Đây là cách người TQ bị làm cho bẽ mặt vì “nghề ăn cắp" có tiếng

Bị cho là những kẻ ăn cắp công nghệ siêu thuần thục, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bị người Đức tẩy chay, không muốn giao du, thậm chí không muốn bán cho họ sản phẩm của mình.

Hai mươi năm trước, các doanh nghiệp châu Âu rất hào hứng tiếp đón các đối tác đến từ Trung Quốc đến tham quan. Mười năm sau, thái độ của họ chuyển sang trạng thái thận trọng tiếp đón còn giờ đây thì đó là thái độ đề phòng cao độ.

Không chỉ một doanh nghiệp Âu Mỹ mà hầu hết các doanh nghiệp đều đề cao cảnh giác đối với những doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động cùng lĩnh vực.

Mạnh tay hơn, nhiều đơn vị quyết định tuyệt đối không bán hàng cho người Trung Quốc.

Thái độ thận trọng này cũng không ngoại lệ đối với những doanh nghiệp làm ăn trung thực bởi người Đức chấp nhận “cào bằng” tất cả các doanh nghiệp Trung Quốc cho... chắc ăn, dù cho vẫn có những đơn vị làm ăn nghiêm túc.

Những thương nhân, doanh nghiệp đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới đã và đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng.

Trong con mắt của những người Âu Mỹ, những sản phẩm của Trung Quốc dường như đều là “đồ luộc lại”.

Đây là quan điểm của một người Trung Quốc – người đã viết bài báo có tiêu đề “Người Trung Quốc bị người Đức coi là những kẻ ăn cắp công nghệ kỹ thuật, họ thậm chí còn không bán sản phẩm cho người Trung Quốc”, được đăng tải trên “tuần báo thời đại IT” của nước này.

Ảnh minh họa.

Trong mắt giới kinh doanh người Đức, người Trung Quốc là những kẻ ăn cắp

Tháng 11/ 2015, tác giả bài viết trên đã đến thăm một triển lãm về thiết bị y tế tại Dusseldorf của nước Đức.

Tại hội trợ, ông ta phát hiện một bộ thắt lưng với chức năng chính là có thể nhanh chóng thổi phồng chiếc túi bảo vệ khi người già bị ngã xuống đất, giúp họ tránh khỏi những tổn thương.

Rất tò mò về sản phẩm này, tác giả bài viết đã dừng lại xem và được người nhân viên trẻ mở chiếc thắt lưng, cho xem thiết bị bên trong.

Tuy nhiên ngay lập tức, một kỹ sư trưởng người Đức đứng kế bên đã ngăn hành động của người đồng nghiệp trẻ, người Trung Quốc kia đành đi tiếp.

Khi quay lại, ông ta vô tình phát hiện anh nhân viên trẻ và người kỹ sư trưởng kia đang mở chiếc thắt lưng, kiên nhẫn giải thích cho người khách đến từ một quốc gia châu Âu những công nghệ chủ chốt bên trong.

Khỏi phải nói tâm trạng lúc đó của vị khách người Trung Quốc kia ra sao. Ông vốn là một nhà nghiên cứu kinh tế của Trung Quốc và bị xem là một tên trộm kỹ thuật.

Dù thế, ông ta không hề trách người Đức, bởi họ đã trải qua những chuyện chẳng mấy tốt đẹp với người Trung Quốc.

Một doanh nhân Trung Quốc sau khi biết tính năng độc đáo của thiết bị thử nghiệm mà công ty Rotem của Đức sản xuất, nhận định rằng sẽ có thị trường đã viết thư cho công ty trên với mong muốn hợp tác.

Tuy nhiên, người Đức đã lịch sự đáp lại: “Xin lỗi, chúng tôi vẫn chưa có chiến lược tại thị trường Trung Quốc và không định tiêu thụ sản phẩm tại Trung Quốc.”

Doanh nhân Trung Quốc này không cam tâm, nhiều lần viết thư hỏi về nguyên nhân, người Đức cuối cùng trả lời rằng: “Chúng tôi không có cách nào đảm bảo sản phẩm của công ty không bị bắt chước tại Trung Quốc”.

Người Đức đã vô cùng cảnh giác với người Trung Quốc, kể cả với những doanh nghiệp làm ăn trung thực.

Đáng nói là điều này khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều, khi mà những phi vụ “chôm chỉa” kỹ thuật tiên tiến với tốc độ siêu tốc của người Trung Quốc vẫn khiến thế giới “ngưỡng mộ”.

Theo Thế giới trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/doi-song/day-la-cach-tq-bi-lam-cho-be-mat-vi-nghe-an-cap-co-tieng-20160125173114335.htm