Dấu xưa xe ngựa

(TNTS) Năm 1967, lần đầu đặt chân lên Sài Gòn, đi đâu tôi cũng thấy xe ngựa, nhiều nhất là ở các chợ. Sau 1975, xe ngựa cũng còn nhiều ở vùng ven và ngoại tỉnh. Theo thời gian, phương tiện giao thông cơ giới nhiều lên, xe ngựa bị đẩy ra ngày một xa hơn thành phố. Và đến nay, loại phương tiện giao thông từng đi vào văn học sử ấy chỉ còn là… kỷ niệm nhắc nhớ một thời đã xa.

Lụi tàn xe thổ mộ… Một chiều lang thang quanh bãi cỏ hoang ở phường Tân Quý, Tân Phú, TPHCM, tôi thấy thấp thoáng vài chú ngựa cắm cúi gặm cỏ bên cạnh đàn bò. Sau năm 1975, cánh đồng rộng lớn này vào hợp tác xã và được quy hoạch thành vùng rau Tân Thắng. Vì “đô thị hóa”, vùng rau thu hẹp còn vài chục hecta và… bỏ hoang. Trước kia, đây là cứ địa của ngựa. Từ tờ mờ sáng đã nghe tiếng vó ngựa lóc cóc kéo chiếc xe thổ mộ lăn trên đường làng, thấp thoáng ánh đèn dầu treo trước thùng xe. Từng chiếc, nối đuôi nhau chở rau quả ra chợ Bà Quẹo, phân phối cho các chợ lớn của Sài Gòn. Cứ tưởng những chú ngựa kia là ngựa kéo xe thổ mộ còn sót lại thuở nó sắp lụi tàn, tôi tìm gặp chủ của chúng hỏi chuyện. Chủ ngựa bảo: “Thổ mộ gì chú ơi, tôi nuôi ngựa đua. Ông lên vùng Bà Điểm, chợ thị trấn Hóc Môn, may ra còn…”. Tôi lại lên vùng Bà Điểm. Thập niên những năm 60-70 của thế kỷ trước, trầu của bà con ở đây hầu hết được vận chuyển bằng xe thổ mộ. Cho đến năm 1990, xe thổ mộ ở Bà Điểm vẫn còn nhiều. Tôi ghé vào nhà bà “Năm trầu” ở ấp Hậu Lân. Tưởng tôi đi sưu tầm xe ngựa, bà Năm nói: “Cha chả, tiếc quá! Tôi bán nó rồi chú ơi. Chú thử lên vùng Lái Thiêu, Thủ Dầu Một hỏi xem còn không”. Bà Năm cho biết, ngày trước nhà bà cũng có một chiếc xe thổ mộ (xe hai bánh, một ngựa, thùng chở 4 người) như mấy nhà trầu quanh đây. Ông cụ nhà vẫn thường chở trầu ra chợ Bà Điểm bán cho thương lái. Từ khi ông mất, không người cầm cương, bà bấm bụng bán con ngựa già cho một nhà hàng mua về làm… thịt rừng. Chiếc xe thổ mộ bằng gỗ mít, chò, đã cũ nhưng còn chạy tốt bà giữ lại làm kỷ niệm. Cách đây hơn hai năm có người ở Sài Gòn lên nài nỉ hỏi mua, trả giá 5 triệu đồng. Xiêu lòng, bà bán nốt. “Cái ông đó đi xe hơi, tướng tá như thương gia, có vẻ giàu lắm, nhưng không biết mua cái xe cổ lỗ đó về làm gì”, bà Năm nói vậy. Người cầm cương qua đời, con ngựa cũng đã hóa kiếp, căn nhà ngói của bà Năm như trống vắng hơn. Giàn trầu sau nhà mất “bạn” cũng héo hon như cụ bà… “Ngựa xe” thành ngựa đua! Tuyến xe thổ mộ từ Bình Hưng Hòa - Bình Chánh (nay là Bình Tân) ra Bà Quẹo ngưng hoạt động từ hơn 15 năm nay. Nhưng thỉnh thoảng người ta vẫn thấy mấy ông lão đi xe đạp dắt con ngựa chạy lúp xúp dạo phố. Nhiều chủ xe thổ mộ thương ngựa không chịu bán nó cho nhà hàng, đã chuyển sang nghề đua ngựa. Ông lão tôi gặp năm nay 77 tuổi, có biệt danh “Ông Năm Gò Công” - là một trong những chủ xe thổ mộ như vậy. Vất vả lắm tôi mới tìm ra nhà của ông, nằm khuất trong góc nghĩa trang Bình Hưng Hòa rộng lớn, chi chít gần 100.000 ngôi mộ. Gọi là “nhà”, kỳ thật đó là vuông đất ông thuê lại để cất chuồng cho 16 con ngựa và dựng mấy cái chòi tre, trên lợp tôn để che mưa nắng cho vợ chồng ông, mấy người con, cả dâu, rể tổng cộng gần 10 người. Ông Năm kể, ngựa xe là nghề cha truyền con nối của gia đình ông ở Gò Công. Riêng ông khởi nghiệp từ thời còn thuộc Pháp. Những năm chiến tranh, bị “tổng động viên” ông bỏ ngựa xe, lên Sài Gòn trốn lính. Ông cũng từng chạy xe tải kiếm tiền nuôi… 3 bà vợ và 13 người con. Nhưng nhớ ngựa, nhớ xe, ông quay lại nghề chạy xe thổ mộ. Năm 1989, xe thổ mộ vùng Tân Bình - Bình Chánh cáo chung, ông Năm chuyển sang nuôi ngựa đua. Hằng tuần cứ đến sáng thứ bảy, chủ nhật, ông và mấy người con trai lại dắt ngựa ra trường đua Phú Thọ, mướn nài, góp vui cho thiên hạ. Hôm nào ngựa ông đoạt giải nhất ông được trả thưởng 8 triệu đồng. Còn về… bét, thì cũng được trả 500.000 đồng gọi là tiền công cắt cỏ cho ngựa. Chi phí nuôi ngựa không nhiều. Mỗi ngày một con ăn hết từ 3-4 ký lúa, 1 ký cám. Ông nuôi 16 con, vị chi tốn tổng cộng khoảng 150.000 đồng/ngày, cỏ thì đã có sẵn bao la trong nghĩa trang, chỉ việc cắt chở về cho chúng… nhâm nhi. Trừ chi phí cho ngựa, số tiền còn lại đủ cho cha con ông sống qua ngày. 50 năm qua, kiếp người - ngựa gắn chặt vào ông rồi, không bỏ được. Hôm nào rảnh, ông xách xe chạy về Gò Công thăm “bà nhất”, “bà ba”, phụ thêm “vài trăm” cho mấy bả chạy chợ. Thấy tôi cười cười, ông Năm tặc lưỡi cười hiền: “Ậy! Cả ba bà, bác đều có cưới hỏi đàng hoàng à nghen. Chính “bà hai” đây đã đi hỏi “bà ba” cho bác đó. Hổng tin hỏi bả xem”. Cuộc sống ông cứ vậy trôi đi mỗi ngày, vây quanh là ngựa và mồ mả. Cơm áo đã có con Nữ Phi Hoa, Ku-Ki, Như Lan, Tuấn Thanh, Tiểu Long (tên ngựa đua do ông Năm tự đặt) lo rồi. Chiều, gió xào xạc trong nghĩa trang, lá rụng êm đềm, đâu đó mùi nhang thoang thoảng... Lời ông Năm nghe buồn buồn! Xe thổ mộ lên phim để… bảo tồn Ông Năm quả quyết, người duy nhất cũng là bạn thân của ông, còn gắn với xe thổ mộ là ông “Hai Sộp” hiện ở Lái Thiêu. Sáng hôm sau, tôi chở ông Năm từ nghĩa trang Bình Hưng Hòa trực chỉ nhà ông Trần Văn Hai ở Lái Thiêu (ấp Hưng Thọ, xã Hưng Định, Thuận An, Bình Dương). Từ ngoài cổng, tôi đã thấy 3 chiếc xe thổ mộ để bên hông nhà, một chiếc đang làm dở dang. Phía sau là xưởng mộc. Ông Hai dẫn tôi ra sau vườn chỉ cho xem cây măng cụt cổ thụ. Thú thật tôi chưa bao giờ thấy cây măng cụt nào to đến thế: Cao trên 10 mét, đường kính thân rộng hơn 5 tấc. Ông bảo cây măng cụt này trồng từ thời dòng họ nhà ông bắt đầu chạy xe thổ mộ, đến nay đã hơn 100 tuổi. Ông Hai từng chạy xe thổ mộ chở bạn hàng từ chợ Bún về chợ Lái Thiêu kiếm sống, kiêm luôn việc chế tác xe ngựa để bán. Sư phụ nghề này ở Bình Dương là cụ Văn Văn Luốc. Cha ông - cụ Trần Văn Ký từng học nghề cụ Luốc rồi về truyền lại cho con cái, anh em trong nhà. Vùng này còn có những nghệ nhân chế tác xe ngựa nổi tiếng, vừa chạy xe thổ mộ kiếm cơm, có thể kể: cụ Thân Mười, cụ Tư Hoành, cụ Sáu Kiệp, ông Tám Bình Dương… Tất cả các cụ đều đã qua đời. Lớp hậu thế và cũng là người duy nhất còn sót lại trong nghề làm xe ngựa chính là… ông Hai Sộp. Cách đây 5-6 năm, người ta vẫn còn thấy lác đác vài chiếc xe thổ mộ chạy trên các con đường làng ở Lái Thiêu, Thủ Dầu Một. Nhưng nay thì vắng bóng hẳn. Có thể nói, xe thổ mộ - một phương tiện chuyên chở “rất thơ” thuở nào, đã thật sự suy tàn. “Chở một khách vừa người, vừa hàng từ chợ Bình Hưng Hòa ra Bà Quẹo tính theo thời giá bây giờ chỉ độ 5.000 đồng. Muốn đủ sở hụi, chủ phải chờ cho đủ 4-6 người khách mới giật cương. Trong khi đi “xe ôm” cùng đoạn đường, khách mất 10.000 đồng, nhưng lại đi nhanh hơn và không phải đợi chờ. Vậy là xe thổ mộ phải… chết thôi” - ông Năm giải thích. Hớp một ngụm trà, ông Hai bảo vài năm trở lại đây nhiều người đến Bình Dương lùng mua xe thổ mộ cũ về làm kiểng, nên loại xe này giờ cũng cạn kiệt, chủ xe cũng giải nghệ hết. Chỉ còn ông đeo đuổi nghiệp này để… đóng phim, xem như một cách bảo tồn xe thổ mộ. Không chỉ đóng xe thổ mộ, ông còn mày mò chế tạo các loại xe ngựa mà ông bảo “đẹp không thua xe của… nữ hoàng trong phim Anh, Pháp”. Ngoài xe thổ mộ, ông Hai còn chế tạo các dòng xe Calleche 4 bánh, 1 ngựa, 4 chỗ ngồi; xe Lá liễu 2 chỗ ngồi bán cho các trung tâm văn hóa, khu du lịch về chưng cho khách chụp hình. Nhiều hãng phim biết tiếng “ông Hai xe ngựa” ở Lái Thiêu đã đến mướn xe, mướn ngựa ông. Nhưng không dễ tìm người biết cầm cương, vậy là họ mời ông đóng phim luôn. Ông Hai trở thành… diễn viên điện ảnh bất đắc dĩ. Ông chỉ đóng một cảnh duy nhất: chạy xe thổ mộ. Cứ như vậy, ông được mời tham gia hết phim Người tình đến phim Miền Nam xa xưa, rồi Thời thơ ấu, Người đẹp Tây đô, Người Bình Xuyên, Bình minh châu thổ… Nói vui, ông Hai là diễn viên điện ảnh duy nhất không cần đọc kịch bản, không phải học lời thoại, mà không sợ… ế “sô”. Giờ, nói đến “Hai Sộp” không ai là không biết ông. Thêm một ngụm trà, ông Hai ngùi ngùi rằng ông không sợ nghèo đói, chỉ sợ lớp trẻ sau này không nhìn thấy xe thổ mộ, một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng rất đặc trưng của vùng Đông Nam Bộ xưa, ký ức về xe sẽ phai mờ, rồi mất hẳn. Ông tâm sự: “Thú thật, ngồi họp trong phòng mà nghe tiếng vó ngựa, tiếng bánh xe thổ mộ lăn trên đường bên ngoài, tôi không thể nào không bước ra”. Bây giờ, có lúc ngồi một mình hoài nhớ một thời xe thổ mộ, ông lại thắng bộ, dắt ngựa, buộc cương cho nó rồi thong thả rong ruổi trên các con phố, đường làng đi thăm bạn... Tôi tự hỏi: “Sau ông “Hai Sộp”, “ông Năm Gò Công”, mai kia còn ai chịu gắn đời mình với chiếc xe bánh gỗ, cái lục lạc ngựa, tiếng vó lộp cộp lúc tinh sương như hai ông già này?”. Và, ngay lúc này đây, khi tôi còn đang tận mắt nhìn những chiếc xe thổ mộ trong một buổi trưa nắng vàng, đã có cảm giác như đang đứng nhìn về quá khứ xa xăm, chợt nhớ mấy câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan: Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/Thành cũ lâu đài bóng tịch dương… Nguyên Thủy

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200943/20091019163837.aspx