồng lớn là doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân và nông dân sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ giống, thuốc bảo vệ thực vật, đào tạo, miễn giảm tiền sử dụng đất và đặc biệt là hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng cánh đồng lớn.

Chia sẻ những khó khăn về vốn, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Cà Mau Dương Việt Hùng cho biết: Khó nhất của doanh nghiệp hiện giờ là vốn, và sẽ càng ngày càng khó hơn khi các tổ chức tín dụng chưa có cơ chế cho vay phù hợp điều kiện liên kết sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, hầu hết các vị trí có nhiều điều kiện thuận lợi cả về đất đai và cơ sở hạ tầng để hình thành cánh đồng lớn đều đã được xây dựng. Giờ, doanh nghiệp muốn mở rộng sẽ cần nhiều vốn hơn để đầu tư vào các vị trí khác ít yếu tố thuận lợi hơn. Do đó, nếu không đủ vốn chắc chắn sẽ khó đẩy nhanh tiến độ xây dựng cánh đồng lớn thời gian tới.

Bên cạnh khó khăn về vốn, thủ tục quy định thực hiện chính sách còn rườm rà, phức tạp khiến tiến độ xây dựng cánh đồng lớn bị chậm lại. Theo phản ánh của các địa phương, Thông tư số 15/2014/TT- BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện Quyết định 62, quy định UBND cấp tỉnh phải trình HĐND phê duyệt chính sách hỗ trợ cánh đồng lớn, có thể làm kéo dài thời gian ban hành chính sách này, vì mỗi năm, HĐND chỉ họp hai lần. Ngoài ra, một yếu tố có tính “truyền thống” làm hạn chế hiệu quả xây dựng cánh đồng lớn, là tình trạng đất đai manh mún, nhỏ lẻ, hạ tầng phục vụ sản xuất yếu kém. Nhiều địa phương chưa thực hiện dồn điền đổi thửa hoặc do điều kiện miền núi địa hình bị chia cắt gây khó khăn cho việc cơ giới hóa sản xuất cũng như xây dựng vùng nguyên liệu.

Khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn là cần thiết để xây dựng nền nông nghiệp quy mô lớn. Tuy nhiên, để chính sách vận hành tốt và phát huy hiệu quả trong thời gian tới, cần xác định mô hình liên kết cánh đồng lớn phù hợp điều kiện cụ thể của các vùng, miền, địa phương, lĩnh vực sản xuất. Từ đó bố trí kinh phí và quyết định mức hỗ trợ tùy thuộc vào cấp độ liên kết. Đặc biệt, cần sớm có chế tài xử lý và quy định rõ hơn trách nhiệm của các bên khi tham gia thực hiện liên kết, xây dựng cánh đồng lớn ở địa phương.

TIẾN ANH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/28122602-de-canh-dong-lon-that-su-lon.html