Đấu tay đôi: Xe tăng Mỹ M1A2 SEP chỉ có chết với T-90MS của Nga

Bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy rằng xe tăng T-90MS trội hơn M1A2 SEP ở gần như tất cả các mặt.

Kỳ cuối: Đấu tay đôi, xe tăng Mỹ M1A2 SEP chỉ có chết với T-90MS của Nga!

Tính bí mật trong tác chiến là yếu tố không thể xem nhẹ

Ngày nay, các tính năng “cổ điển” của xe tăng như tính cơ động, hỏa lực, vỏ thép đã trở thành thứ yếu, bởi các tính năng công nghệ cao giờ đây có vai trò số một, trong đó có độ bí mật về tiếng ồn và hồng ngoại.

Công nghệ tàng hình đã và đang được coi trọng và thực tế đã trở thành một trong những công nghệ chủ yếu để nâng cao khả năng tiến công và sống còn trên chiến trường cho xe tăng .

Ví dụ như xe được sơn phủ bằng các lớp sơn và vật liệu hấp thụ sóng điện từ và chống hồng ngoại giúp xe khó bị đối phương phát hiện, thân xe cũng được làm thấp để giảm độ cao, nhằm tránh bị phát hiện sớm.

M1A2 SEP sử dụng động cơ turbine khí, tuy là loại động cơ không xả khói đen, nhưng sản sinh ra tiếng ồn hơn và tỏa nhiều nhiệt hơn so với động cơ diesel truyền thống.

Ngược lại, xe tăng Nga đặc trưng với kích thước và khối lượng nhỏ gọn, diện tích bề mặt giảm thiểu, nên giảm khả năng bị phát hiện trên chiến trường.

Đối với dòng tăng T-90, các nhà thiết kế Nga đã thực hiện được lời giải về cấu trúc nhằm giảm hiệu quả của các thiết bị trinh sát từ đối phương.

Sự kết hợp giữa lớp ngụy trang giống với môi trường và miếng chắn nhiệt ở bộ phận động cơ, đã làm xe trở nên khó bị phát hiện bởi thiết bị hồng ngoại lẫn quang học, tức là giảm khả năng bị bắn trúng.

T-90MS.

Ngoài ra T-90MS cũng được trang bị một động cơ phụ, hoạt động khi động cơ chính được tắt nhằm giảm lượng nhiệt phát ra để tránh bị "bắt" bởi các thiết bị nhìn hồng ngoại.

T-90MS còn được cải thiện khả năng ngụy trang nhờ vào lớp vải ngụy trang Nakidka.

Khả năng phòng vệ là yếu tố sống còn

Ngoài việc trang bị các hệ thống bảo vệ xạ – sinh – hóa, chữa cháy, rà phá mìn, một trong những yêu cầu tối quan trọng đối với xe tăng trên chiến trường là khả năng phòng chống các loại vũ khí chống tăng nguy hiểm của đối phương.

Hiện có hai xu hướng để nâng cao khả năng sống còn là bảo vệ thụ động và chủ động.

Bảo vệ thụ động chủ yếu theo hướng tăng khả năng chống đạn của giáp, bao gồm lớp thép dày và sự kết hợp bí mật của các hợp kim tiên tiến, như hợp kim hóa học uranium nghèo với các hợp chất hiện đại và chất dẻo.

Lớp vỏ thép của xe tăng M1 Abrams là một ví dụ, việc sử dụng kết hợp hợp kim uranium nghèo với nhựa tổng hợp đã làm tăng độ cứng của thép lên 2,5 lần.

Tuy nhiên tăng độ dày vỏ giáp cũng có nghĩa là tăng trọng lượng xe, làm giảm sức cơ động, giáp chính ở phía trước xe tăng Abram là 100% giáp thô, không lệ thuộc vào ERA, ngoài ra nó còn được phủ thêm một lớp than chì.

Xe tăng M1 Abrams trình diễn khả năng cơ động.

Thay cho việc tăng độ dày vỏ giáp, người ta đã nghiên cứu chế tạo giáp phản ứng nổ chống đạn lõm, kết hợp cùng với hệ thống phòng thủ chủ động, trong đó Nga là nước đi đầu trong xu hướng này, mà tiêu biểu là dòng tăng T-90.

Kết hợp với đặc trưng của xe tăng Nga là kích thước nhỏ gọn, diện tích bề mặt giảm thiểu, đã giúp giảm khả năng bị bắn trúng, và vỏ giáp được làm rất dày mà tổng khối lượng vẫn rất nhẹ, nên đã nâng hiệu quả tác chiến lên rất nhiều lần.

Cấu trúc của lớp giáp phía trước của T-90MS gồm 3 lớp, lớp thép tấm dày, lớp giáp đệm và lớp giáp thép mỏng hơn. Hiệu quả bảo vệ của lớp tấm chắn này tốt hơn đến 40% so với lớp giáp thép đồng chất tương đương của M1A2 SEP.

Trên tháp pháo hàn của xe tăng T-90MS được sử dụng kiểu tháp pháo mới, tăng cường lớp giáp bảo vệ của tấm thép phía đầu xe, trong thiết kế đã sử dụng loại vật liệu chống cháy napal (chịu lửa) và chống chịu mảnh bằng kevlar thay thế cho tấm chắn vách ngăn.

Cũng cần phải nói thêm là, nhờ băng đạn tự động dạng hình tròn, đã tạo cho xe tăng Nga có tháp pháo tròn đều, xe thấp, diện tích mặt ngoài nhỏ nên giáp dày. Băng đạn thấp và nằm chính giữa xe, giữa các thiết bị khác, khó trúng đạn và bị phát nổ.

Một mặt nữa của băng đạn tròn kiểu Nga là dễ dàng thực hiện nạp đạn tự động, chọn - tháo - nạp lại - đổi loại đạn nhanh, cũng như giao tiếp điện tử xe - đạn.

Ngược lại, khi dùng đạn tiêu chuẩn NATO giống với M1A2 SEP, thì phải đặt khoang đạn phía sau tháp pháo, khoang này đặt cao, tháo pháo méo mó, tăng diện tích mặt ngoài, đi đôi với giảm chiều dày giáp.

Có lẽ, với hình dáng thấp, tròn đều, diện tích mặt ngoài nhỏ, hình dáng mặt ngoài cân xứng... nên Liên Xô và Nga chọn giáp phản ứng nổ (ERA).

ERA có tác dụng mạnh với đạn nổ mạnh (HE), gần như triệt tiêu hoàn toàn sức xuyên của loại đạn này.

Nhược điểm của ERA là gây nguy hiểm cho bộ binh vận động xung quanh xe. ERA ban đầu có dạng viên gạch xấp như T-72. Đến T-80 thì ERA hình chữ V được dùng để tăng khả năng chống lõi xuyên (KE).

ERA hình chữ V như Kontac-V tạo ra khoang rỗng như tác dụng của giáp rỗng, trong khi vẫn bố trí liều nổ phản đòn.

T-90MS.

Năm 1994, Nga thua ở Chechnya, nhiều lần xe tăng bị bao vây chặn bắn dữ dội, nhưng chỉ một số nhỏ T-80 bị loại khỏi vòng chiến đấu, là do mất hết lớp ERA, tổng số hơn 60 xe tăng bị loại khỏi vòng chiến đấu đều là xe đời cũ không có ERA.

T-90 có ERA bố trí như T-80, nhưng có cấu tạo phát triển hơn nhiều, tăng khả năng chống KE, HE hai tầng, chống tự phát nổ khi trúng đạn bộ binh như 30 mm, 12,7 mm... và giảm nguy hiểm cho bộ binh quanh xe.

Ngay từ đầu, T-90 đã được chú trọng trang bị hệ thống phòng thủ chủ động gồm Tổ hợp Chế áp Quang Điện tử (KOEP) TShU-1 "Shtora-1" và hệ thống đánh chặn được coi là hệ phòng thủ cho xe tăng tốt nhất là ARENA.

Trong khi đó thì Hoa Kỳ chỉ mới bắt đầu thử nghiệm hay trang bị những hệ thống tương tự như Quick-Kill hay AN VLQ-8A trong thời gian gần đây.

Có tin Công ty General Dynamics (Hoa Kỳ) đã đề nghị ký hợp đồng mua đến 2.000 hệ thống ARENA của KBM trong 4 năm, song phía Nga từ chối.

Trong phiên bản M1A2 SEPv3, được giới thiệu vào tháng 10/2015, đã thực hiện gói nâng cấp TUSK (Tank Urban Survability Kit) - Gói Nâng cấp Khả năng Tồn tại trong Môi trường Đô thị.

Trong đó bao gồm: Bổ sung những khối giáp composite mới, giáp ERA cho tăng Abram (ARAT) bảo vệ hai bên sườn xe, giáp lồng bảo vệ khoang động cơ phía sau xe…

M1A2 SEP.

Ở biến thể T-90MS, nhận thấy hệ thống Arena vẫn còn gây nguy hiểm cho bộ binh, nhưng lại tốt nhất về mặt tự vệ, vì vậy chúng đã được thay thế bằng cách gây nhiễu khói - sáng - hấp thụ radar, chống được hồng ngoại, radar, laser.

Khi phát hiện đạn được lái bằng laser đến gần, xe tăng tung ra khói và pháo sáng chói, trong khi lái xe di chuyển xe nhanh khỏi vị trí nguy hiểm.

Các khí tài quang học bố trí bên ngoài xe cũng được bảo vệ bởi các miếng giáp, và được điều khiển đóng mở từ bên trong xe.

Sau nâng cấp, ngoài hệ thống vũ khí cực mạnh và khả năng linh hoạt khi tác chiến tại đô thị, T-90MS còn sở hữu lớp giáp bảo vệ siêu mạnh.

Đối với phiên bản T-90MS, tuy lắp đặt hệ thống KOEP Shtora nhưng không sử dụng đèn chiếu IK hồng ngoại, nhưng lại được trang bị ERA kiểu mới, giáp phản ứng nổ Kontakt-5 được thay thế bằng giáp Relikt thế hệ thứ ba.

Hệ thống giáp phản ứng nổ “Relikt” được thiết kế bởi tổ hợp NII Stali OKR "Kactus” và "Relikt” với các mảnh giáp nổ loại 4S23.

Đây là thay đổi lớn nhất của T-90MS so với các phiên bản khác, nó có khả năng hấp thụ gần như hầu hết động năng của các tên lửa chống tăng một khi chúng tiếp xúc hay phát nổ trên lớp giáp này.

Relikt chính là con bài chủ lực giúp các xe tăng của Nga hiện nay mà tiêu biểu là T-90MS có thể tăng gấp đôi khả năng phòng thủ trước loại đạn pháo và tên lửa xuyên giáp chống tăng.

Các nhà khoa học Nga tự hào Relikt là thiết bị giáp phản ứng nổ tối ưu nhất thế giới, chưa có sản phẩm nào sánh bằng kể cả ở nước ngoài hay Nga.

Điểm mạnh của Relikt là khả năng đối phó với cả đạn tốc độ cao và thấp, dễ dàng tháo lắp do được chế tạo theo dạng module. T-90MS được lắp hệ thống giáp phản ứng nổ Relikt ở hai bên hông, phía trước và quanh tháp pháo.

Đối với phần phía trước tháp pháo của T-90, loại đầu đạn HE tandem hay đạn lõm có 2 tầng, đều bị cản rất mạnh.

Ngoài ra khả năng bảo vệ chủ động của xe tăng T-90MS tiếp tục được tăng cường đáng kể nhờ việc lắp đặt thiết bị cảm biến xung quanh tháp pháo, cho phép báo động khi xe bị ngắm bắn bởi các loại vũ khí dẫn đường bằng tia laser.

Đây là điểm mạnh có ở xe tăng T-90MS mà M1A2 SEP chưa có.

Thực tế cho thấy, trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, không ít trường hợp xe tăng M1 Abrams bị trúng đạn DU chống tăng từ xe tăng đồng đội, gây thiệt hại cả về nhân mạng cho kíp lại và hư hỏng nặng cho xe.

Trong khi đó, giáp trụ của T-90, theo nhiều chuyên gia nhận định, thì hoàn toàn có thể chịu được các loại đạn pháo nòng 120 mm thường thấy trên các xe tăng M1 Abrams, thậm chí là những phát bắn thẳng từ trên cao xuống, nhằm vào nóc tháp pháo.

Đặc biệt trong Chiến tranh vùng Vịnh 2, rất nhiều xe tăng Hoa Kỳ bị tấn công bởi súng chống tăng RPG như RPG-7, có khả năng xuyên giáp phản ứng nổ và giáp hỗn hợp của loại tăng này, khiến cho một lượng lớn xe tăng M1 Abrams bị hỏng và phá hủy.

Các loại súng này tạo ra nguy cơ lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả tổ lái và xe tăng. Những loại vũ khí giá rẻ này đã hạ không dưới 20 xe tăng Mỹ trên chiến trường Iraq.

Cần nhắc là, trong Chiến tranh vùng Vịnh, không có bất cứ một chiếc T-72 nào bị thủng giáp trước do đạn xe tăng, trong khi M1A1 bị một phát đạn từ các dòng xe tăng “đàn anh” của T-90 như T-54/55/59 bắn xuyên tháp pháo.

Ngoài ra còn phải kể đến trường hợp một chiếc M1 Abrams trúng một phát đạn 20 mm của xe M2 bắn xuyên phần phía sau xe, làm nổ động cơ.

Còn ngược lại, trong cuộc tấn công của Nga vào Chechnya năm 1999, T-90 được sử dụng trên chiến trường lần đầu tiên và theo một Tạp chí, một chiếc trong số đó đã "ăn" vài quả đạn chống tăng RPG nhưng vẫn tiếp tục sống sót.

Tạp chí này kết luận rằng T-90 tỏ ra là loại xe tăng được bảo vệ tốt nhất của Nga, đặc biệt là nếu như chúng được trang bị hệ thống phòng thủ chủ động Shtora và Arena.

Cũng vào năm 1999, một đợt kiểm tra về vỏ giáp của T-90 đã được tiến hành với các loại đạn được thử là RPG, tên lửa chống tăng (ATGM) và đạn xuyên giáp có lõi xuyên dưới cỡ, ổn định bằng cánh đuôi (APFSDS).

Theo báo cáo, ATGM và APFSDS không thể phá hủy được chiếc T-90 được trang bị thêm gạch ERA Kontakt-5.

Vỏ giáp T-90 là giáp thế hệ thứ ba, làm bằng chất liệu tổng hợp gồm nhiều lớp kim loại và gốm, được đánh giá là một tuyệt tác của các chuyên gia quân sự Nga.

Sức mạnh thật sự của lớp vỏ giáp T-90 vẫn còn trong vòng bí mật, trong phiên bản T-90MS sử dụng giáp phản ứng nổ thế hệ 3 là Relikt thì khả năng bảo vệ còn được nâng cao thêm nữa, biến nó thành chiếc xe tăng có khả năng phòng vệ tốt nhất thế giới.

Nếu nhắc đến khả năng phòng vệ, thì cũng cần nói thêm một chút về tính an toàn giữa hai mẫu xe tăng này. Đối với những phiên bản đầu tiên, thì giữa T-90 và M1 Abrams thể hiện sự trái ngược nhau về tính an toàn đối với kíp lái.

Trong khi M1 Abrams đặt yếu tố này lên hàng đầu tiên ngay từ khâu thiết kế chế tạo, thì T-90 lại bị đánh giá kém nhất về mặt này.

Rút kinh nghiệm, T-90MS đã được cải tiến với khoang chứa đạn được bọc thép, bố trí phía sau tháp pháo theo kiểu module an toàn hơn phiên bản trước, giảm tối đa thương vong trong trường hợp đạn pháo bị nổ ở ngăn chứa đạn phụ.

Khi đó luồng phóng và mảnh đạn với sức ép cực lớn sẽ hướng ra phía ngoài tháp pháo. Trong trường hợp xấu nhất, hộp đạn phụ bị tấn công sẽ tự rơi ra nhờ thiết kế module, do đó, không ảnh hưởng tới tháp pháo.

Một điểm khá độc đáo nữa của hộp đạn phụ đó là, nắp của nó sẽ tự động bung ra khi áp suất trong hộp vượt một mức độ cho phép, làm giảm sức công phá của đạn pháo khi đạn bị nổ ở bên trong.

Để giảm sự tác động của sóng điện từ và sóng phóng xạ khoang điều khiển và khoang chiến đấu được lắp đặt các tấm polymer chắn phóng xạ với các thành phần lithium, boron và lead.

Ngoài ra, tổ hợp bảo vệ của xe tăng còn có các tấm chống mảnh đạn làm từ aramid, nhằm bảo vệ tổ lái khỏi mảnh đạn.

Nếu 1 đấu 1 với T-90MS, M1A2 SEP có thể sẽ lãnh hậu quả thảm khốc như thế này.

Kết luận cuối cùng

Như ngay từ đầu bài viết đã phân tích, xe tăng M1 Abrams không được thiết kế cho mục đích đấu tăng theo kiểu “tay đôi – 1 chọi 1” với các xe tăng cùng thế hệ, như đối với T-90.

Để minh chứng cho điều này, bài viết đã đi qua từng thông số kỹ chiến thuật, cho đến những cuộc thử nghiệm hay các buổi trình diễn trong các sự kiện triển lãm quốc phòng, mà thực tế nhất đó chính là việc chúng được đem ra “thử lửa” trên chiến chường.

Từ những điều này có thể cho thấy rằng, so với M1A2 SEP thì T-90MS là một mẫu xe tăng có khả năng “công thủ toàn diện”, với hỏa lực mạnh, khả năng bảo vệ rất cao và sức cơ động vượt trội. T-90 có sức mạnh chiếm ưu thế khi đem ra so sánh với M1A2 SEP.

Có thể nói, T-90 là một sự kết hợp hiếm có các tính năng chiến đấu (hỏa lực, mức độ bảo vệ, tính cơ động và tính thuận tiện trong điều khiển) và kỹ thuật (tính độc lập, tính bảo dưỡng, tính khôi phục, tính chiến đấu, tính ổn định và tính kinh tế).

Nhờ đó, cho phép T-90 đạt được mức độ hiệu quả chiến đấu cao nhất.

Đứng trên quan điểm khách quan, tuy sự so sánh hai mẫu xe tăng M1A2 SEP và T-90MS là rất khó khăn, khi cả hai đều áp dụng công nghệ tối tân đi tới một mục đích bảo đảm sống sót cao trên chiến trường, cùng hỏa lực đi kèm mạnh mẽ.

Nhưng bất kỳ ai cùng có thể dễ dàng nhận thấy rằng T-90MS trội hơn M1A2 SEP ở gần như tất cả các mặt.

Theo Trí Thức Trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/quan-su/dau-tay-doi-xe-tang-my-m1a2-sep-chi-co-chet-voi-t-90ms-cua-nga-20160209201322365.htm