Đề án cải cách tiền lương giai đoạn 2013-2020: Bài toán tăng lương sắp có lời giải

Để giải quyết vấn đề tiền lương, thời gian tới phải huy động từ nhiều nguồn khác nhau kể cả ngoài ngân sách. Đặc biệt phải đổi mới cơ chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập tạo điều kiện cho các đơn vị này tăng nguồn thu để chi trả cho cán bộ của mình. Khoản tiền mà ngân sách cấp sẽ dùng để tăng lương cho các đơn vị khác, đó là một trong những giải pháp quan trọng để cải cách căn bản tiền lương trong giai đoạn tới, ông Đoàn Cường, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) cho biết như vậy với Đại Đoàn Kết.

Ông Đoàn Cường

Được biết Đề án Cải cách tiền lương giai đoạn 2013-2020 đang được Bộ Nội vụ xây dựng và sẽ được báo cáo tại Hội nghị Trung ương 5, xin ông cho biết điểm nổi bật của chính sách tiền lương giai đoạn tới là gì?

Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương đang khẩn trương xây dựng đề án chi tiết về tiền lương trong giai đoạn tới. Sẽ có đề án cụ thể với từng đối tượng, từng vùng, cơ chế đối với khu vực doanh nghiệp. Tuy nhiên, tinh thần là sẽ cải cách lương để công chức có thể sống được bằng lương, toàn tâm, toàn ý phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, đó là: Cải cách tiền lương cần gắn với nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, hướng tới các đơn vị căn cứ vào nhu cầu tuyển dụng cán bộ của đơn vị mình để tuyển dụng cán bộ theo vị trí việc làm cụ thể; đảm bảo giải quyết đúng, đủ các nhu cầu công việc của đơn vị nhưng cũng phải phù hợp với khả năng chi trả tiền lương của Nhà nước.

Góp ý cho vấn đề cải cách căn bản tiền lương trong giai đoạn tới nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải cho các đơn vị sự nghiệp công "ra riêng”, cần cắt giảm đầu tư công và các công trình không cần thiết... để có nguồn để tăng lương cho CBCC?

Trong đề án cải cách chính sách tiền lương, chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề tạo nguồn để trả các khoản tăng thêm từ lương. Tinh thần là sẽ không phụ thuộc vào ngân sách mà tiền lương trả cho cán bộ sẽ phải được lấy từ các nguồn khác. Phải làm sao để các đơn vị sự nghiệp có cơ chế thoáng, tự phát triển, có nguồn thu nhập cao để trả lương cho CBCC trong đơn vị. Như thế, gánh nặng nhà nước cũng bớt đi và sẽ có thêm nguồn để trả lương cho các đối tượng khác. Về tạo nguồn cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ đưa ra phương án sẽ tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% kinh phí quản lý hành chính; sử dụng 50% số tăng thu ngân sách địa phương. Đối với địa phương có số thu cao, tự bảo đảm và còn dư nguồn cải cách tiền lương thì được sử dụng nguồn dư đó để chi trả tiền lương tăng thêm không quá 50% so với chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc để thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết khác. Sau khi thực hiện các nguồn nói trên mà vẫn còn thiếu thì ngân sách Trung ương sẽ bổ sung.

Như vậy ngân sách nhà nước sẽ chỉ dùng để chi trả cho một số đơn vị chứ không cồng kềnh như hiện nay. Ông vừa cho rằng, các đơn vị sự nghiệp công sẽ được Nhà nước tạo cơ chế để có nguồn chi trả cho cán bộ, tuy nhiên các tổ chức đoàn thể, cơ quan đảng việc tạo thêm nguồn thu là điều không thể?

Thời gian tới, Nhà nước sẽ khoán quỹ lương tới tận đơn vị sử dụng CBCC. Đối với khu vực hành chính, cơ quan đảng, đoàn thể, lực lượng vũ trang, lương vẫn do ngân sách nhà nước cấp. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, về cơ bản phải đổi mới cơ chế tài chính, cũng như hoạt động của các đơn vị này, từng bước tính đủ giá dịch vụ, chi phí dịch vụ, tiền lương và các chi phí khác, căn cứ vào đó, các đơn vị sự nghiệp tự phát triển, có nguồn để trả lương, không thực hiện hình thức ngân sách cấp theo trước đây. Đối với các đối tượng thuộc diện chính sách, Nhà nước chi hỗ trợ trực tiếp cho người thụ hưởng, người thụ hưởng dùng kinh phí đó để trả chi phí dịch vụ. Trên cơ sở đó, ngân sách để cấp cho khu vực sự nghiệp cung cấp dịch vụ công ngày càng giảm đi, Nhà nước có nguồn thực hiện cải cách tiền lương cho khu vực hành chính.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Ly (Thực hiện)

Lương tối thiểu có thể lên tới 3, 15 triệu đồng/tháng

Bộ Nội vụ vừa đề xuất 3 phương án lương tối thiểu trả cho CBCC. Phương án đầu tiên sẽ dựa trên cơ sở tính toán mức tăng lương tối thiểu bằng mức lương tối thiểu vùng I của khu vực doanh nghiệp (2 triệu đồng/tháng). Phương án hai quy định lương tối thiểu bằng mức bình quân mức lương tối thiểu cả 4 vùng của khu vực doanh nghiệp (khoảng 1.680.000 đồng/tháng). Phương án cuối cùng là xác định nhu cầu của người lao động bằng mức chi tiêu bình quân đầu người của cả nước (khoảng 3.150.000 đồng/tháng). Ông Đoàn Cường cho biết: Đến thời điểm này Bộ Nội vụ vẫn chưa nghiêng về phương án nào, mức lương tối thiểu được lựa chọn sẽ được công bố tại Hội nghị Trung ương 5 diễn ra vào tháng 4 tới.

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=45974&menu=1372&style=1