Đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Ngày 28/1, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội thảo trực tuyến “Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Luật Bình đẳng giới và Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, tại hai đầu cầu Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Bộ Ngoại giao, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và hơn 100 đại biểu đại diện các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, các nhà nghiên cứu khoa học đã tham dự Hội thảo.

Đ/c Nguyễn Thế Trung: Đảng và nhà nước luôn quan tâm đến công tác cán bộ nữ. Ảnh HH Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương cho biết: Mục đích của Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và trong toàn xã hội về thực hiện Luật Bình đẳng giới và Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị trong việc đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở nhiệm kỳ 2011 – 2015 và những nhiệm kỳ tiếp theo. Theo đồng chí Phó trưởng ban Dân vận: Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Bác Hồ kính yêu đã chỉ rõ “nói đến phụ nữ là nói đến một nửa xã hội, nếu không giải phóng phụ nữ thì xây dựng xã hội chỉ có một nửa”. Với sự quan tâm đó, ngày 29/11/2006, Quốc hội (khóa XI), kỳ họp thứ X đã thông qua Luật Bình đẳng giới. Ngày 27/4/2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11 về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”. Từ đó đến nay, thời gian chưa dài nhưng cấp ủy chính quyền các cấp, ban cán sự Đảng các bộ, ngành, Đảng đoàn MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tổ chức thực hiện và đạt nhiều kết quả tốt. Bình đẳng giới, công tác phụ nữ, đội ngũ cán bộ nữ có những chuyển biến tiến bộ. Bình đẳng giới của Việt Nam được Liên hiệp quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Tuy nhiên, so với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế thì tình hình bình đẳng giới, công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Luật Bình đẳng giới, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị còn nhiều mặt hạn chế… Bám sát vào các yêu cầu đề ra, tại Hội thảo lần này, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng, kết quả công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Luật bình đẳng giới; kết quả thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị; đồng thời phân tích rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan về những hạn chế, tồn tại và những bài học kinh nghiệm qua quá trình thực hiện Luật Bình đẳng giới và Nghị quyết… Các đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt hơn Luật Bình đẳng giới và Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các đại biểu cùng có chung quan điểm, cần tuyên truyền thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, không chỉ để các cấp ủy Đảng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình mà còn để các nữ đảng viên nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong công tác này. Các đại biểu nhận định, mục tiêu của Nghị quyết là rất lớn, nếu không làm quyết liệt sẽ khó đạt kết quả tốt, vì vậy cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để có quy hoạch khả thi hơn đối với phụ nữ. Cần hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách đối với nữ giới; động viên, khích lệ phụ nữ tích cực tham gia xây dựng Đảng, đất nước, xóa bỏ tâm lý e ngại, tự ti, an phận, tạo mọi điều kiện cho phụ nữ phấn đấu vươn lên… Về phía chủ quan, nhiều đại biểu cũng nêu ý kiến, mặc dù có nhiều chính sách, cơ chế quan tâm đến công tác cán bộ nữ, song, các cán bộ nữ cũng chưa tự phát huy hết năng lực và tận dụng các cơ hội để thăng tiến. Tâm lý e dè, ngại va chạm vẫn còn tồn tại trong tư duy của chị em phụ nữ. Hơn nữa, những tác động từ thực tế như thời gian nghỉ chăm con nhỏ, giành thời gian cho các công việc gia đình … cũng đã ảnh hưởng khá lớn đến công việc hàng ngày của chị em. Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh HH Để vượt qua được điều đó, theo các đại biểu đòi hỏi người phụ nữ phải biết sắp xếp công việc hợp lý, nhiều người sinh con đầu, rồi đi học cao học xong mới sinh con tiếp theo, sau khi nuôi con nhỏ có thể giành toàn bộ thời gian để phấn đấu cho sự nghiệp. Nếu biết sắp xếp và tận dụng thời gian, chắc chắn người phụ nữ sẽ có rất nhiều thời gian cho công việc và thành đạt trong cuộc sống. Còn nhiều ý kiến trái khác như: không thích dùng từ “cơ cấu” trong quá trình bầu cử; không thích tâm lý phái mạnh phải là người đứng đầu… cũng được các đại biểu thảo luận sôi nổi. Hội thảo “Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Luật Bình đẳng giới và Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” được tài trợ bởi Dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ trong khu vực nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” do Bộ Ngoại giao và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) phối hợp thực hiện./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=386404&co_id=30077