Đấu thầu điện tử: Giải pháp ngăn chặn tiêu cực

KTĐT - Tình trạng thông thầu, "quân xanh, quân đỏ" trong quá trình đấu thầu các công trình xây dựng nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung đã được dư luận đề cập từ lâu, nhưng không dễ phát hiện.

Việc áp dụng đấu thầu điện tử đang được cho là giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn tiêu cực...

Quản lý bộc lộ nhiều kẽ hở

Thời gian qua, việc quản lý công tác đấu thầu bộc lộ nhiều kẽ hở, doanh nghiệp (DN) dễ dàng áp dụng các phương thức này vì chỉ có DN tham gia đấu thầu và các đơn vị tổ chức thầu mới biết cụ thể nội dung các hồ sơ thầu. Bởi vậy, nếu đơn vị tổ chức thầu không kiểm tra chặt hồ sơ, việc thông thầu, "quân xanh, quân đỏ" cũng khó phát hiện.

Trong khi các DN đưa đủ các lý do như cho DN khác mượn hồ sơ để biết cách làm, cùng lấy sửa chữa cho phù hợp với năng lực của DN, thời gian nghiên cứu và hoàn chỉnh hồ sơ dự thầu… Như vậy, ngay ở khâu chuẩn bị hồ sơ đã có không ít DN không đủ khả năng thực hiện nhưng vẫn tham gia đấu thầu, bất chấp hiệu quả đến đâu, hậu quả mà họ gây ra thế nào!

Hơn nữa, yếu tố sống còn đối với DN khi tham gia đấu thầu là bảo mật hồ sơ thầu. Tuy nhiên, với việc sử dụng "quân xanh, quân đỏ" và thông thầu cho thấy DN không quan tâm đến những yêu cầu này.

Bên cạnh hai tình trạng trên, quá trình thực hiện đấu thầu hiện nay còn xuất hiện tình trạng "đo người may áo". Chủ đầu tư lấy một nhà thầu làm mẫu hình chuẩn để ra bài thi nên chỉ có nhà thầu đó mới có được lời giải tương ứng. Các chuyên gia cho biết, không ít chủ đầu tư vì lợi ích riêng đã tìm đủ cách bóp méo các quy định về đấu thầu. Một số chủ đầu tư thậm chí còn đề ra những yêu sách riêng để hạn chế các nhà thầu "không quen biết" tham gia. Với phương thức này, lợi ích của chủ đầu tư, chủ thầu đều được bảo đảm, song hiệu quả và mức độ tác động của công trình, dự án, chương trình lại là câu hỏi phải… chờ khi hoàn thành mới rõ.

Ngăn chặn, cách nào?

Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, trong đó có quy định cụ thể việc đấu thầu qua mạng đang được Bộ KH&ĐT hoàn thiện. Các nội dung của quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, thực hiện và quản lý hợp đồng được thực hiện qua mạng internet, gồm: Đăng tải thông tin đấu thầu; Nộp bảo lãnh dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng, tạo bản thỏa thuận liên danh, hợp đồng điện tử; Nộp, rút hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; Mở thầu, đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; Thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Ký kết hợp đồng, thanh toán và một số nội dung khác có liên quan… Việc giao dịch qua mạng được thực hiện bằng văn bản điện tử. Trong đó, các văn bản điện tử giao dịch qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia phải có chữ ký số của người đại diện hợp pháp và được coi là văn bản gốc, có giá trị pháp lý và có hiệu lực như văn bản giấy, phục vụ công tác đánh giá, thẩm định, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và giải ngân. Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia cũng sẽ được đảm bảo công khai, không hạn chế truy cập, tiếp cận thông tin. Hệ thống này cũng phải đảm bảo hoạt động liên tục, ổn định, an toàn thông tin… Tuy nhiên, để hạn chế phần nào tiêu cực trong đấu thầu, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT Lê Văn Tăng đánh giá, sau 3 năm thực hiện thí điểm đấu thầu qua mạng, mới chỉ có 60 gói đấu thầu thành công qua mạng. Trong khi đó, mỗi năm, có đến hàng trăm ngàn gói thầu được đưa ra đấu thầu. Đây là cản trở không nhỏ khi chính thức áp dụng phương thức đầu thầu qua mạng.

Mặc dù vậy, theo đại diện Bộ KH&ĐT, việc pháp lý hóa quy định về mua sắm qua mạng ở tầm cao hơn (Luật, Nghị định) là cần thiết, phù hợp xu thế mở cửa và hội nhập. Đây cũng là giải pháp hạn chế những tiêu cực gây nhiều "nhức nhối" trong đấu thầu trực tiếp hiện nay.

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/news/detail/339788/dau-thau-dien-tu-giai-phap-ngan-chan-tieu-cuc.aspx