Đầu năm xông đất dòng họ làm trống ở Mỹ Yên

Nói đến một nét đặc sắc văn hóa Bình Định, không thể không nhắc đến trống võ Tây Sơn hay tiếng trống chầu giục giã của những đêm hát bội.

Đầu xuân Bính Thân này, về Tây Sơn dự Lễ hội kỷ niệm 227 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, chúng tôi tìm về thôn Mỹ Yên, xã Tây An, nơi có một dòng họ từng góp phần làm nên những chiếc trống mang tải một phần hồn đất Võ ấy.

Ông Trần Bác lúc sinh thời bên một chiếc trống đại đang được bịt lại da. Ảnh: VIẾT THỌ

“Ai qua ghé lại Mỹ Yên…”

Người Tây Sơn vẫn lưu truyền câu ca dao: “Ai qua ghé lại Mỹ Yên/ Ở đây gạch gốm gia truyền, thêm nghề phất trống lưu truyền tử tôn”.

Câu ca nói về nghề truyền thống ở thôn Mỹ Yên. Gạch gốm thì ai cũng biết, thôn Mỹ Yên có nghề làm gốm nổi tiếng từ xa xưa và đến nay vẫn còn phát triển. Còn “phất trống” ở đây chính là nghề làm trống.

Không chỉ làm những chiếc trống bình thường, Mỹ Yên còn tự hào là nơi làm ra những chiếc trống trận và trống chầu. May mắn, tôi tìm gặp được hậu duệ của dòng họ nổi tiếng làm trống, hiện ở thôn Mỹ Yên, cạnh cầu Gốc Mít.

Tiếp tôi là hai anh Trần Văn Oanh và Trần Văn Hùng, hậu duệ của dòng họ Trần, chuyên làm tại Mỹ Yên. Lục lại kí ức xưa, hai anh cho tôi biết dòng họ Trần của anh gốc từ Quảng Nam. Theo tiếng gọi của nhà Tây Sơn, dòng họ Trần vào Tây Sơn tụ nghĩa. Những chiếc trống do dòng họ Trần đã làm tăng nhuệ khí của nghĩa quân Tây Sơn trong những năm còn mải miết thao luyện võ nghệ, đến khi dựng cờ khởi nghĩa và thôi thúc những bước chân hành quân thần tốc làm nên Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lừng lẫy.

Hơn 200 năm đã trôi qua, trải nhiều thăng trầm lịch sử, nghề trống của Mỹ Yên đã mai một nhiều. Song dòng họ Trần ở đây vẫn quyết duy trì nghề làm trống cho đến ngày nay. Những bộ trống trận tại Bảo tàng Quang Trung được đem đi biểu diễn khắp năm châu được bạn bè thế giới ngợi khen, tán thưởng đều do ông Trần Bác, là cha của anh Oanh và anh Hùng, làm nên. Bên cạnh đó, nhiều chiếc trống chầu, trống nhạc cho các đoàn hát bội, trống dung trong các chùa… đều phát xuất tự Mỹ Yên.

Anh Trần Văn Oanh và Trần Văn Hùng cạnh chiếc tang trống bằng gỗ nguyên khối. Ảnh: TIẾN DŨNG

Nghề xưa “lưu truyền tử tôn”

Hai anh Trần Văn Oanh và Trần Văn Hùng cho biết, điểm đặc biệt của trống trận Quang Trung là tang trống làm bằng “dăm nguyên”, tức bằng gỗ nguyên khối, bởt tang trống là thành phần tạo ra âm thanh trong bài trống trận. Cả khúc gỗ mít già, sau khi đã để cho thật khô, được người thợ tỉ mẩn dùng đục đục hết lõi, chỉ để lại phần ngoài làm tang trống. Có chiếc trống đại, đường kính tới 1,2m, cao tới 1,6m đến những chiếc trống nhỏ như trống chầu đường kính khoảng 4 tấc, cao 6 tấc… đều làm theo cách này.

Gỗ để làm trống tốt nhất là gỗ mít phơi khô ít nhất một năm và nhất thiết phải để qua mùa gió Nam. Có vậy, tang trống mới không còn cong vênh, nứt nẻ; gỗ không còn co rút để giữ cho tiếng trống phát ra chắc, tròn và ấm. Muốn có bộ tang trống đẹp, đích thân người làm trống phải vào rừng, hướng dẫn cho thợ hạ cây, cưa cắt, di chuyển gỗ nguyên liệu.

Da bịt trống phải là da trâu cái, bởi chỉ có da trâu cái khỏe mạnh mới làm cho tiếng trống vang xa, giòn giã, thúc giục lòng người. Thợ trống Mỹ Yên không bịt da đã thuộc, bởi da thuộc tiếng không ấm, mà dùng da tươi phơi khô. Da trâu mua về, luộc rồi vớt ra thuộc mỏng, phơi khô, sau đó, đặt lên bịt vào làm mặt và đóng nêm theo đúng kiểu Bình Định.

Công kỹ nhất là công đoạn bịt da lên mặt trống. Mặt da được may vào dây, rồi móc căng lên, ràng qua tang trống xuống những nêm phía dưới. Người làm trống sau khi nêm chặt, sẽ nhảy lên mặt da, nhảy cật lực. Khi mặt da đã hơi chùng lại đóng nêm, rồi dùng búa gỗ nện thật lực vào tai để kéo căng dây.

Trong các khâu làm trống, kỹ thuật tạo ra âm thanh của trống trận Quang Trung mới là bí quyết của nghề làm trống trận của dòng họ Trần ở Mỹ Yên. Để tạo ra những khoảng cách âm vực của 12 chiếc trống trận là một việc cần có trình độ thẩm âm cao. Theo nhạc sĩ Bạch Mai, giảng viên âm nhạc Trường Đại học Quy Nhơn, 12 chiếc trống trong bộ trống trận Quang Trung có độ chệnh lệnh từ nửa cung đến một cung rưỡi. Sự chênh lệch cao độ này tạo nên những giai điệu, tiết tấu độc đáo của trống trận, có thể trình tấu bất kỳ bản nhạc nào ở điệu thức 5 âm.

Với cách làm đặc biệt ấy, trống trận ở Mỹ Yên ngày nay vẫn chất lượng như trống trận Quang Trung huyền thoại năm nào.

Hiện tại, nghề làm trống trận Quang Trung vẫn còn lưu giữ bởi hậu duệ của dòng họ Trần ở Mỹ Yên. Anh Trần Văn Oanh, con trai thứ hai của ông Trần Bác, quyết tâm theo nghề mở mang nghề trống tại thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn. Anh Trần Văn Hùng, con trai thứ ba của ông Trần Bác, hiện làm trong ngành Giáo dục nhưng vẫn tâm huyết và duy trì nghề làm trống của cha ông.

Không chạy theo số lượng, trống do hai anh Oanh và Hùng làm ra thường có chất lượng cao. Trình độ làm trống của hai anh không kém gì cha ông của các anh đã từng làm. Những chiếc trống sấm có đường kính từ 1,2m đến 1,4m trong các đình, chùa, sở, trung tâm văn hóa trong và ngoài tỉnh đều do các anh làm.

Theo Nguyễn Tiến Dũng/ Bình Định online

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/dau-nam-xong-dat-dong-ho-lam-trong-o-my-yen-post191118.info