Đấu tranh chống tội phạm về môi trường trong lĩnh vực xuất nhập khẩu

NDĐT - Sáng 5-11, tại Hải Phòng, Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu” với sự tham gia của công an 24 tỉnh, thành phố có cửa khẩu, cảng biển trong cả nước và các bộ, ngành có liên quan như: hải quan, thú y, tài nguyên môi trường, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng…

Việt Nam có gần 60 cửa khẩu, 49 cảng biển các loại, với hàng triệu tấn hàng hóa được xuất, nhập khẩu qua các cảng biển, cửa khẩu hằng năm. Trong đó có nhiều loại hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt, chất thải nguy hại được núp dưới danh nghĩa “phế liệu, máy móc, thiết bị”; hàng hóa nhập khẩu "nhầm lẫn" nhưng không tái xuất được và cả những loài động vật hoang dã quý hiếm như hổ, báo, gấu, ngà voi, rắn, tê tê… Trong gần ba năm đi vào hoạt động, lực lượng cảnh sát môi trường phối hợp với các cơ quan chức năng đã điều tra, phát hiện 2.575 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, trong đó hơn 200 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Cơ quan công an đã phạt và truy thu phí bảo vệ môi trường với số tiền hơn 142 tỷ đồng, buộc tái xuất và tiêu hủy khoảng 20.000 tấn rác thải, vật liệu sắt, thép, nhựa phế thải các loại… Tuy nhiên, công tác phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm pháp luật về môi trường còn hạn chế: số vụ phát hiện vi phạm nhiều nhưng số vụ bị khởi tố điều tra lại ít, chế tài xử phạt còn nhẹ nên chưa đủ tính răn đe, ngăn chặn; Các văn bản pháp luật điều chỉnh về tội phạm môi trường còn nhiều bất cập, các quy định còn chung chung dẫn đến dễ lọt người, lọt tội; Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng với lực lượng cảnh sát môi trường còn nhiều bất cập... Hội thảo đề nghị nhà nước sớm hoàn chỉnh hàng lang pháp lý về nhập khẩu phế liệu thông qua việc ban hành các quy phạm pháp luật nhằm ngăn chặn việc xâm nhập của máy móc, thiết bị cũ và chuyển giao công nghệ lạc hậu vào nước ta; Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường, chủ động nắm bắt tình hình, ngăn chặn từ xa việc chuyển rác thải, chất thải từ nước ngoài về Việt Nam; Xây dựng cơ chế trao đổi thông tin, hợp tác giữa các cơ quan trong và ngoài nước về phòng ngừa, đấu tranh các vi phạm về môi trường trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; Tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp… Ngô Quang Dũng

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=160782&sub=67&top=40