Đầu năm thành kính đi tảo mộ, cầu mong an nhiên cả năm

Năm nào cũng vậy, sáng mồng Một Tết, nghĩa trang Gò Cà (giáp ranh giữa tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng) lại nhộn nhịp bởi dòng người đi tảo mộ.

Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, mọi người đến nghĩa trang để thắp nén hương tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ, những người thân yêu đã khuất.

Gò Cà được mệnh danh là “thành phố” của người âm, bởi số lượng mộ hiện nay nhiều vô kể, chiếm một vùng đất rộng lớn của xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) và xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng).

Con đường đất đỏ từ quốc lộ 14B đi vào nghĩa trang chia “thành phố” này thành hai khu vực, một thuộc Quảng Nam, một thuộc Đà Nẵng.

Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều gia đình ở Quảng Nam có mộ người thân ở phía Đà Nẵng và ngược lại. So với những năm 1990, tình hình an ninh trật tự ở đây đã được cải thiện đáng kể, không còn tình trạng đập phá mộ hay ép buộc gia chủ chi tiền chăm sóc mộ.

Dòng người đi tảo mộ đầu năm tại nghĩa trang Gò Cà (ảnh Văn Hoàng).

Bắt đầu đoạn đường rẽ vào nghĩa trang, hai bên đường là hàng quán san sát. Khách có nhu cầu ăn uống hay hoa quả, hương đèn để phục vụ việc viếng mộ đều được đáp ứng tức thì.

Một thẻ hương có giá 5.000 đồng thì ở đây được bán với giá 8.000 đồng. Một bó hoa nhỏ để đặt trên mộ người thân có giá 20.000, 30.000 đồng.

Nhìn chung, không còn cảnh “chặt chém” như trước. Không những thế, có hẳn lực lượng cảnh sát giao thông trực gác vào sáng Mồng Một để điều phối giao thông, phòng ngừa ùn tắc.

Không chỉ có người lớn, trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ để được nghe chỉ dạy về gia tiên, dòng tộc và kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ.

Thông thường, việc tảo mộ đã được các gia đình thực hiện trước Tết. Sáng Mồng Một mọi người đến để thắp hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho ngôi mộ ấm cúng.

Với quan niệm, sống có làng trên xóm dưới nên không chỉ thắp hương cho mộ người thân, mọi người còn thắp hương cho những ngôi mộ lân cận xung quanh.

Thắp hương ngày Tết để tưởng nhớ ông bà (ảnh Văn Hoàng).

Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, săn sóc, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Ngay trong sáng Mồng Một, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Thu (SN 1971, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc) khi chị đang thuê người tảo mộ cho một ngôi mộ vô danh.

Chị Thu cho biết, khi thắp hương ở mộ người thân cạnh đấy, nhìn thấy ngôi mộ này không được hương khói, sửa soạn nên chị Thu đã thuê anh Thái (xã Đại Hiệp) đến để phát cỏ và quét vôi.

Chị Thu tâm sự: “Người chết cũng như người sống, ngày lễ ngày tết rất muốn người thân đến thăm hỏi. Không biết vì lý do gì, họ (người đã mất-PV) không được người nhà chăm sóc, chắc họ tủi thân lắm. Tôi muốn thắp cây hương cho họ ấm lòng”.

Biết chị Thu làm việc nghĩa, anh Thái chỉ nhận tiền vôi mà không nhận tiền công. Anh Thái còn cho biết, trong quá trình chăm sóc, sửa sang mộ cho các gia đình, anh vẫn thường quét dọn, quét vôi cho những mộ không có người thân.

Mặc dù công việc chăm sóc mộ là kế sinh nhai của anh, cũng có khi cạnh tranh gay gắt, nhưng nhiều lúc anh vẫn bỏ công, bỏ của để làm việc nghĩa như thế này…

Văn Hoàng

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/dau-nam-thanh-kinh-di-tao-mo-cau-mong-an-nhien-ca-nam-d6025.html